Một Tiến sĩ đã vượt qua ‘cơn khủng hoảng’ chán việc ở Viettel thế nào?

Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:36 - 26.07.2024

Từ chỗ mất phương hướng, chán nản đến giây phút trở thành cá nhân điển hình xuất sắc của Tập đoàn, anh Đỗ Văn Lộng ở TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đã đi một chặng đường dài.

Nhiều đồng nghiệp Viettel chắc không biết chuyện này: Lần đầu tiên anh Đỗ Văn Lộng xuất hiện trên Viettel Family là vào năm 2017, trong bài viết với tiêu đề không mấy tươi sáng: Cách người Viettel vượt qua “cơn khủng hoảng” chán việc.

Kỹ sư chính Xử lý tín hiệu, phụ trách nghiên cứu nền tảng công nghệ và thuật toán tại TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) ngày ấy thừa nhận chịu nhiều áp lực khi deadline lãnh đạo đặt ra vượt quá giới hạn bản thân. Mong muốn lớn nhất của anh Lộng là được làm những việc lớn lao, tạo dấu ấn cho bản thân, tạo dấu ấn cho sự phát triển khoa học công nghệ của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lớn lao nhưng giấc mơ ấy trong năm đầu tiên tại Viettel của chàng Tiến sĩ Tự động hóa tốt nghiệp tại Pháp gần như bị chôn vùi trong stress, áp lực cùng quá trình thích nghi đầy gian khó.

Nhìn vào ký ức để thấy chuyện xảy ra vào năm 2024 là bước tiến dài thế nào: Anh Lộng là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến của Viettel giai đoạn 2019 - 2024. Toàn bộ nguyện vọng tưởng chừng xa vời của anh Lộng trong cuộc phỏng vấn với Viettel Family năm 2017, lúc này, đều đã trở thành hiện thực.

01

Anh Lộng đã làm được gì?

Trong 5 năm qua, chàng kỹ sư của VHT đã nghiên cứu thành công 6 công nghệ lõi được ứng dụng vào sản phẩm, có 6 bài báo khoa học quốc tế, 4 sáng chế được cấp bằng và nhiều ý tưởng được công nhận.

Những đóng góp giúp anh Lộng nhận 1 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, 1 bằng khen cấp Tập đoàn, 1 danh hiệu Cá nhân xuất sắc ngành dọc và 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Càng tự hào hơn khi anh Đỗ Văn Lộng là đồng tác giả của 1 đề tài vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Những thành tích trên không hề đơn giản, đặt trong bối cảnh lĩnh vực anh Lộng công tác đặc biệt cùng thời gian gấp gáp, tính bảo mật cao. Anh được giao nhiệm vụ nghiên cứu các thuật toán xử lý cho hệ thống trinh sát điện tử thông minh V-ELINT18. Đây là một trong những sản phẩm phức tạp nhất của VHT với những tính năng và chỉ tiêu kỹ thuật tương đương hệ thống trinh sát nổi tiếng VERA-NG của hãng ERA (Cộng hòa Séc) dày công nghiên cứu, phát triển, sử dụng và cải tiến từ năm 1961. Điểm đặc biệt: anh Lộng cùng các đồng nghiệp VHT hoàn thành chỉ trong 5 năm, từ 2018 đến 2023 và đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu.

02

Chia sẻ về nhiệm vụ này, anh Lộng cho biết khác với hệ thống trinh sát thông thường sẽ truyền và nhận sóng phản hồi để xác định vị trí, hệ thống V-ELINT18 thu tín hiệu tự động nên đảm bảo bí mật. V-ELINT18 cũng dễ dàng khi vận chuyển và an toàn khi sử dụng. Sau khi thu tín hiệu, hệ thống có thể xác định vị trí cũng như quỹ đạo di chuyển của thiết bị khác. V-ELINT18 có thể bao phủ mọi thiết bị thông tin, các thiết bị trinh sát và chế áp điện tử, cự ly phát hiện mục tiêu cách xa tới 450km.

Nhiệm vụ khác của anh Lộng là nghiên cứu các công nghệ lõi cho phân hệ trinh sát và chế áp vô tuyến của tổ hợp chống phương tiện bay không người lái hạng nhẹ VEA-6/C từ năm 2022. Công nghệ này được sử dụng để phòng ngự hiệu quả vì có thể gây nhiễu các thiết bị khác. Viettel hiện đi cùng với xu hướng thế giới về dòng sản phẩm này và dự kiến mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng cho Viettel.

Ở cả hai nhiệm vụ đều được coi là bất khả thi này, anh Lộng đều chinh phục được. Hình ảnh khủng hoảng vì áp lực cũng như deadline từ lãnh đạo giờ hoàn toàn là chuyện của quá khứ với anh.

4 khó khăn lớn nhất của anh Đỗ Văn Lộng khi gia nhập Viettel:

Khác biệt về môi trường làm việc: Ở Viettel, mọi người làm việc liên tục như những cỗ máy, khác hẳn với môi trường nghiên cứu trước đây của anh Lộng. Hơn nữa, do nhà ở xa nên anh phải ra khỏi nhà từ trước 6 giờ 30 phút sáng và thường xuyên về đến nhà sau 8 giờ tối, với gần 100km di chuyển mỗi ngày. Anh Lộng thường về nhà trong trạng thái mệt mỏi và chán nản.

Thay đổi về lĩnh vực chuyên môn: Anh Lộng tốt nghiệp kỹ sư Tự động hóa, có 2 năm lập trình phần mềm, 5 năm làm Tiến sĩ về toán ứng dụng và gia nhập Viettel với chức danh Kỹ sư Xử lý tín hiệu. Khi mới gia nhập Viettel, anh thậm chí còn không biết đến những khái niệm cơ bản nhất của lĩnh vực xử lý tín hiệu.

Thiếu kinh nghiệm thực tiễn: Trong môi trường học thuật, anh Lộng chỉ giải quyết những vấn đề mang tính lý thuyết. Trong gần một năm đầu tiên, anh đã đọc hàng trăm bài báo, mô phỏng hàng chục thuật toán nhưng vẫn không áp dụng được vào sản phẩm thực tế. Lúc đó, anh cảm thấy vô cùng thất vọng về bản thân, thậm chí là cảm giác tuyệt vọng.

Chia tay những đồng nghiệp thân thiết nhất: Khó khăn chồng chất khó khăn khi những đồng nghiệp thân thiết nhất cùng tốt nghiệp Tiến sĩ ở đơn vị lần lượt xin nghỉ việc vì những lý do khác nhau. Điều này làm cho anh Lộng cảm thấy mất phương hướng, luôn suy nghĩ xem liệu công việc ở đây có thực sự phù hợp với những “Tiến sĩ lý thuyết” như mình hay không, nơi đây có nên là bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp của mình hay không.

Vượt nản nhờ giá trị Viettel

Một trong những lãnh đạo của anh Lộng khi ấy tại VHT, anh Nguyễn Cương Hoàng (đang là Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn) là người mở ra chặng đường mới cho “tiến sĩ lý thuyết”. Anh Lộng chia sẻ: “Anh Hoàng tới gặp tôi, chia sẻ chính anh cũng từng gặp phải vấn đề tương tự thời mới công tác tại VHT và cùng tôi tháo gỡ từng khúc mắc”. Những chia sẻ này, theo anh Lộng, là bước ngoặt giúp anh thay đổi tư duy.

Ngoài giải tỏa được phiền muộn trong lòng, anh Lộng cũng nhận ra công việc của bản thân mang ý nghĩa lớn hơn cơm áo gạo tiền thông thường. Đấy còn là nghiên cứu và làm chủ các sản phẩm công nghệ cao, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh, tự chủ, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Từ giây phút đó, anh bắt đầu thay đổi hoàn toàn cách làm việc, tất cả nhằm chinh phục thử thách mới trong cũ tại Viettel. Không chỉ làm việc trên cơ quan, anh liên tục đào sâu suy nghĩ bằng việc tận dụng những khoảng thời gian trên xe tuyến, những giờ nghỉ trưa ở cơ quan hoặc những buổi tối ở nhà để đọc tài liệu. Tất cả nhằm bù đắp lại sự thiếu hụt kiến thức nền tảng khi bước vào lĩnh vực mới.

Trong quá trình chinh phục các thử thách tưởng chừng như không tưởng tại Viettel, anh Lộng cũng nhận ra giá trị lõi của Viettel là nền tảng cho mọi sự thay đổi của bản thân.

Về định hướng, anh xác định nghiên cứu nền tảng công nghệ cần gắn liền với lộ trình phát triển sản phẩm. Để đạt được điều này, anh sử dụng tư duy hệ thống để xây dựng lộ trình nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm rõ ràng cho từng ngành. Sau đó, mỗi ngành lại tiếp tục xây dựng lộ trình đến từng lĩnh vực chuyên môn.

Về cách làm, anh thực hiện theo triết lý “dò đá qua sông” của Viettel, nhưng việc “dò đá” của anh dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc, kết hợp với kinh nghiệm và liên tục điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Để làm chủ công nghệ lõi và ứng dụng nhanh nhất vào sản phẩm, anh cùng đồng đội thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như mua sắm sản phẩm mẫu, hợp tác chuyển giao công nghệ và chủ động nghiên cứu.

Về tổ chức, anh chia thành từng nhóm chuyên môn nhỏ dựa trên cơ sở các nhân sự giỏi và giao người về các đề tài, dự án một cách linh hoạt. Đồng thời, vận dụng trí tuệ từ “ngôi nhà chung Viettel” để cùng nhau giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó.

03

Về bản thân, anh Lộng luôn cố gắng thực hiện đúng những tiêu chí sau:

Thứ nhất, luôn làm việc với nguồn năng lượng tích cực nhất, đảm bảo tiêu chí hết việc chứ không hết giờ. Anh Lộng từng nhiều lần làm việc qua đêm tại VHT để theo kịp tiến độ. Quãng đường gần 100 km cả đi lẫn về mỗi ngày làm việc giờ trở thành chuyện bình thường.

Thứ hai, luôn lấy “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” nhằm kết hợp hài hòa giữa cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm thực tế trong quá trình phát triển sản phẩm. Đây cũng là tiêu chí anh Lộng tâm đắc và thấy đúng nhất. Anh cho biết: “Rất nhiều thuật toán mô phỏng ban đầu cực tốt, số liệu ổn, nhưng khi ra thực tế lại không dùng được. Tác chiến điện tử trên thực tế là điều rất khó khi môi trường còn nhiều loại sóng khác nhau. Từ thực tế, chúng tôi phải điều chỉnh để phù hợp".

Sau thời gian rất dài tốn công sức vào việc mô phỏng và điều chỉnh, anh Lộng và các đồng nghiệp VHT đã rút kinh nghiệm: làm sản phẩm xong phải thực tế trước. "Dĩ nhiên, không thể làm ngay lập tức thành công. Điều này rút ngắn thời gian so với trước kia. Trung bình giờ chúng tôi chỉ mất 2-3 lần thử là xong sản phẩm. Trước kia, quá trình này mất tới 5-6 lần. Trước kia, tôi luôn cố đi tìm lời giải tối ưu cho mọi bàn toán. Tuy nhiên, tư duy bây giờ của tôi là thuật toán phải chạy được trên thực tế mới là thuật toán tối ưu”, anh Lộng chia sẻ.

Thứ ba, luôn “làm tới cùng” bằng cách đặt ra những câu hỏi: Giải pháp đã tối ưu chưa? Việc này còn có thể làm tốt hơn được không?,… nhằm không ngừng hoàn thiện các tính năng của sản phẩm. Trên thực tế, năm 2021, hệ thống V-ELINT18 đã hoàn thành 80% và hoàn toàn có thể nghiệm thu. Song anh Lộng quyết làm tới cùng khi thử và tối ưu hiệu năng liên tục. Quá trình ấy sau cùng mất 2 năm và V-EINT18 có ngày hôm nay với chất lượng vượt trội. Với VEA-6/C, anh Lộng đang trong quá trình tối ưu hiệu năng cho hệ thống giàu tiềm lực này.

Thứ tư, luôn thay đổi tư duy, cập nhật công nghệ và tìm kiếm cách làm sáng tạo hơn nhằm áp dụng những giải pháp công nghệ mới nhất vào sản phẩm. “Chúng tôi đang phát triển hệ thống điều khiển bằng giọng nói cho cả hai hệ thống trinh sát điện tử. Chỉ cần ra lệnh báo cáo trinh sát với máy, chi tiết sẽ được báo về”, anh Lộng nói về việc cập nhật công nghệ AI vào cách điều khiển thiết bị.

Với những thay đổi toàn diện này, anh Lộng gần như lột xác so với chính anh của năm 2017. Chàng tiến sĩ lý thuyết ngày nào giờ trở thành kỹ sư nghiên cứu hàng đầu tại VHT. Những thành quả trong công việc của anh không chỉ tạo dấu ấn cho chính anh, mà cho cả Viettel, cao hơn là cho Tổ quốc Việt Nam.

Nhấn mạnh trong Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024 của Tập đoàn vừa qua, anh Đỗ Văn Lộng tóm gọn hành trình đổi thay của bản thân trong 7 năm qua bằng cách nhớ đến những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”
 
  • 2215
  • 14
  • 1

Bản tin Pháp luật tháng 6/2024

  • 132

Lào tìm hiểu kinh nghiệm thành công của tuổi trẻ Viettel

  • 320

Những ‘bông hoa sáng’ trong 'vườn hoa' thi đua của Viettel

  • 1173

Cô gái thành người Viettel ‘bất đắc dĩ’ và sự kỳ diệu của khó khăn

  • 2094
  • 2

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 801

Thước phim xúc động về người lính Viettel trong dự án quốc gia

  • 1293

Biết ơn người đi trước theo cách của Viettel

  • 900

Lãnh đạo là tấm gương thực hành văn hóa Viettel

  • 627
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua