'Ngược dòng cuộc đời' - suy ngẫm của đồng nghiệp Viettel từ 1 bộ phim

Lan Hương (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 17:23 - 21.01.2025

"Upstream" là bộ phim kể về một câu chuyện có tính thời sự mà có lẽ nhiều người thế hệ 7x, 8x đang làm việc tại các công ty công nghệ như Viettel sẽ có sự đồng cảm nhất định.

Nhân vât chính trong phim là Cao Chí Lũy - một kỹ sư CNTT sinh năm 1978 đột ngột mất việc làm khi anh là trụ cột chính nuôi sống gia đình. Áp lực trả nợ tiền vay ngân hàng cho ngôi nhà mới mua, tiền học của đứa con vừa trúng tuyển vào trường quốc tế, tiền chữa bệnh cho ông bố đột quỵ sai thời điểm... khiến gia đình ba thế hệ rớt đánh vèo một cái vào tình cảnh "xuống đáy rồi".

Do lớn tuổi, lại sống trong một xã hội cạnh tranh gay gắt và đào thải khốc liệt, Chí Lũy bế tắc cùng cực vì không xin được việc làm đúng chuyên môn, anh chấp nhận làm shipper giao đồ ăn. Và phần còn lại của bộ phim là hành trình từ một shiper hạng bét vươn lên giữ chức vô địch trên bảng xếp hạng của trạm.

Trong phim Chí Lũy là trục chính, hai bên anh là gia đình và đồng nghiệp. Mạch phim hoàn toàn tuyến tính, về cơ bản các tình tiết "tạt" sang phía gia đình, rồi lại "té" sang phía đồng nghiệp, cứ thế nối tiếp nhau với tốc độ cao, nhiều lúc cực cao, gay cấn y như những cảnh quay shipper xé đường mà đi, chả kém gì những cảnh rượt đuổi trong phim hành động. Tuyến tính đến mức không khó để dự báo cốt chuyện của bộ phim vì nó quá tuần tự và dễ dàng hình dung ra những tình huống tiếp theo.

Vốn thuộc tầng lớp tri thức, nên khi lao động chân tay, thể nào anh cũng “bổ não” nhét vào, cụ thể là cho ra đời app hướng dẫn các tuyến đường tắt - giải quyết vấn đề nan giải bậc nhất của shipper. Đơn giản thôi vì Chí Lũy lăn xả vào thực tế, viết app từ mồ hôi và cả máu nữa, chứ không như những kỹ sư khác ngồi phòng máy lạnh. Chí Lũy có năng lực, có quyết tâm, việc làm shipper rồi cũng chỉ là tạm thời.

Một cái kết hân hoan, dịu ngọt làm sáng bừng cả bộ phim khi anh được… thăng chức chuyển sang làm kỹ thuật.

Đẹp đẽ, trong sáng, tôn vinh những giá trị gia đình và sức sống bền bỉ của con người, "Upstream" cũng giống như các bộ phim Trung Quốc khác ưa thích các tín hiệu ẩn dụ. Như câu thoại: "Anh Cao à, danh sách cắt giảm đến từ hệ thống tối ưu hóa nhân sự của đội anh thiết kế đấy. Nhớ không? Anh còn nói là phải tôn trọng thuật toán mà". Hay hình ảnh Chí Lũy bị kẹt cứng giữa khung cửa sắt. Hay lúc Đại Hắc gõ gõ vào đầu Chí Lũy như một sự “khai sáng” cho anh chàng “tài xế tào lao”.

Mặc dù diễn viên có hành trình hóa thân tương đối kĩ càng nhưng đáng tiếc phim mới chỉ khai thác các tình huống có phần cực đoan để làm toát lên sự vất vả nhục nhằn của nghề giao hàng nhưng hầu hết chỉ là dưới góc độ vật lý (áp lực thời gian, quãng đường...), một vài diễn biến tâm lý (tính sĩ diện...). Đạo diễn có phần lạm dụng các tình huống đâm đụng, biến shipper trở thành anh hùng xa lộ, chiến thần tốc độ khiến cho người xem cảm giác căng thẳng và thiếu thiện cảm với công việc dễ gây nguy hiểm trên đường phố.

Kịch tính trong phim có tính “kịch” hơn là tính “đời”. Từ cú tông xe kinh hoàng mà Chí Lũy vẫn có thể mò mẫm đứng dậy tiếp tục giao hàng, cho đến những phút cuối đồng hồ đếm ngược tích, tắc, tích, tắc, nhưng khán giả ai cũng biết Chí Lũy rồi sẽ chạm đích ở giây thứ 59 như “nghệ thuật sắp đặt”, nên họ mỉm cười thư thả chờ đợi chứ không hẳn là cảm xúc hồi hộp.

Sự hấp dẫn đặc biệt của bộ phim "Upstream" xuất phát từ việc khai thác một vấn đề xã hội: đó là tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi trung niên. Câu chuyện của anh kĩ sư Cao Chí Lũy phần nào phản ánh sự khắc nghiệt của thị trường lao động; phản ánh quy luật vận hành của nền kinh tế: "Kẻ sống sót không phải là kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là kẻ thích nghi tốt nhất” (Charles Darwin).

Xã hội 4.0, khi mọi thứ thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp ưu tiên yếu tố “sức trẻ” hơn là khái niệm “sức khỏe” về mặt thể chất thông thường; những ông chủ tìm kiếm sự năng động, nhanh nhạy, am tường công nghệ trong thế hệ mới nổi, thì nhóm lao động trung niên không thể sống mãi với chủ nghĩa kinh nghiệm mà buộc phải đổi mới không ngừng và học tập suốt đời - chắc hẳn nhiều người trong chúng ta thoáng chút giật mình.

Thật thú vị khi thực tế cuộc sống từ một nhân vật có tính chất điển hình như Cao Chí Lũy lại cho thấy sự ánh xạ với các giá trị cốt lõi của Viettel. Đó là tính thực tiễn: con người trong doanh nghiệp được đo lường bằng giá trị mang lại cho tổ chức ấy. Đó là cách chúng ta đối mặt với thất bại, với những biến cố vốn là một phần tất yếu trong đời, là năng lực thích ứng nhanh, là tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ và cả việc trân trọng xây dựng một môi trường làm việc nhân văn, tình nghĩa phù hợp với văn hóa Á Đông.

Từ góc nhìn hiện sinh, việc Chí Lũy hay bất cứ ai trong chúng ta bị đào thải ở nơi này thì hãy tin tưởng rằng có một cơ hội ở nơi khác mở ra để lao động trung niên tái khẳng định bản thân, tìm kiếm con đường mới.

  • 714
  • 3

PTGĐ Đào Xuân Vũ: 'Tập đoàn phát triển, chắc chắn Xi măng Cẩm Phả đi lên'

  • 1740

Cuốn sách gợi ý hành trang cho đội ngũ CEO Viettel thực chiến

  • 1223

'CEO xuất chúng' dưới góc nhìn của 1 CEO tại Viettel

  • 1930

'Tỷ phú bán giày' dưới góc nhìn Viettel

  • 2733

Viettel Vibes: Có phải số phận của bạn đã được định sẵn?

  • 930

Chủ tịch Tập đoàn biểu dương Thể Công - Viettel sau chuỗi thắng liên tiếp

  • 2131

Câu chuyện thay đổi định kiến về phụ nữ của nữ tướng VTPost Bến Tre

  • 2606
  • 7

Tết Ất Tỵ, Viettel trao tặng 15 tỷ điểm Viettel++ cho khách hàng

  • 633
  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua