Khánh Lê (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:28 - 05.04.2024
Trong năm 2023, số vụ tấn công mạng trên toàn cầu tăng 84%, trong đó Việt Nam đứng đầu trong top 10 các quốc gia có số lượng mục tiêu bị tấn công trên thế giới bởi phần mềm độc hại Infostealer tại khu vực Châu Á. Đặc biệt là gần đây, những vụ tấn công mã hoá dữ liệu nhằm vào một số doanh nghiệp lớn như VNDirect, PVOil,… đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống công ty, gây thiệt hại về mặt tài chính và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu truy cập và sử dụng dịch vụ của các khách hàng.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Vấn đề hôm nay” trên VTV, anh Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chia sẻ Nguy cơ An ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã đưa ra những phân tích về thủ đoạn mà các tin tặc hay sử dụng cũng như chia sẻ một số biện pháp cần thực hiện để phòng ngừa từ sớm sự xâm nhập của chúng vào hệ thống thông tin của mỗi doanh nghiệp.
Theo chuyên gia Trần Minh Quảng, chưa có một phần mềm hay ứng dụng nào trên thế giới là tuyệt đối an toàn trước những nguy cơ của tấn công mạng. Vì vậy, việc các doanh nghiệp tạo ra những bản dữ liệu dự phòng là vô cùng cấp thiết để rút ngắn thời gian khôi phục lại hệ thống bị tấn công bởi tin tặc. Song song với việc thiết lập những kênh sao lưu thông tin này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát, khắc phục những điểm yếu trong hệ thống công nghệ thông tin của mình, cập nhật liên tục những dấu hiệu nhận biết các mã độc cũng như chuẩn bị sẵn những biện pháp và kế hoạch ứng phó hiệu quả.