My Lê (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:31 - 17.09.2024
Nửa đêm ngày đầu tiên bão Yagi tiến vào đất liền, giữa mưa nặng hạt, gió mạnh liên tiếp tạt vào mặt, anh Hoàng Đức Hiếu và các đồng đội vẫn căng mình, tìm phương án khôi phục lại sóng di động ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Sức tàn phá của thiên tai đã quật ngã hệ thống điện lưới, viễn thông trên địa bàn. Không thể để tình trạng mất điện, trắng sóng kéo dài lâu, cả đội của anh Hiếu lao đi ngay trong đêm.
Trên đường đi, cây cối, cột điện đổ rạp hai bên, nhiều đoạn ngập nước, phải mất nhiều thời gian, nhóm mới tiếp cận được trạm phát sóng. Cả đội nhanh chóng nhận định tình hình, tìm điểm cần sửa chữa, mọi nguồn có thể chiếu sáng được tận dụng. Chỉ đến khi công việc hoàn thành vào rạng sáng, hệ thống liên lạc được khôi phục lại, anh em mới ngơi tay.
Anh Đức Hiếu là một trong số 8.000 người thuộc 500 đội kỹ thuật của Viettel từ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước đang có mặt ở miền Bắc, tham gia khắc phục sau bão tại 15 tỉnh bị ảnh hưởng. Công cuộc dựng lại sóng viễn thông, mạng di động diễn ra xuyên suốt, không quản ngày đêm, thời tiết. Tất cả nhằm nhiệm vụ giúp liên lạc, kết nối của người dân trở về thông suốt như bình thường.
Ứng cứu bằng sức người
Thuộc quân số của Viettel Quảng Bình, ngay khi nhận tin điều động đi chống bão, anh Hiếu cùng các anh em khác gấp rút lên đường. Sau 12 tiếng gấp rút di chuyển, cả đội có mặt ở Quảng Ninh, bắt tay ngay vào hỗ trợ anh em địa phương, vận chuyển một loạt thiết bị dây cáp, ắc quy, máy hàn, máy nổ đến 3 - 4h sáng. Ngày hôm sau, khi mưa bão vừa ngớt, tất cả lại đổ ra đường, chia về các huyện, địa điểm bị mất sóng để ứng cứu thông tin.
Cách đó hơn 50 km, tại Kiến An (Hải Phòng), một nhóm lính kỹ thuật khác của Viettel cũng đang làm việc không ngừng nghỉ trong cơn mưa tầm tã, từ lắp đặt thiết bị, đấu nối ắc quy đến kiểm tra trạm phát sóng, sửa chữa các tuyến cáp bị đứt do gió bão. Đồng hồ điểm gần 4h30 sáng, cả đội mới tạm dừng tay ăn uống, thay phiên nhau chợp mắt chốc lát trước khi lại tiếp tục đi ứng cứu. Đây đã là đêm thứ ba, nhóm lính kỹ thuật này gần như không ngủ để tập trung khôi phục mạng lưới.
Lực lượng ứng cứu thông tin sau bão ngoài thực địa thường phải đối mặt với một loạt khó khăn: mất điện diện rộng, nhiều tuyến đường ngập lụt làm cản trở tiếp cận trạm phát sóng; nhiều cột điện bị đổ gãy và các tuyến cáp quang bị đứt vụn do cây cối đổ vào, xe cộ chèn qua...
Ngoài túc trực chỉ huy ở căn cứ Quảng Ninh, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ cũng trực tiếp ra hiện trường, dầm mưa, đào đất cùng các kỹ thuật viên truyền dẫn ở phường Hoành Bồ (TP. Hạ Long). Bởi đây là tuyến truyền dẫn liên tỉnh quan trọng dài gần 100km. 7 người đào đất, kéo và hàn cáp suốt 8 tiếng đồng hồ để hoàn thành nhiệm vụ khắc phục sự cố.
Ứng cứu bằng công nghệ
Để khoanh vùng ra đoạn cáp bị hư hỏng, nhóm kỹ thuật thực chiến rút ngắn được đáng kể thời gian nhờ công nghệ đằng sau. “Dữ liệu từ phần mềm Phòng chống thiên tai của Viettel trả về thông tin vị trí các trạm, hiển thị mất link truyền dẫn nào, từ đó giúp đội tiền phương tiến hành đo kiểm, xác định khoảng bị đứt”, anh Phạm Văn Quỳnh, thuộc lực lượng công trình của Viettel Quảng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc hàn cáp, kể lại.
Đồng hành cùng những người lính Viettel ngoài thực địa, tại phòng Điều hành mạng lưới thuộc Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu của VTNet - nơi đặt hệ thống chính của phần mềm Phòng chống thiên tai, đội ngũ kỹ sư gầm trăm người cũng đang làm việc 24/24 để giám sát, điều phối và hỗ trợ công tác khắc phục sự cố.
Tính năng của phần mềm giúp tình trạng mạng lưới được cập nhật tự động theo thời gian thực. Thay vì tổng hợp thủ công qua nhiều lớp, dữ liệu toàn bộ các vị trí trạm phát sóng, nhân sự, phương tiện, vật tư…được cập nhật tự động hoàn toàn từ tuyến đầu đến người chỉ huy cao nhất.
Những thông tin về thời tiết, tình trạng giao thông, và nguy cơ sạt lở từ trung tâm điều hành được trực quan hóa và gửi về thường xuyên. Nhờ vậy, các nhóm trực chiến tăng khả năng phán đoán, đưa ra phương án điều hướng kịp thời, sát với thực tế và giảm thiểu rủi ro trong quá trình xử lý ngoài hiện trường.
Tại tâm điểm Quảng Ninh, Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số của VTNet, cũng trực tiếp có mặt để giám sát hiệu quả của phần mềm. Từ thực tế, anh tiếp tục liệt kê, đưa ra ý tưởng cải tiến cho 21 tính năng phục vụ việc chống bão. Ngay trong 24 giờ đầu hoạt động, phần mềm đã giúp Viettel đảm bảo vận hành máy phát điện cho 1.400 vị trí trạm phát sóng đi động, hỗ trợ khắc phục gián đoạn thông tin cho 650 vị trí.
Khắc phục sự cố sau bão, việc điều phối nhân lực và tài nguyên giữa các tỉnh được Viettel phân bổ một cách hợp lý. Qua kiểm tra, Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến yêu cầu ưu tiên ứng cứu các trạm phát sóng quan trọng trước, như các trạm phủ chính quyền, khu vực thành phố và các trục giao thông lớn. Những tỉnh đã ổn định nhanh chóng hỗ trợ nhân lực cho các tỉnh còn bị gián đoạn nhiều như Quảng Ninh, Hải Phòng, đồng thời lực lượng thay phiên nhau nghỉ ngơi. Phương án sử dụng vệ tinh tầm thấp LEO để dự phòng khi có thiên tai cũng được cân nhắc.
Nhiều đêm liên tiếp không ngủ của người Viettel ít nhiều đã được đền đáp. Tính đến sáng ngày 10/9, hàng loạt các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… đã cơ bản khắc phục xong các sự cố ảnh hưởng đến kết nối thông tin liên lạc, được bà con nhân dân, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Viettel. Đến nay, mạng lưới Viettel đã ổn định.
Dù là ngoài hiện trường hay trong trung tâm điều hành, tất cả đều nhằm một mục tiêu chung, như Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ khẳng định: “Với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, Viettel phấn đấu, quyết tâm tập trung toàn bộ nguồn lực trong thời gian sớm nhất, khắc phục toàn bộ hạ tầng mạng lưới, khôi phục dịch vụ nhanh nhất”.