Hành trình người Viettel mang theo tình cảm của nhân dân cả nước

Hiển Giang (Viettel Thái Nguyên) đã đăng lúc 13:59 - 27.06.2024

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…” - lời ca được cất lên từ các chiến sĩ hải quân đang công tác tại đảo Đá Đông C cứ văng vẳng mãi trong tâm trí tôi...

Và lời ca ấy như nhắn nhủ và nhắc nhở bản thân phải luôn sống có trách nhiệm, khắc ghi và biết ơn hàng triệu con người ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hi sinh, hiến dâng xương máu của mình cho Tổ quốc. Những ngọn lửa cảm xúc ấy trong hải trình đến Trường Sa và Nhà giàn DKI/9 của Đoàn công tác số 24 đã thôi thúc các thành viên của Viettel chúng tôi lan tỏa niềm tự hào với những người dù chưa đến Trường Sa, nhưng sẽ cảm nhận được một Trường Sa thân thương, gần gũi và hết sức kiên cường.

Là điểm đảo thứ 5 trong hải trình chúng tôi đến với Trường Sa, Đá Đông C cùng với các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ. Đảo Đá Đông C chịu sự chi phối của 3 gió mùa: Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam. Về mùa đông, hoạt động mạnh, dài ngày là gió mùa Đông Bắc; mùa hè là gió Tây Nam mang theo hơi nước từ biển, gây hư hại vũ khí trang bị và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bộ đội.

Ở ngoài đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân rất mong mưa, có mưa thì sẽ có thêm nước ngọt, có thêm rau xanh và có cảm giác “rất gần đất liền”. Thật may mắn khi chúng tôi đến Đảo Đá Đông C thì cơn mưa xuất hiện, mưa làm dịu đi cái nắng bỏng rát của đảo, mưa làm cho khuôn mặt của các chiến sĩ rạng ngời, mưa đã giấu đi những giọt nước mắt xúc động và cảm phục của các thành viên đoàn công tác khi chứng kiến những khó khăn, gian khổ và khi nghe lời ca, tiếng hát của các chiến sĩ hải quân trên đảo.

Đoàn Viettel

Có lẽ, đây là một buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhất, ấn tượng nhất mà tôi cũng như các thành viên khác của Đoàn công tác đã may mắn được trải nghiệm. Dưới mưa, nhạc phẩm Khúc quân ca Trường Sa vang lên: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua” đã thay cho lời khẳng định với toàn thế giới: Trường Sa - Lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam; đồng thời cũng như nhắn nhủ với nhân dân cả nước: Hãy luôn tin tưởng quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9 - những người lính kiên trung canh giữ nơi đầu sóng, ngọn gió, ngày đêm làm nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhớ lại ngày đầu tiên của hải trình đến với Trường Sa… Đúng 8h00 phút ngày 23/5/2024, sau nghi lễ tiễn tàu, con tàu kiểm ngư mang số hiệu KN491 rời cảng Cam Ranh bắt đầu hải trình của Đoàn công tác số 24 với hơn 200 đại biểu đến từ nhiều đơn vị, nhiều địa phương thực hiện chuyến công tác thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9. Đoàn công tác do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân làm Trưởng đoàn. Các Phó Trưởng đoàn gồm: ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc; ông Vũ Hải Sơn, Cục trưởng Cục CNTT của Kho bạc Nhà nước và Đại tá Nguyễn Anh Sơn, Phó TGĐ TCT Mạng lưới Viettel.

Ấn tượng đặc biệt của tôi khi lên tàu KN491 đó chính là sự chu đáo, sự nhiệt tình hỗ trợ của các cán bộ, chiến sĩ hải quân, lực lượng kiểm ngư, cũng như những thủy thủ tàu. Khối lượng công việc lớn, cường độ công việc cao, song họ luôn dành cho chúng tôi những nụ cười thân thiện và hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình.

Ngay sau khi lên tàu, theo đội hình 6 tổ, gồm: (1) Song Tử Tây, (2) Cô Lin - Đá Đông C, (3) Sinh Tồn, (4) Đá Tây A, (5) Trường Sa, (6) An Bang - DKI/9, Đoàn công tác số 24 đã tổ chức nhiều hoạt động như thi cắm hoa, tìm hiểu kiến thức lịch sử biển đảo, thi cờ tướng, thi văn nghệ… Trong suốt hải trình, các tổ đã hoạt động rất tích cực, đoàn kết và quyết tâm cao. Tên mỗi tổ công tác gắn với các địa điểm mà Đoàn sẽ tới thăm.

Và rất thú vị là ngay buổi chiều ngày đầu tiên trên con tàu KN491, cả tổ 6 đã nhộn nhịp với Hội thi cắm hoa nghệ thuật. Nội dung bình tác phẩm Hoa nghệ thuật của tổ thực sự gây ấn tượng, qua đó làm nổi bật vị trí, tầm quan trọng của mỗi điểm đảo mà chúng tôi đang háo hức tới thăm.

Thi cam hoa

Tôi rất vinh dự khi được tham gia hải trình KN491 và được sắp xếp vào tổ An Bang - DKI/9, với 37 thành viên do Đại tá Bạch Tiến Tuân (Phó TGĐ VTT) làm tổ trưởng, Thượng tá Phan Thị Loan (Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách viễn thông của VTT) làm tổ phó. Tổ bao gồm các thành viên là CBNV của Viettel, Công ty Xuất nhập khẩu Mingo, Câu lạc bộ Bàn Chân Xanh và cán bộ Vùng 4 Hải quân. Trải qua những phút lạ lẫm ban đầu, thông qua các hoạt động tập thể trên tàu, trên đảo, nhất là các hoạt động giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo và tham gia các hội thi trên tàu, các thành viên trong tổ đã gắn kết với nhau như một gia đình thực sự trong đại gia đình KN491 thân yêu.

Sau 29h vượt sóng, 13h00 ngày 24/5/2024 tàu thả neo, đưa Đoàn công tác thăm đảo Song Tử Tây. Thành viên của Đoàn, ai cũng hân hoan, háo hức mong muốn nhanh chóng lên thăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhìn từ xa, Song Tử Tây như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương bao la. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển, tạo nên màu xanh của sự thanh bình. Là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh các đơn vị quân đội, trên Song Tử Tây có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Nhà văn hóa, chùa, tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, trường tiểu học, trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ; Âu tàu với sức chứa hàng chục tàu cá công suất lớn, đây là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ.

Đón chúng tôi, với nụ cười, ánh mắt rạng ngời và cái bắt tay thật chặt, cán bộ chiến sĩ trên đảo như muốn gửi gắm những tình cảm tha thiết nhất dành cho đất liền. Tôi chợt nhận ra, dường như chính đất liền đang được biển, đảo động viên, khích lệ. Trong những câu chuyện khi tiếp xúc và giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, tôi thấy rõ họ luôn có sự kiên định, vững vàng, thể hiện quyết tâm cao đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Với nước da nâu của nắng và gió biển, những chàng trai mười chín, đôi mươi đã bày tỏ mong muốn và niềm vinh dự, tự hào khi được cống hiến nơi vùng biển đảo của Tổ quốc.

Rời Song Tử Tây, một hòn đảo đẹp ở quần đảo Trường Sa, tàu KN491 tiếp tục hải trình. Ngày 25/5/2024 đã đưa Đoàn chúng tôi tới đảo Sinh Tồn và đảo đá Cô Lin. Giống như Song Tử Tây, Sinh Tồn cũng là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo cũng có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh. Đặc biệt trên đảo có trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và quốc tế. Trong khi đó, Cô Lin là đảo đá, có dạng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý. Với vị trí tiền tiêu, đảo Cô Lin cùng phối hợp với các đảo khác của quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo; bảo vệ phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Dai_ta_Nguyen_Anh_Son_tang_qua

Điểm đến thứ tư của Đoàn công tác là đảo An Bang, nằm ở phía Đông Nam của quần đảo Trường Sa. Đảo An Bang có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo, tạo thành lá chắn vòng ngoài ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên hướng biển. Đảo nằm trên đỉnh thềm san hô hình cây nấm, được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây Nam là một dải cát hẹp, bờ Nam bãi cát thường thay đổi theo mùa, nên cồn cát trắng cũng dịch chuyển xung quanh đảo.

Vì thế mà ở An Bang không thể xây dựng cầu cảng vào đảo. Việc ra vào đảo gặp muôn vàn khó khăn ngay cả khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, với tinh thần và ý chí thép, trong những năm qua cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã vượt qua gian nan, thử thách, cho dù đời sống vật chất thiếu thốn, nhưng tư tưởng cán bộ chiến sĩ An Bang luôn xác định sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày tiếp theo, trong thời tiết nắng như đổ lửa, di chuyển liên tục, mặc dù các thành viên trong Đoàn đều đã thấm mệt. Một số đại biểu say sóng, bỏ cơm song mỗi lần tàu thả neo lại háo hức lên đảo. Với tình yêu ngày một dày thêm của đất liền dành cho biển đảo quê hương, cái tên Đá Đông C, Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DKI/9 tiếp tục là những địa điểm mà Đoàn công tác hướng về.

Trong đó đảo Đá Đông C (14h00 ngày 26/5/2024) dường như đã trở thành cây cầu nối những bờ cảm xúc mãnh liệt và lan tỏa niềm tự hào, khâm phục quân và dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9 của các thành viên Đoàn công tác số 24.

Mang theo dư âm kiêu hùng qua 5 điểm đảo, tới ngày thứ 5 của hải trình KN491, Đoàn công tác đã tới đảo Đá Tây A - điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển. Từ xa, Đá Tây A giống như một chiếc bè lớn giữa biển khơi bao la. Nhưng khi đến gần, nơi đây là sự sôi động, sung túc với màu xanh của vườn cây, cho tới ánh mắt, nụ cười của trẻ thơ. Được biết mỗi năm ở âu tàu Đảo Đá Tây A có cả hàng ngàn lượt tàu, thuyền của ngư dân ghé vào, chỉ riêng năm 2023, đã có 1.005 chiếc tàu neo đậu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Đá Tây A, đại diện cho Đoàn công tác số 24, Phó TGĐ VTT Bạch Tiến Tuân xúc động: “Qua hải trình này, chúng tôi cũng thấu hiểu hơn những khó khăn vất vả và thêm khâm phục ý chí, bản lĩnh kiên cường của những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió. Càng thêm trân trọng những hi sinh, cống hiến của lớp lớp các thế hệ cán bộ hải quân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên hải đảo nói riêng, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương, yêu dấu. Từ đó càng củng cố thêm cho chúng tôi niềm tin vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cũng xin hứa với các đồng chí, sẽ cùng với đồng bào cả nước, hăng say lao động giỏi, lao động sáng tạo để xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện chủ trương bờ mạnh - biển vững…”.

Dc_Bach_Tien_Tuan_ghi_luuniem

Rời đảo Đá Tây A, đúng 13h00, ngày 27/5/2024, Đoàn tới đảo Trường Sa - Hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của đảo Trường Sa” giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Nằm trên nền san hô ngập nước, đảo Trường Sa có nước lợ ở độ sâu khoảng 2m thuận tiện cho sinh hoạt của bộ đội và người dân. Trên đảo có các công trình như: Sân bay, nhà đèn, nhà dân, bệnh xá - Trung tâm y tế, trường học, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sỹ… Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió, bão. Với vị trí thuận lợi, Trường Sa hoàn toàn có thể trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển.

Giữa bốn bề biển cả, trước cột mốc chủ quyền của đất nước, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, các thành viên của Đoàn công tác số 24 nghiêm trang trong lễ chào cờ, cất vang âm thanh hào hùng của bài hát Quốc ca Việt Nam. Tôi cảm nhận rõ hơn lòng yêu nước chảy trong huyết quản, khắc sâu và trân trọng những giá trị của hòa bình, độc lập mà biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày thứ 6 trong hải trình KN491, sáng ngày 28/5/204, Đoàn công tác đến thăm điểm cuối cùng là Nhà giàn DKI/9, còn gọi là Nhà giàn Ba Kè. Ngoài thu thập tin tức, thông tin khoa học về hải dương, kinh tế biển, Nhà giàn DKI/9 là một trong những cột mốc khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa, tiềm năng dầu khí của Việt Nam. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Nhà giàn đã và đang tiếp nối truyền thống “còn người, còn nhà giàn” sừng sững hiên ngang giữa biển khơi, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Được đặt chân lên Nhà giàn là niềm mong mỏi rất lớn của tất cả các thành viên Đoàn công tác, song do điều kiện sóng to và gió giật mạnh, việc tiếp cận Nhà giàn gặp nhiều khó khăn, vì thế số lượng đại biểu được lên Nhà giàn là rất hạn chế. Nhìn từ xa, chúng tôi thấy để được tiếp cận với Nhà giàn, chiếc xuồng đưa Trưởng đoàn công tác và chở quà tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn đã phải chạy rất nhiều vòng, cạnh nhiều con sóng lớn. Sau khoảng gần 1 giờ, bốn chiếc xuồng may mắn đã tiếp cận Nhà giàn thành công. Nhưng rồi sóng gió mỗi ngày một lớn hơn, Trưởng đoàn công tác đã phải rất khó khăn khi quyết định dừng lại hoạt động đưa đại biểu lên Nhà giàn.

Giữa hải trình này, có 1 lễ tưởng niệm thật đặc biệt và vô cùng xúc động, ngay trên bãi đỗ sân bay trực thăng của con tàu KN491, giữa biển trời mênh mông của vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao. Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 và tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Nghẹn ngào, những giọt nước mắt lăn dài, những bông hoa cúc, những cánh hạc giấy được thả xuống biển mang theo lời cầu nguyện cho các anh an lòng yên nghỉ, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau ý chí, nghị lực và quyết tâm bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Le_tuong_niem_lanh_dao_doan

Chia sẻ cùng nhau sau chuyến công tác, các CBNV tại Viettel Thái Nguyên và các các cơ quan, đơn vị có chung cảm nhận: Chuyến đi lần này mang lại ý nghĩa thật đặc biệt đối với người Viettel, nhất là trước thềm Tập đoàn tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tập đoàn (1/6/1989 - 1/6/2024) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Từ trong đáy lòng mình, chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực, quyết tâm đóng góp sức lực, tâm huyết và trí tuệ, hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ được giao; luôn đoàn kết, sáng tạo cùng tập thể các đơn vị xây dựng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngày càng phát triển, trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu, tiên phong, chủ lực trong công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Sau 7 ngày đêm vượt sóng gió với gần 1.000 hải lý, tàu kiểm ngư KN491 đã đưa đón thành công hơn 200 đại biểu của Đoàn công tác số 24 tới thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9. Chuyến công tác kết thúc tốt đẹp, giúp chúng tôi và đồng bào cả nước hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương, thấy được những khó khăn, gian khổ, sự cống hiến hi sinh của các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến thăm để lại cho mỗi chúng tôi sự trân quý, cảm phục và tự hào trước sự phấn đấu, hi sinh, khắc phục khó khăn gian khổ, giữ vững niềm tin, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/9. Chúng ta tự hào về những chàng trai mười chín, đôi mươi đã mang trong mình một tình yêu mãnh liệt với biển đảo - những con người đã không ngại hiểm nguy, sóng to, bão lớn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Chuyến đi cũng góp phần khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ vững tâm, tiếp tục thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

LeTuongniem-1

  • 956
  • 9

Phó TGĐ VTT: Trường Sa không xa!

  • 1463
  • 6

Tổng Giám đốc VDTC: Lính Trường Sa có làm bạn rơi nước mắt?

  • 3375
  • 5

Chạm vào Trường Sa là cảm giác như thế nào?

  • 1464
  • 23

PGĐ Viettel IDC: 'Chuyến đi Trường Sa có nhiều cung bậc cảm xúc'

  • 639

Cảm xúc đong đầy của PTGĐ VDS mang về từ Trường Sa

  • 2336
  • 7

Dự đoán giải thưởng bất ngờ tại lễ tôn vinh Innovative-me 2024

  • 115
  • 9

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 306

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 276

Viettel giải bài toán hạn chế kết nối Internet khi xuất ngoại

  • 204
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua