‘Tôi là Malala’ – lên tiếng để thay đổi thế giới

Nguyễn Dung (Công ty Truyền thông Viettel) đã đăng lúc 11:05 - 05.06.2023

‘Tôi là Malala’ sẽ khiến bạn tin vào sức mạnh tiếng nói của một người trong việc truyền cảm hứng cho sự thay đổi thế giới.

Trong cuốn sách “Tôi là Malala”, Yousafzai kể một câu chuyện về lòng dũng cảm, sức mạnh và niềm tin ở một nơi thiếu ‘ánh sáng của tri thức và tương lai’. Dù thế nào, nếu bạn có niềm tin, tình yêu, mọi con đường sẽ mở ra rộng hơn, xán lạn hơn.

Khi đọc cuốn sách, bạn dễ dàng quên rằng Malala chỉ là một đứa trẻ khi cô phải đối diện với những vấn đề nghiêm trọng. Cô đã sử dụng nỗi đau và quá khứ bi thảm của mình để xây dựng ý chí đấu tranh.

Câu chuyện ấn tượng và xúc động, mở ra một thế giới khác, sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi, có thể truyền cảm hứng, tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn nữa.

Hành trình đấu tranh cho quyền được giáo dục của một cô gái đã thay đổi thế giới

Khác với rất nhiều trẻ em nữ không được đến trường ở Pakistan, Malala đến trường khi cô năm tuổi, bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được đi học. Mỗi ngày đến trường, được biết thêm những điều mới đối với Malala đều là những ngày tuyệt vời.

Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát vùng quê cô. Chúng tuyên truyền âm nhạc là tội lỗi. Phụ nữ không được phép ra chợ. Con gái không được đến trường. Lớn lên ở một vùng đất từng có thời yên bình của Pakistan nay bị chủ nghĩa khủng bố làm thay đổi khiến cho Malala nhận ra rằng, không có đấu tranh, không có trường học.

Malala 10 tuổi, bắt đầu thể hiện lòng can đảm của mình; lúc đầu bằng cách tiếp tục đến trường và sau đó lên tiếng chống lại Taliban. Năm 11 tuổi, cô bắt đầu viết nhật ký cho BBC để những người ngoài Pakistan có thể biết được tình hình của đất nước cô.

Cô tình nguyện làm điều này và viết dưới một cái tên giả, vì nếu không cô sẽ phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp. Ngoài ra, cô cũng bắt đầu thực hiện các cuộc phỏng vấn cho truyền hình quốc gia, lên tiếng ủng hộ giáo dục cho các bé gái.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2012, Malala Yousafzai bị một kẻ tấn công Taliban bắn vào đầu khi cô đang trên đường từ trường về nhà. Tại sao cô ấy bị bắn? Cô ấy là một cô gái muốn đi học trong khi Taliban không cho phép điều đó.

Không ai nghĩ rằng Malala có thể sống sót, nhưng thật thật kỳ diệu, Malala đã sống sót và kể từ đó, cô trở thành biểu tượng hy vọng cho tất cả những đứa trẻ vẫn đang phải vật lộn và đấu tranh để được đến trường. Và chính cuộc chiến của cô đã mang lại cho cô giải thưởng Nobel khi mới 17 tuổi là người đoạt giải Nobel trẻ nhất mọi thời đại. Đồng thời Malala cũng trở thành một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của Tạp chí TIME năm 2013.

Tôi là Malala: Thế giới của tôi đã thay đổi nhưng tôi thì không

Sau khi đến Vương quốc Anh cùng gia đình và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật do vụ tấn công gây ra, cô đã phục hồi và tiếp tục chiến đấu ở diện rộng hơn cho ước muốn của mình. Sự hồi phục kỳ diệu của Malala đã đưa cô vào một cuộc hành trình phi thường từ một thung lũng xa xôi ở miền bắc Pakistan đến hội trường của Liên Hợp Quốc ở New York. Ở tuổi mười sáu, cô đã trở thành một biểu tượng toàn cầu của cuộc biểu tình hòa bình.

Cuốn sách còn mang đến cho độc giả câu chuyện về một gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do nạn khủng bố toàn cầu gây ra, về cuộc chiến giành quyền được đến trường của con gái, về người cha là hiệu trưởng của trường học, luôn ủng hộ và khuyến khích con gái đi học và khai mở tri thức, và về những bậc cha mẹ dũng cảm đã dành tình yêu mạnh mẽ cho con gái trong một xã hội trọng nam khinh nữ.

Một trong những khoảnh khắc tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời Malala, là vụ ám sát Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Benazir Bhutto là nữ thủ tướng đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo và bà phục vụ từ năm 1988 đến 1990 và từ năm 1993 đến năm 1996. Bà đã phải sống lưu vong vào năm 1998 đến Dubai và Vương quốc Anh. Bà đã trở lại vào tháng 10 năm 2007 để chiến đấu với Fazlullah và Taliban. Hai tháng sau khi trở về, bà đã bị giết trong một vụ nổ. Thời điểm đó Malala nhận ra rằng không có ai an toàn ở Pakistan.

Hành trình của cha Malala từ khi học đại học đến người sáng lập thành công Trường Khushal được ghi lại rất chi tiết. Câu chuyện của cô vừa mang chủ nghĩa anh hùng nhưng lại cũng hiện thực một cách nghiệt ngã. Câu chuyện của Malala nhắc nhở độc giả rằng những thứ mà nhiều trẻ em coi là đương nhiên, như quyền cơ bản được đến trường, có thể bị cướp đi một cách tàn nhẫn bởi những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của một người.

Cô kể lại sự hoài nghi và tuyệt vọng đã nhấn chìm cô và các bạn cùng lớp vào mùa đông năm 2008, trường Khushal đóng cửa mà không có thông báo về thời điểm mở cửa trở lại. Cùng thời điểm đó, đài phát thanh của Taliban đưa ra thông báo rằng 'từ ngày 15 tháng 1, các nữ sinh không được đến trường. Cô mô tả nỗi thất vọng xen lẫn nỗi sợ khi nghĩ đến con đường đến trường, niềm vui khi được mặc đồng phục.

Cuốn sách kết thúc với một niềm hy vọng, với việc Malala tái khẳng định cam kết của mình trong việc nâng cao tiếng nói của mình 'thay mặt cho hàng triệu trẻ em gái trên khắp thế giới, những người đang bị từ chối quyền được đến trường và nhận ra tiềm năng của mình'.

Cuối cuốn sách, người đọc ấn tượng bởi một tuyên bố: ‘Tôi là Malala. Thế giới của tôi đã thay đổi nhưng tôi thì không'.

  • 2774
  • 1

Giám đốc VTSport: Từ 'King' Eric đến văn hóa Viettel

  • 2647

Những bí quyết đổi mới sáng tạo "kiểu Steve Jobs"

  • 2241
  • 1

Món quà người mẹ ở Viettel tặng con gái tuổi dậy thì

  • 2159
  • 7

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1801
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua