Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:57 - 12.06.2024
Chủ trì hội thảo, anh Hoàng Long, Trưởng Ban CNTT Tập đoàn, nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của phòng chống lừa đảo không gian mạng khi thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi khiến môi trường số ngày càng trở nên thiếu an toàn. Thống kê từ Bộ Công an cho biết tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng trong năm 2023 là gần 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022 và có 1500 vụ án đã khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
5 diễn giả tham dự chương trình đã thẳng thắn chia sẻ thực trạng đáng báo động của lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời chỉ ra giải pháp cho vấn đề nhức nhối này. Tiến sĩ Nguyễn Việt Lâm, Chuyên viên cao cấp Văn phòng Bộ - Bộ Ngoại giao, nói về Công ước quốc tế về chống lừa đảo trên không gian mạng. Anh nhấn mạnh phạm vi của công ước bao gồm các hoạt động gian lận liên quan đến tài chính, thông tin cá nhân, và các hoạt động lừa đảo qua email, trang web giả mạo...
Công ước đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và đối phó với các hành vi lừa đảo trên mạng, bao gồm việc tăng cường giáo dục và nhận thức cho người dùng, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nền tảng trực tuyến phải thực hiện các biện pháp bảo mật và bảo vệ dữ liệu, đồng thời cung cấp hỗ trợ và hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra và xử lý các vụ việc lừa đảo.
Anh Đinh Văn Kiệt, Giám đốc Sản phẩm của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), nói về xây dựng các biện pháp và chiến lược hiệu quả nhằm bảo vệ hạ tầng mạng khỏi các mối đe dọa từ nội dung độc hại và lừa đảo trực tuyến, giúp đảm bảo an toàn và tin cậy cho người dùng. Những giải pháp anh Kiệt đưa ra cũng là các giải pháp VCS đang phát triển cho chính người dùng Viettel.
Một khách mời khác, anh Lê Văn Thành, kiến trúc sư giải pháp của Google mang đến cái nhìn toàn diện về những chiến lược, công cụ và sáng kiến mà các công ty công nghệ hàng đầu như Google đang triển khai nhằm ngăn chặn và đối phó với các hành vi lừa đảo trực tuyến, góp phần bảo vệ ATTT cho hàng triệu người dùng trên thế giới. Anh Thành chỉ ra vấn đề lớn của người dùng trên toàn thế giới khi thường sử dụng 1 mật khẩu hoặc 1 cách đặt mật khẩu cho toàn bộ các tài khoản trong nhiều lĩnh vực, đồng thời đưa ra các giải pháp để người dùng tự tránh việc trở thành nạn nhân.
Chị Trần Thanh Hà, Giám đốc Giải pháp phần mềm thị trường Việt Nam của Nokia, chọn góc chia sẻ về vấn đề chống lừa đảo qua mạng viễn thông. Đây là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu trong nhiều năm khi người dùng viễn thông có những hành vi ứng xử rất khác so với người dùng internet. Với lợi thế khi là doanh nghiệp kinh doanh thiết bị di động lâu đời, Nokia có những giải pháp riêng để hạn chế việc khách hàng bị lừa đảo thông qua việc sử dụng sản phẩm của tập đoàn mẹ - Microsoft.
Khách mời cuối cùng, anh Trần Anh Dũng, Phó phòng CNTT của TCT Dịch vụ số Viettel, chia sẻ về góc nhìn lừa đảo trong lĩnh vực fintech (tài chính số). Anh Dũng cho biết các đối tượng lừa đảo qua fintech giờ cực kỳ manh động lẫn kiên nhẫn khi sẵn sàng tra tấn tinh thần người dùng tới mức buộc phải mắc bẫy.
"Người dùng có thể thoát việc bị lừa một lần, nhưng không có gì đảm bảo đến lần thứ 10, họ còn giữ được tỉnh táo", anh Dũng nói. Anh cũng cho biết để các giải pháp hiệu quả, người dùng buộc phải bảo vệ các ứng dụng trong điện thoại. Theo anh Dũng, sản phẩm của VDS sẽ cung cấp giải pháp này.
CBNV tham gia tại hội trường cây Bao Báp cũng đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả và được giải đáp toàn diện. Trả lời câu hỏi Việt Nam liệu đủ khả năng tự chủ bảo vệ không gian mạng, anh Đinh Văn Kiệt nhấn mạnh nhân sự CNTT, ATTT của Việt Nam đủ khả năng bảo vệ không gian số. Song anh Kiệt cũng cho biết nhân sự CNTT không nên là người làm tất cả, mà chỉ làm dựa trên hệ thống các nhà cung cấp.
"Đứng trên vai người khổng lồ như thế là cách để làm mọi thứ đi nhanh hơn", đại diện của VCS nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi giải pháp nào để hạn chế khả năng lừa đảo tài chính số, anh Trần Anh Dũng khẳng định điều quan trọng nhất là quy định chính sách của Nhà nước ban hành và đồng bộ với các giải pháp kỹ thuật hiện có.