Người giữ ‘lửa’ và số điểm tuyệt đối tại Công trình Viettel Sóc Trăng

Anh Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:07 - 22.04.2024

Tại Sóc Trăng, có một nhân viên nhà trạm của Viettel luôn cần mẫn làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là tấm gương của anh em ở đây.

Anh Lê Văn Đạo, sinh năm 1988, nhân viên kỹ thuật nhà trạm của Viettel Sóc Trăng, đã đạt hàng loạt thành tích xuất sắc trong năm 2023. Với anh, công việc của mình không khó nhưng cũng chẳng dễ. Không khó ở chỗ nó chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn và kinh nghiệm thực chiến - vốn có thể hình thành sau vài năm. Tuy nhiên, nó cũng chẳng dễ vì hầu như khó có người gắn bó được lâu dài, và cũng cần ý thức trách nhiệm rất cao.

Luôn luôn sẵn sàng

Hiện tại, anh Đạo quản lý 33 trạm gồm 26 trạm macro và 7 trạm RRU, rải rác tại 15 xã trên địa bàn huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Một trạm lý tưởng sẽ có đầy đủ thiết bị cơ bản và máy phát điện để đề phòng trường hợp mất điện, gây gián đoạn thông tin. Tuy nhiên, tài nguyên máy phát điện hiện mới đạt khoảng 50%, phân bố cho các trạm macro. Trạm RRU là dạng trạm tạm, dùng trong vùng lõm và không được ưu tiên triển khai ứng cứu thông tin khi mất điện.

Ấy vậy mà anh Đạo luôn hoàn thành từ tốt đến xuất sắc công việc của mình. Điểm KPI nhà trạm của anh Đạo năm 2024 là cao nhất toàn TCT và tuyệt đối, đạt 100/100 điểm. Anh Đạo còn nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua.

anh Dao CTR (2)

Địa bàn huyện Mỹ Tú chủ yếu là sông nước, có mật độ trạm khá thưa, phải khoảng 3 km mới có một trạm - so với các địa bàn phát triển thì chỉ vài trăm mét đã có một trạm. Khoảng cách giữa các trạm xa khiến mỗi trạm phải bao phủ nhiều khu vực hơn, nếu xảy ra mất điện diện rộng sẽ gây khó khăn cho nhân viên kỹ thuật như anh Đạo.

Nguyên tắc trong nghề là luôn đảm bảo khi mất điện, các trạm có máy phát phải luôn phải hoạt động trơn tru để tập trung lo cho các trạm không có máy phát. Để làm được điều này, anh Đạo thường xuyên phải đi kiểm tra, bảo dưỡng nhà trạm, đảm bảo máy phát điện luôn tự động kích hoạt khi có sự cố. Bên cạnh đó, việc thiếu tài nguyên máy phát điện khiến anh luôn phải tính toán sử dụng sao cho hợp lý.

Anh Đạo không bao giờ dám đi xa khỏi địa bàn. Sự cố không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng mỗi khi nó ập đến, anh chỉ có 15 phút chuẩn bị và một tiếng để có mặt ở hiện trường, bất chấp thời tiết ra sao.

Người “gác cổng” tại Mỹ Tú

Anh Đạo vẫn còn nhớ một ngày tháng 6, khoảng 20h, những cơn mưa rào nặng trĩu kéo theo theo tiếng sấm vang trời. Bầu trời nhấp nháy như bóng đèn hỏng vì những tia sét cứ đôi lúc lại lóe lên, tưởng chừng sắp xé toạc màn đêm. Dù trong thời gian ở Sóc Trăng, anh Đạo chưa thấy vụ sét đánh chết người nào, viễn cảnh phải ra đường lúc đó vẫn “rất kinh”.

Đời không phải lúc nào cũng diễn ra như người ta muốn. Hệ thống thông báo mất điện diện rộng, yêu cầu nhân viên kỹ thuật nhà trạm ứng cứu ngay lập tức. Mẹ anh Đạo vì xót con nên cứ bảo “Thôi, đừng đi, để ngớt đã”. Tuy nhiên, công việc không chờ một ai, đặc biệt với những người làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin như anh Đạo.

“Tôi bị cận hơn 3 độ nên ra đường lúc đó gần như chẳng thấy gì. Trông thấy ánh sáng xe đi ngược chiều, tôi phải dừng luôn vì sợ”, anh kể.

Tối hôm đó, hỗ trợ anh Đạo còn có một lái xe máy chở máy phát điện từ trạm khác tới. Cả hai tốn một lúc lâu mới có thể vận hành được vì không có mái che, sử dụng máy phát điện dưới mưa quá nguy hiểm. Cuộc giải cứu trong mưa, qua nhiều trạm, kéo dài tới sáng hôm sau. Khi mọi người thức dậy bắt đầu ngày làm việc mới, anh mới được đặt lưng ngủ một giấc chập chờn vì chẳng biết lúc nào sự cố lại ghé thăm.

anh Dao CTR (1)

Đặc thù địa bàn miền Tây với hạ tầng chưa đồng bộ cũng khiến công việc khó khăn hơn, đặc biệt trong lúc xử lý sự cố. Anh Đạo kể đôi khi trạm chỉ ngay bên kia bờ, nhảy xuống “bơi phát là sang” nhưng anh vẫn phải đi vòng vèo một lúc mới đến được. Một số đoạn đường xấu, nhỏ, chỉ có thể tiếp cận bằng xe máy hoặc đi bộ, ôtô không vào nổi. Điều này cản trở nhiều trong việc vận chuyển dây cáp, thiết bị khi lỗi xảy ra.

Anh Đạo có thể xem như người thâm niên nhất trong bộ phận này bởi năm nào đơn vị cũng phải tuyển người mới. Những người trẻ được tuyển vào từ tháng 3 và đúng ra Tết lại nộp đơn xin nghỉ. Bản thân anh thông cảm cho họ bởi công việc này đòi hỏi quá nhiều thời gian và vất vả.

“Tôi nghĩ anh nào chưa có người yêu, vợ con mà dính vào nghề này chắc mãi ế”, anh nói đùa.

Câu nói đùa bật ra bỗng khiến anh chững lại đôi chút. Anh nhớ vợ mình, người hiện ở nhà bố mẹ đẻ, cách nơi anh Đạo sống khoảng 60 km, sau khi vừa sinh cho anh một đứa nhóc hai tháng trước. Tự nhiên, anh thấy thương người phụ nữ đã phải hy sinh bao điều để anh có thể yên tâm công tác.

“Tôi cưới vợ cuối năm 2020 mà đến nay chẳng đưa được cô ấy đi chơi đâu”, anh tâm sự.

Trách nhiệm với công việc, gia đình và bản thân

Vì tính chất công việc quản lý nhà trạm, anh hầu như không thể rời khỏi địa bàn quá lâu. Mỗi lần gặp vợ, anh thường về buổi tối nhưng sáng hôm sau đã quay trở lại địa bàn để tiếp tục công việc. Những việc còn lại, hầu như mình chị phải xoay xở, gánh vác. Đến đứa con hai tháng tuổi, số lần anh gặp tính tới giờ chắc đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều khi, nhớ vợ, thương con, anh thấy tủi thân và cũng có ý định nộp đơn xin nghỉ. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, anh lại chọn ở lại gắn bó vì lỡ dành cho công việc này cả tình yêu lẫn trách nhiệm.

Theo anh Đạo, ban đầu khi mới tiếp nhận lại công việc từ người tiền nhiệm, anh hầu như chỉ làm theo đúng những gì sẵn có, không bận tâm đổi mới tư duy. Lúc ấy, anh nghĩ đây chỉ đơn thuần là công việc đến tháng nhận lương nên làm thế nào cho xong là được. Sau nhiều năm, anh nhận ra mình cần thay đổi suy nghĩ đó bởi công việc này chính là thứ đang nuôi sống anh và gia đình. Khi anh làm tốt, bản thân là người hưởng lợi đầu tiên, không phải công ty.

anh Dao CTR (3)

Từ đó, anh bắt đầu tính toán nhiều hơn trong việc phân bố tài nguyên máy phát điện một cách hợp lý. Ngay cả khi đi đường, anh cũng luôn chú ý quan sát xem có gì đang ảnh hưởng tới tuyến cáp, trạm phát sóng không. Nếu phát hiện, anh sẽ giải quyết nhanh để tránh sự cố lớn hơn xảy ra.

“Vấn đề công việc này chỉ là tỉ mẩn, làm thật, làm chắc”, anh nói.

Tuy đơn giản vậy, anh Đạo đến giờ vẫn băn khoăn về người có thể thay thế vị trí mình sau này. Anh tự nhận mình bắt đầu cảm thấy dấu hiệu của tuổi tác nhưng không thể ngừng công việc lại vì chưa có ai thay. Những người trẻ mới vào không trụ lại quá lâu vì áp lực lớn khiến công việc theo năm tháng cứ dồn lên đôi vai của người đàn ông 36 tuổi.

Vất vả là thế nhưng anh Đạo rất yêu công việc mình đang làm và luôn thầm cảm ơn Viettel đã cho anh cơ hội có mức thu nhập tốt, được làm gần nhà. Nhiều người ở quanh khu vực anh Đạo sống thường phải đi làm ở những khu công nghiệp xa. Dù vậy, anh hiểu rằng mình phải luôn tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, giữ gìn sức khỏe cho bản thân tốt hơn để trong tương lai, cơ thể này vẫn “đủ ngoan” để theo anh xử lý sự cố giữa những đêm mưa gió tầm tã nữa.

Tình yêu anh dành cho công việc là không cần bàn cãi. Trách nhiệm anh tự đặt lên vai không chỉ là với xã hội, với khách hàng mà còn là với những người thân của mình.

Bản tin ngành Thương hiệu & Truyền thông tháng 4/2024

Viettel đưa công nghệ số đến vùng đất lịch sử Điện Biên

3 từ đồng nghiệp dành tặng Viettel Family

Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G

Sinh viên ‘5 tốt’ ấn tượng với giá trị văn hóa Viettel

Thể Công - Viettel hướng đến chiến thắng thứ ba liên tiếp

Thể Công - Viettel thể hiện bản lĩnh trong thời khắc khó khăn

  • 1

Tập đoàn ủng hộ 100 căn nhà cho hộ nghèo tỉnh Lạng Sơn

  • 2

Các 'hạt giống' khao khát được dấn thân ở Viettel

Thể Công - Viettel quyết tâm tiến vào bán kết Cúp Quốc gia

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua