Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:56 - 25.09.2024
Sáng 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Tp. Hồ Chí Minh. Đây là một bước tiến nổi bật của Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Và Viettel là nhà đồng sáng lập Trung tâm C4IR.
Trung tâm là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, qua đó tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đại diện Viettel tham dự sự kiện khánh thành có Phó TGĐ Đào Xuân Vũ. Tại đây, Phó TGĐ Tập đoàn bày tỏ niềm vinh dự của Viettel khi được trở thành đơn vị đồng sáng lập Trung tâm C4IR đầu tiên của Việt Nam, thứ 2 Đông Nam Á và thứ 19 của thế giới. Xác định sứ mệnh Tiên phong, chủ lực trong chuyển đổi số quốc gia, nên việc được chung tay xây dựng Trung tâm C4IR là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của Viettel đối với thành phố và đất nước, qua đó góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tích cực tham gia thiết kế các chính sách, chiến lược quốc gia và kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tăng tốc phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông qua Trung tâm C4IR, Viettel một lần nữa được thể hiện cam kết, quyết tâm của mình trong việc cùng chính quyền, doanh nghiệp và người dân Tp. Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ hiện đại để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bền vững và phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.
Phó TGĐ Đào Xuân Vũ chia sẻ mong muốn Trung tâm C4IR sớm ổn định mô hình hoạt động để tạo ra một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời, cần xác định các chủ đề ưu tiên để tập hợp chuyên gia theo từng lĩnh vực, triển khai thực chất và hiệu quả. Viettel cũng đề xuất Trung tâm C4IR xây dựng cơ chế thu hút cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia tham gia, nhằm lan tỏa các giải pháp chuyển đổi số “Make in Vietnam”.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước trong công cuộc chuyển đổi công nghiệp lần thứ tư, Phó TGĐ Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, tạo động lực mạnh mẽ cho các vấn đề trọng tâm sau:
Một là thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0: Trong đó lấy Trung tâm C4IR là công cụ để ban hành chính sách, định hướng chuyển đổi công nghiệp dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, cần có sự liên kết trong chỉ đạo của các Ban chuyển đổi số quốc gia, Ban chuyển đổi xanh quốc gia và Ban chỉ đạo Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự xuyên suốt, thống nhất trong ban hành chính sách và định hướng chiến lược.
Hai là phát triển hạ tầng số hiện đại: Đặc biệt là mạng 5G và xây dựng các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế. Hạ tầng vững mạnh sẽ là chìa khóa để thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu trong khu vực, làm tiền đề để phổ cập và phát triển hộ gia đình số, cung cấp dịch vụ truyền hình, internet và các tiện ích số cho hộ gia đình, giúp cho người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng hơn, tạo ra một môi trường kết nối thuận lợi, khuyến khích người dân tham gia vào nền kinh tế số, qua đó góp phần kiến tạo xã hội số.
Ba là tăng cường các nền tảng số Make in Vietnam: Cần phát triển nhiều hơn nữa các nền tảng công nghệ do Việt Nam sản xuất, nhằm tạo động lực cho kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Việc này không chỉ giúp phát huy tiềm năng nội lực mà còn giảm phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập, từ đó tăng cường tính tự chủ và bền vững cho nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này sẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước lớn mạnh.
Bốn là thu hút các Bigtech và hợp tác, nghiên cứu công nghệ: Cần có chính sách khuyến khích các công ty công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu công nghệ trong nước. Chính sách này sẽ tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự hiện diện của các Bigtech không chỉ mang lại nguồn vốn và công nghệ tiên tiến mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước học hỏi và hợp tác, từ đó góp phần vào sự bền vững của nền kinh tế.
Năm là đào tạo và phát triển nguồn lao động chất lượng cao: Cần gia tăng các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng công nghệ cho lực lượng lao động. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp và phát triển kinh tế bền vững, vì vậy chính sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, góp phần xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh và thích ứng với xu hướng toàn cầu.
Với những mục tiêu và giải pháp trên, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ tin tưởng rằng C4IR sẽ trở thành địa chỉ tin cậy, là trái tim của Tp.Hồ Chí Minh trong công cuộc chuyển đổi số, tiên phong đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.