'Tôi nhìn nhân viên Metfone mà mơ ước'

Huy Hoàng (Metfone) - Mai Lan (Viettel Global) đã đăng lúc 11:15 - 16.02.2024

“Nếu chỉ nghe giọng thì ai cũng đoán tôi là người Việt Nam đấy", nhiều người Việt lần đầu gặp anh Or Vutha, Giám đốc Chi nhánh Metfone Banteay Meanchey đều tưởng nhầm anh là đồng hương.

“Tôi nhìn nhân viên Metfone mà mơ ước”

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cuộc sống từ nhỏ đến lớn của anh Vutha gắn liền với những lần chuyển nhà. Nhưng cũng vì thế, anh có hơn 6 năm sống tại khu vực "cầu Sài Gòn" (tên gọi gần gũi của quận Chbar Ampov, nơi có rất đông người Việt sinh sống tại Phnom Penh). Chính khoảng thời gian sống cùng bà và bác tại đây đã giúp anh Vutha hình thành tình cảm đặc biệt với người Việt và có chút ít vốn tiếng Việt - một trong những lý do giúp anh bén duyên với Metfone sau này.

Sau khi học hết cấp 3, anh thi đỗ đại học Cambodian University for Specialties tại thành phố Siem Reap. Nhưng vì kinh tế gia đình, anh chỉ học được 1 học kì trọn vẹn, sau đó đi học 1 buổi đi làm 1 buổi và rồi anh tạm dừng hẳn việc học lại để đi làm. Anh Vutha nhớ lại quãng thời gian đó: “Mình muốn có tấm bằng đại học lắm chứ. Nếu vừa học vừa làm thì chỉ một mình tôi đủ ăn, mẹ và các em ở nhà sẽ bị đói. Nên tôi chỉ có thể tạm dừng lại việc học để lo cho gia đình trước khi nghĩ đến bản thân”.

Cuối năm 2008, anh Vutha đang làm việc cho một công ty bảo vệ có hợp tác với Viettel Cambodia. Vì có thể “bập bẹ” tiếng Việt nên anh được cử đi làm bảo vệ cho chi nhánh Siem Reap của Viettel Cambodia và sau này là chi nhánh Metfone Siem Reap. Trong khoảng thời gian này, những hình ảnh tốt đẹp về Metfone đã in đậm trong tâm trí của chàng trai 20 tuổi: “Khi cả dãy phố đã đóng cửa tối đèn, chi nhánh Metfone vẫn sáng điện. Nhân sự cả người Việt và người Campuchia của chi nhánh Siem Reap khi đó đều làm việc rất chăm chỉ. Đổi lại, mọi người đều có thu nhập rất tốt so với mặt bằng chung. Tôi nhìn nhân viên Metfone mà mơ ước được như họ”.

“Ngoài Metfone thì không đâu được như vậy”

Cuối năm 2009, chi nhánh Oddar Meancheay tuyển nhân sự biết tiếng Việt để phát triển kinh doanh. Anh Vutha được chi nhánh Siem Reap giới thiệu.

“Nghe mà cứ ngỡ là mơ vậy”, anh Vutha nhớ lại.

Không để tuột cơ hội, anh làm CV ứng tuyển. Sau gần 2 tháng chờ đợi, anh Vutha được nhận vào vị trí nhân viên bán hàng. Tạm gác dài hạn chương trình đại học dở dang, với hai bàn tay trắng, chàng trai 21 tuổi lên đường đi đến tỉnh Oddar Meanchey, nơi cách Siem Reap 150km và cách gia đình gần 200km.

Xa thành phố du lịch sầm uất Siem Reap, tỉnh cực tây bắc Oddar Meanchey mang đến cho anh sự khó khăn nhiều hơn anh nghĩ. Nếu như ở Siem Reap, anh em làm 12-13 tiếng mỗi ngày thì ở Oddar Meanchey, mọi người làm 15-16 tiếng mà việc vẫn còn nhiều. 6 giờ sáng hàng ngày, anh mang sim đi bán, vượt qua những con đường đất đỏ mùa khô thì bụi, mùa mưa thì nhầy nhụa để mang sóng điện thoại đến với bà con nơi cực tây bắc Campuchia. Có mặt ở chi nhánh lúc 8 giờ tối, anh đổi vai từ nhân viên bán hàng thành nhân viên sổ sách và làm việc đến nửa đêm mới đi ngủ.

Trong những quãng thời gian vất vả này, anh mới thấm thía được tình cảm, tinh thần đoàn kết trong giữa anh em người Việt và người Campuchia tại Metfone. Oddar Meanchey là tỉnh khó khăn, thưa dân nên việc tìm được nơi thuê trọ giá tốt là rất khó. Những anh em người Việt đã tạo điều kiện cho anh Vutha sống và sinh hoạt cùng. Chính trong quãng thời gian này, anh học tiếng Việt từ anh em người Việt và ngược lại, anh em người Việt học tiếng Khmer từ anh. Anh cũng được học các kĩ năng làm việc, hiểu thêm văn hóa Việt Nam và tinh thần làm việc quên mình của người Viettel.

Sau 2 năm, khi công việc chung ổn định, anh nhận được câu hỏi từ giám đốc chi nhánh: “Có muốn đi học tiếp đại học không?”.

“Khi đó tôi muốn bật ngay ra câu: “Có chứ anh”. Nhưng tôi kìm nén lại và đáp: “Học thì phải nghỉ làm hả anh?”. Tôi nhận được nụ cười và câu trả lời “Cứ quay lại học đi rồi chi nhánh sẽ có cách sắp xếp công việc cho em”. Lúc đó tôi mới yên tâm.”, anh Vutha hóm hỉnh chia sẻ lại.

Anh Vutha quay lại trường đại học Cambodian University for Specialties và sắp xếp được lịch học chủ yếu vào các ngày cuối tuần, khi công việc trong tuần đã hoàn thiện. Sau hơn 2 năm, anh Vutha có được tấm bằng đại học mà anh hằng mơ ước.

“Giờ tôi nhìn lại vẫn cứ nghĩ hành trình đó là một giấc mơ. Nhưng năm 2012-2013, ngoài Metfone ra thì tôi không biết doanh nghiệp nào tại Campuchia tôi cơ hội vừa đi học vừa đi làm toàn thời gian như thế này”, anh nói.

“Từ ngày mai em không cần gửi báo cáo ngày nữa đâu”

Thời gian ở chi nhánh Oddar Meanchey anh đã đi qua nhiều vị trí từ thấp đến cao và trở thành 1 trong những phó giám đốc chi nhánh người Campuchia đầu tiên tại Metfone. Hoàn thành xong khóa đào tạo tại học viện Viettel, năm 2018, anh được bổ nhiệm lên giám đốc chi nhánh.

“Lúc đó tôi run lắm. Chưa có giám đốc chi nhánh nào người Campuchia cả. Tôi chia sẻ với anh Nguyễn Thành Tâm, Phó TGĐ Metfone khi đó và tìm sự hỗ trợ từ anh. Giải pháp anh đưa ra cho tôi là gửi báo cáo chi tiết mọi công việc tôi làm hàng ngày cho anh”, anh Vutha nhớ lại.

Cứ sau mỗi ngày làm việc, chiếc một chiếc mail báo cáo lại được anh Vutha gửi đến anh Tâm và một chiếc email đánh giá, giải đáp và hướng dẫn chi tiết được gửi lại ngay trong tối cùng ngày. Những chiếc mail phản hồi từ anh Tâm ngày càng ngắn đi. Và sau 4 tháng, chiếc mail hồi đáp từ anh Tâm chỉ còn đúng một dòng: “Từ ngày mai em không cần gửi báo cáo ngày nữa đâu”

“Đọc xong tôi như vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi biết tôi đã đủ trưởng thành để tự điều hành công việc trong chi nhánh. Tôi gọi ngay cho anh Tâm để cảm ơn”, niềm vui được anh Vutha chia sẻ lại.

Anh làm người đứng đầu chi nhánh Oddar Meanchey được 10 tháng trước khi chuyển đến chi nhánh lớn hơn là Banteay Meanchey, kết thúc hành trình 10 năm gắn bó với mảnh đất cực tây bắc Campuchia. 10 tháng anh lãnh đạo chi nhánh, Oddar Meanchey luôn nằm trong nhóm chi nhánh tăng trưởng nhanh nhất của Metfone. Hơn 4 năm qua, anh Vutha vẫn đang dẫn dắt chi nhánh Banteay Meanchey và là 1 trong 4 giám đốc tỉnh người sở tại của Metfone.

“Metfone là nhà”

Trong quá trình làm việc tại Metfone, anh Vutha đã tìm được nửa kia của mình là đồng nghiệp tại Metfone. Cuộc sống của anh gần như 100% là dành cho Metfone. Những lúc rảnh rỗi, anh lại theo sát, hỗ trợ nhân viên tuyến cuối để tìm một “phiên bản khác” của chính mình đang cần sự giúp đỡ.

“Nhiều khi tôi nghĩ lại tôi không biết mình sẽ như thế nào nếu không có Metfone. Ở Metfone, tôi được làm việc, cống hiến cho người dân Campuchia, được tạo mọi điều kiện phát triển và tìm được cả nửa kia của mình",

"15 năm qua, Metfone đã mang đến cho tôi một hành trình kì diệu, Metfone giúp tôi có được ngày hôm nay. Metfone là nhà”, anh Vutha khẳng định.

  • 765
  • 2
  • 1

Metfone và hành trình 'Buidling Homes, Building Hope'

  • 1805

Metfone mang Tết đến với bà con người Việt tại Campuchia

  • 2060

Metfone và sứ mệnh chuyển đổi số giáo dục tại Campuchia

  • 1830

Dự đoán giải thưởng bất ngờ tại lễ tôn vinh Innovative-me 2024

  • 159
  • 9

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 323

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 309

Viettel giải bài toán hạn chế kết nối Internet khi xuất ngoại

  • 224
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua