Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:02 - 09.05.2024
0h, màn đêm phủ kín trên mảnh đất Hoà Bình. Không tĩnh mịch như thường lệ, đêm nay cả rẻo đất đùng đoàng những tiếng sấm vang trời, chói sáng những tia sét lớn do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đầu hè. Tuy vậy, những âm thanh ồn ào ấy vẫn không át nổi tiếng động cơ ô tô, động cơ xe máy của những người lính Viettel đi ứng cứu đứt cáp, mất điện trong khu vực. Xuyên đêm với đầy rẫy hiểm nguy rình rập, những chiếc xe vẫn băng băng tiến về phía trước, vì mục tiêu khắc phục sự số, gìn giữ mạng lưới cho nhân dân.
Dưới chiếc cột đổ sau giông lốc
Sáng sớm ngày 21/4, anh Xa Tiến Thành, nhân viên kỹ thuật nhà trạm, chi nhánh Công trình Viettel Hoà Bình lên đường đến trạm HBH107 (huyện Đà Bắc, Hoà Bình) để kiểm tra chất lượng thiết bị sau đêm mưa bão, giông lốc. Sau quãng đường 45km chạy xe máy đường đất đá và 1,5km đi bộ leo núi từ chân trạm, anh Thành đã lên được đến đến đỉnh.
“Lên đến nơi, tôi thở hổn hển chưa kịp định hình, đã thấy cột BTS đổ rồi. Không ngờ trận giông lốc đêm qua ác liệt đến thế. Chỗ trạm này đổ mất 1 cột BTS và gãy 4 cột điện khác trên đỉnh trạm”, anh Xa Tiến Thành nhớ lại.
Tiếp xúc thiết bị hư hại sau mưa bão, anh Thành tự nhủ phải bước chắc, làm chắc. Bởi chỉ cần không cẩn thận, điện chập lan ra các thiết bị khác có khả năng nổ trạm. Hơn nữa, tuy anh đã trang bị đủ bảo hộ, vẫn không thể bỏ qua tình huống hở điện, không cẩn thận tiếp xúc có thể ảnh hưởng cả tính mạng. Mỗi bước kiểm tra, anh Thành đều thực hiện cẩn thận theo quy trình.
“Đây là cột đầu tiên đổ trên đất Hoà Bình, từ xưa đến nay chưa từng có cột BTS nào đổ. Khi thấy cột đổ, tôi bủn rủn cả chân tay, người không đứng vững vì thấy thiên tai làm thiệt hại nhiều quá”, anh bồi hồi kể lại.
Nhận thông tin cột BTS mã số 107 đổ, chị Bùi Thị Kiều Anh, nhân viên khối văn phòng của chi nhánh ngỏ ý được đi ứng cứu cùng để chăm lo hậu cần và khích lệ tinh thần cho anh em. Nhưng các nhân viên kỹ thuật đều không đồng ý vì đường đi lối lại vô cùng vất vả, con gái sức yếu như chị sẽ không thể chịu nổi.
Vượt mọi khó khăn cách trở, ngay chiều hôm đó, Phó TGĐ VTNet và các đội kỹ thuật đã trực tiếp lên xem xét tình hình thiệt hại, cùng “chiến đấu” với anh em tuyến đầu.
Theo anh Thành, bản chất thiết bị gặp sự cố do thiên tai, nhưng anh là người quản lý trạm. Mỗi trạm đều như một đứa con tinh thần của anh. Chứng kiến trạm BTS mình ngày ngày chăm chút, nâng niu nay đã đổ gãy, anh Thành không khỏi xót xa trong lòng.
Lý giải về nguyên nhân đổ cột BTS, anh Phạm Công Chính, Phó Giám đốc kỹ thuật chi nhánh Công trình Viettel Hoà Bình khẳng định: “Trong những năm tôi công tác tại địa bàn, đây là lần giông lốc lớn nhất. Năm nay là năm thời tiết khắc nghiệt nhất trong 10 năm trở lại tại Hoà Bình”.
Theo anh Chính, mưa giông đã xuất hiện liên tục trong 3 ngày trước đó, trải dài trên 6 huyện của Hòa Bình: Mai Châu, Tân lạc, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong và nặng nề nhất ở huyện Đà Bắc. Ban lãnh đạo từ Tập đoàn, Tổng công ty và chi nhánh đã có những chỉ đạo cụ thể để đảm bảo thông tin liên lạc cho bà con trong 24h.
“Biết điều kiện ứng cứu trong mưa bão khó khăn, chi nhánh đã đảm bảo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho nhân viên, đồng thời huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn cho anh em về cách sử dụng, những lưu ý an toàn giao thông, an toàn lao động và những chỉ dẫn cụ thể với từng trường hợp”, anh Chính khẳng định.
Đá lăn trước mũi, sét đánh trên đầu và 24h không nghỉ
Mưa bão xuất hiện liên tục trước đó làm hệ thống điện lực ảnh hưởng, gây ra mất điện trên diện rộng. Chi nhánh Công trình Viettel Hòa Bình đã nhanh chóng thành lập bộ phận trực ứng cứu. Trong đó, anh Phạm Công Chính trực tiếp chỉ huy, giám sát và điều hành từng hoạt động.
“Giữa đêm, chi nhánh đã huy động 3 xe ô tô cùng vào Đà Bắc hỗ trợ anh em trong thời gian sớm nhất. Nhưng do tình hình mưa giông, lực lượng bắt buộc phải ém quân vì vấn đề an toàn. Đường đèo núi bị chia cắt, anh em không biết đâu là an toàn, sạt lở ra sao mà chỉ đi đến đâu biết đến đấy”, anh Chính nhớ lại.
Trong lúc đó, anh Xa Tiến Thành - người trực tiếp quản lý các trạm BTS tại Đà Bắc cũng tự mình di chuyển xăng dầu lên các trạm để ứng cứu mất điện diện rộng. Không biết khi nào trời sẽ mưa to trở lại, cứ tranh thủ mưa nhỏ hạt dần là anh lên đường đi ứng cứu ngay.
“Anh em hỗ trợ chưa lên kịp, tôi tự phân công mình dùng xe máy mang xăng dầu lên các trạm. 80 lít mỗi lượt, cứ hai can trước, hai can sau buộc chắc trên xe mà vận chuyển thôi. Có trạm cách trung tâm 20km, cũng có trạm 45km, vận chuyển xong cũng hết nguyên một đêm dài”, anh Thành bày tỏ.
Trời vừa tối vừa lầy, mình anh Thành vẫn băng băng tiến về phía trước: “Trên xe nào can, bình lỉnh kỉnh nhưng tôi quen rồi, chẳng sợ gì nữa. Nói quyết liệt vậy nhưng tôi biết sau lưng mình còn gia đình, phải đặt an toàn lên trên hết”.
Là người bản địa, cũng là người Công trình Viettel được 5 năm, anh Thành đã trải qua đủ cảm giác lo sợ, giật mình, hoảng hốt khi thấy đất đá sạt lở tại địa phương. Nhưng kỉ niệm ngay trong đêm mưa ấy vẫn làm anh nhớ mãi: “Đang đi trên đường lên trạm, tôi dừng lại để chụp ảnh báo cáo lãnh đạo. Không ngờ có một hòn đá to bằng nửa ngôi nhà lăn qua ngay trước đầu xe. Tôi thở phào vì đã dừng lại đúng lúc”.
Thế mà sau khi hòn đá lăn qua, anh không do dự mà nổ máy đi tiếp con đường của mình.
Trên thực tế, anh Xa Tiến thành không chỉ bám tuyến xuyên đêm, mà trong những ngày này, công việc của anh đã bắt đầu từ 6h sáng và liên tục đến tận 7h sáng hôm sau. Ban ngày anh đi khắc phục đứt cáp, đến cuối ngày lại đi vận chuyển nhiên liệu cho máy nổ. Thế mà khi hỏi về điều khó khăn nhất, anh lại chẳng kể ra những vất vả ấy.
Anh bảo: “Khó khăn nhất là liên lạc và báo cáo trong mưa bão, giông lốc. Vì cả địa bàn không có nổi chút sóng nào. Mình không thể báo cáo ngay về cho đơn vị để khắc phục sớm nhất cho bà con. Lúc đó chẳng còn quan tâm mình thế nào nữa, chỉ biết phải bắt sóng để gửi thông tin về”.
Theo anh Thành, anh biết anh em cứu trợ có khi phải đi quãng đường đến 95km lên trạm, đường đang sửa, lầy lội, lởm chởm đất đá, lại không biết sạt lở, đổ cây thế nào, vừa nguy hiểm cho anh em mà để lên được đến trạm cũng mất trắng cả đêm. Hy vọng của cả đội là làm sao ứng cứu được sự cố. Chỉ khi đảm bảo được dịch vụ cho xóm làng, anh em mới yên lòng.
Vì núi là nhà, vì trạm là nhà
Theo anh Phạm Công Chính, tinh thần người lính, vì dân phục vụ là điều thúc đẩy mỗi nhân viên kỹ thuật nhà trạm giữ vững quyết tâm, vượt qua đêm bão. Hình ảnh anh em Viettel hô hào ứng cứu suốt đêm, không quản ngại khó khăn vất vả đã trở thành hình ảnh đẹp trong mắt người dân Hòa Bình mấy ngày qua.
Anh Xa Tiến Thành khẳng định: “Mệt thì có mệt, nhưng khi đó tôi chỉ làm việc theo trái tim mách bảo, làm việc cần làm chứ không có thời gian nghĩ ngợi. Thiên nhiên làm gì có trái tim đâu. Cứ đến mùa xưa là chúng tôi phải xuyên đêm thôi, sống chung với bão lũ, giông lốc quen rồi”.
Sống cùng mưa bão, anh Thành chỉ ăn duy nhất một bữa vào buổi sáng. Anh bảo mùa giông bão chỉ ăn vậy, miễn đầy đủ dinh dưỡng để khi cần ứng cứu là anh đi ngay. Đêm tối là thời gian làm việc căng thẳng nhất, nhưng với anh nhiệm vụ còn quan trọng hơn cả bữa ăn. Nghe thấy tiếng sét, anh cũng quên luôn cảm giác đói bụng mà chỉ nghĩ phải đi ứng cứu.
“Người công trình chúng tôi nghỉ ngơi ở đâu cũng được, dù là 15 - 20 phút tựa lưng vào đá thôi cũng đủ để tôi hồi sức rồi. Vì Đà Bắc là nhà, núi là nhà và trạm cũng là nhà mà”, anh bộc bạch.
Anh Thành gắng hết sức cho ngày mưa bão, vì anh biết lúc này bà con làng xóm cần mình, và vì anh em Công trình vẫn nói với nhau: “Sau mưa bão rồi nắng lại lên, trời lại quang ấy mà”.
Là người con đất Hoà Bình, chứng kiến nhiều câu chuyện đau thương của người dân khi địa bàn bị chia cắt, mất hoàn toàn phương thức liên lạc, anh càng tự nhủ mình phải cố gắng giữ sóng cho nhiều trạm hơn nữa.
“Mình có vất vả, mệt mỏi, nghỉ ngơi rồi sẽ ổn. Nhưng mạng lưới không thể nào mất được. Phải đảm bảo sóng để bất kể có chuyện gì, mọi người có thể báo cho nhau biết ngay, liên hệ với nhau ngay. Sẽ không ai phải lo lắng nữa”, anh Thành bày tỏ.
Trong những ngày tới, các tỉnh khu vực miền Bắc, trong đó có Hoà Bình sẽ tiếp tục đón thời tiết cực đoan với mưa giông, lốc sét và gió giật mạnh, nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng. Những người lính Công trình Viettel sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhiều đêm thức trắng để ứng cứu thông tin, gìn giữ mạng lưới. Nhưng tinh thần quả cảm của người chiến sĩ và mục tiêu vì dân phục vụ, vì dân quên mình sẽ giúp các anh vượt bão thắng mưa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ an toàn, bình yên cho bà con thôn xóm quê hương.