Cùng đồng nghiệp Viettel ngẫm về 'chánh niệm'

Nguyễn Thị Lan Hương (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 15:14 - 25.06.2024

Chánh niệm là một phương pháp thực hành thiền nhấn mạnh đến việc tập trung vào trạng thái thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn ngay trong HIỆN TẠI.

Tại sao cần chánh niệm trong doanh nghiệp?

Bạn nghĩ sao khi có đến 76% nhân sự ngày nay đang làm việc với mức độ căng thẳng từ trung bình đến cao. Mức độ căng thẳng trong công việc ngày càng tăng có liên quan đến việc tăng tỷ lệ đau tim, tăng huyết áp và các rối loạn khác. Đó là lý do mà phong trào đưa “chánh niệm” trở thành một thành tố trong văn hóa doanh nghiệp trở thành một xu hướng có tính chất toàn cầu không chỉ để đối phó mà còn để phát triển và nâng cao năng suất lao động, quản lý tốt hơn những phiền nhiễu, đối phó với sự phức tạp ở nơi làm việc, giúp các cá nhân tập trung vào thời điểm hiện tại, giúp giảm lo lắng và nâng cao sức khỏe tinh thần.

Bằng cách khuyến khích tư duy rõ ràng và cân bằng cảm xúc, chánh niệm nâng cao các kỹ năng thiết yếu như ra quyết định và giải quyết vấn đề. Thay vì khuyến khích làm nhiều việc cùng một lúc, chánh niệm ủng hộ sự chú ý tập trung, dẫn đến ít sai lầm hơn và kết quả công việc tốt hơn, tăng cường khả năng sáng tạo và cải thiện kỹ năng ra quyết định.

Vậy chánh niệm là gì?

Về mặt lý thuyết thì chánh niệm là một phương pháp thực hành thiền nhấn mạnh đến việc tập trung vào trạng thái thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn ngay trong HIỆN TẠI. Chánh niệm chủ yếu được khai phóng qua việc thực hành thiền đơn giản, nhằm hướng tới nhận thức rõ ràng hơn về cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, đồng thời phát triển kĩ năng quản lí những điều này ở mức độ cao hơn và thấu hiểu hơn (Báo cáo “Vương quốc Anh với Chánh niệm” của APPG).

Khi ta nhìn kĩ vào gốc rễ của từ “thiền” trong tiếng Anh “meditation” nó có nguồn gốc từ tiếng La-tinh “meditatio”, xuất phát từ động từ “meditari” nghĩa là suy ngẫm, ngồi lặng im thưởng ngoạn. Thiền trong tiếng Tây Tạng là “gom” có nghĩa là trở nên quen thuộc, đồng thời mang ẩn ý sâu xa về việc huấn luyện tâm trí trở nên quen thuộc với những trạng thái có ích như: tập trung, thấu hiểu, trắc ẩn, kiên nhẫn, khiêm nhường và kiên định. Trong hình thức thực hành thiền chính thống, chúng ta tập trung toàn bộ tâm trí vào việc thở, cảm nhận của cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc hoặc cảm giác. Khi đã huấn luyện sự tập trung bằng cách thiền, chúng ta sẽ tạo ra được nhận thức tự chủ, cùng với đó là tăng cường các đức tính tốt như dũng cảm, chấp nhận, kiên nhẫn, tò mò, minh bạch, không phán xét, bình thản và nhân hậu.

Chánh niệm không đòi hỏi chúng ta phải tách bạch bản thân khỏi cuộc sống hàng ngày mà ngược lại, khuyến khích chúng ta cảm nhận cuộc sống hàng ngày theo cách khác đi.

Đơn giản như vậy nhưng để thực hành được chánh niệm lại rất khó khăn, cần nhiều nỗ lực, sự kiên định và sẽ rất tốt nếu có được sự ủng hộ của những người xung quanh và các yếu tố môi trường khác. Nếu bạn chia sẻ về phương pháp tương tác trong chánh niệm với đồng nghiệp sẽ mang lại năng suất cao hơn và bầu không khí vui vẻ và thoải mái hơn rõ rệt.

Làm sao để duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp cần phải bắt đầu từ đâu?

Để duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp cần bắt đầu từ lãnh đạo - những người đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình văn hóa doanh nghiệp đó. Theo tác giả Palma Michel thì khi áp dụng chánh niệm vào lãnh đạo, chúng ta sẽ thấy ba khía cạnh khác nhau cần phải giải quyết:

Nhà lãnh đạo quản lí bản thân như thế nào?

Nhà lãnh đạo tương tác và quản lí nhân viên như thế nào?

Nhà lãnh đạo tạo ra thay đổi đối với toàn hệ thống như thế nào?

Khi họ áp dụng và thể hiện chánh niệm trong công việc và cuộc sống hàng ngày, họ sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng và động lực cho nhân viên noi theo. Một nhà lãnh đạo có chánh niệm không chỉ là người có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt mà còn là người có khả năng thấu hiểu, đồng cảm và kết nối sâu sắc với nhân viên của mình.

Nhưng để duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo mà còn cần sự tham gia tích cực của toàn thể nhân viên. Bằng cách tổ chức các hoạt động như thiền định, các khóa học về chánh niệm và tạo ra không gian làm việc yên tĩnh, doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên thực hành chánh niệm một cách thường xuyên. Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

Hoàn toàn có thể xây dựng một căn phòng thanh bình, tràn ngập ánh sáng dịu nhẹ và âm thanh nhẹ nhàng để thực hành chánh niệm sau những giờ phút căng thẳng

Ngày nay, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Jeff Weiner (LinkedIn), Marc Benioff (Salesforce), hay thậm chí cả những người nổi tiếng như Lady Gaga đều đã nhận ra giá trị to lớn của chánh niệm và áp dụng nó vào cuộc sống và công việc. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chánh niệm không chỉ là một phương pháp cá nhân mà còn là một xu hướng tất yếu của thời đại, một chìa khóa quan trọng để đạt được thành công và hạnh phúc trong cả công việc lẫn cuộc sống.

  • 364
  • 3

Đi tìm 'hằng số' của con người trong Tâm lý học giải mã hành vi

  • 2499

The Book of Woman – một phong cách tình yêu thương khác biệt dành cho phụ nữ

  • 2108
  • 1

Tái sinh vụn vỡ - cuốn sách dành cho những tâm hồn đang tổn thương

  • 2815
  • 7

Dubai - Sự thần kỳ đến từ tầm nhìn nhà lãnh đạo

  • 919
  • 1

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1801
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua