Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 14:53 - 04.07.2024
17h ngày 30/12/2020, chị Nguyễn Thị Thanh Hương và 20 nhân sự khác tại trạm thu phí Cầu Văn Lang, Ba Vì, Hà Nội nhận quyết định điều chuyển từ Công ty BOT sang Công ty Giao thông số Việt Nam. Nguyên nhân do trạm Cầu Văn Lang được chuyển quyền quản lý từ công ty cũ sang VDTC - đơn vị mới trúng thầu trạm.
Trở thành người Viettel theo cách… không mong muốn
“Nghe tin VDTC sẽ tuyển dụng lại từ đầu, chúng tôi đều lo lắng vì có khả năng mất công ăn việc làm. Là nhân viên kế toán, tôi hoang mang hơn các nhân viên khác. Bởi thông thường, vị trí kế toán và trưởng trạm sẽ là người của Viettel sắp xếp để quản lý chứ không giữ người cũ của trạm", chị Hương chia sẻ.
Trước đây, khi còn là nhân viên của Công ty BOT, chị Hương và các đồng nghiệp chỉ quen với việc thu phí thủ công bằng vé giấy, có xe đi qua là thu tiền trực tiếp theo phương thức thu phí MTC (thu phí một dừng). Phương thức thu phí ETC (thu phí không dừng) mà VDTC triển khai là một trang mới với tất cả mọi người. Chưa ai biết thu phí không dừng là thế nào, sẽ cần làm gì, chưa kể còn đi kèm dịch vụ gắn thẻ ePass.
Chị Hương tâm sự: “Hệ thống mới, phần mềm khác hoàn toàn làm chúng tôi quay cuồng, phải bắt đầu lại từ đầu với mọi thứ và dành thật nhiều thời gian để sớm quen nghiệp vụ. Mỗi ngày từ 5h sáng tôi đã có mặt tại trạm thu phí và 10h tối mới trở về nhà. Có những hôm ốm sốt, tôi cũng cố gắng không nghỉ vì biết có những việc người khác khó làm thay được" .
Thời điểm đầu, khi khách hàng biết chuyện chuyển đổi từ thu vé tháng giấy sang dán thẻ để thu vé tháng không dừng, họ phàn nàn, phản ứng rất gay gắt vì cho rằng phía thu phí đang làm khó dễ họ. Hơn nữa, hệ thống chưa ổn định, thường xuyên gặp lỗi làm khách hàng càng khó chịu hơn.
“Giai đoạn ban đầu, tôi thường nghe khách hàng kêu ca, trách móc nhưng tôi và các anh, chị, em luôn chủ động xin lỗi vì hệ thống đang hoàn thiện, mong khách hàng hỗ trợ và thông cảm. Để vượt qua được thời gian đó, tôi chỉ biết động viên anh, chị, em trong trạm, hướng dẫn lại cho nhau”, chị Hương kể lại.
Cảm ơn những thách thức mới
Trở thành người Viettel theo cách không lường trước, mới đầu, chị Hương cảm thấy bối rối, lo sợ trước khối lượng công việc “vừa nặng, vừa khó, vừa mới” chỉ có tại Tập đoàn này. Nhưng đến khi thực sự là một phần của Viettel, được sống và làm việc trong văn hóa Viettel, chị mới thực sự cảm nhận được sự thay đổi của mình sau thách thức và thêm hiểu, thêm yêu văn hóa khác biệt của Viettel.
Trạm thu phí Cầu Văn Lang có 90% là phụ nữ. Lúc đầu ai trong đội nhân viên trạm cũng nhút nhát, e dè, chỉ muốn làm công việc thu phí nhàn hạ. Còn công việc dán thẻ ePass cần nhiều sự tự tin và khả năng giao tiếp, tất cả đều từ chối. Chính chị Hương là người bước ra trước, đi giới thiệu những chiếc thẻ ePass đầu tiên và thuyết phục các chị em cùng tham gia. Dần dần 1 người, 2 người và sau đó là từng nhóm nhân viên đều sẵn sàng đi giới thiệu sản phẩm ePass.
Chị Thanh Hương trở thành người truyền cảm hứng cho đồng nghiệp. Từ những nhân viên người địa phương, chỉ muốn tìm một công việc ổn định gần nhà, họ như trở thành những con người khác nhờ việc mới, việc khó tại Viettel. Thách thức giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ, rèn giũa bản lĩnh và đáp ứng tốt hơn cho chính công việc, cuộc sống của mình.
Hiện tại, mỗi nhân viên thu phí của trạm đều là một nhân viên kinh doanh. Chỉ cần nhìn thấy một chiếc xe ô tô trên đường mà chưa dán thẻ, ai cũng sẵn sàng chạy đến giới thiệu sản phẩm ngay. Nhờ những thách thức để vượt ra khỏi vùng an toàn, họ đã làm được nhiều việc mới, việc khó. Năng lực chuyên môn ngày càng được tích lũy, thu nhập của chị cùng anh chị em cũng được cải thiện.
“Ngoài việc vận hành thu phí, chúng tôi đã trở thành những nhân viên đa năng đúng nghĩa, vừa vận hành tốt, vừa kinh doanh giỏi, không ngại khó, ngại khổ. Xung quanh có rất nhiều trạm thu phí của đối thủ, nhưng cũng không thể cản được bước chân của những nhân viên ePass mạnh mẽ”, chị Hương quả quyết.
Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn ấy, chị được đề xuất lên làm Phó trạm, rồi Trưởng trạm. Khi ấy, chị lại gặp những thách thức mới. Có những thách thức của vị trí quản lý tưởng như đã quật ngã chị, khiến chị đã có lúc nghĩ đến cách nghỉ việc. Nhưng bằng sự kiên trì và nỗ lực, những khó khăn đó lại qua đi.
“Mỗi lần vượt qua một thử thách, tôi biết mình lại lớn hơn và trưởng thành lên. Tôi đã đi xa khỏi vùng an toàn ban đầu của mình, mở rộng “lãnh thổ" an toàn của mình nên việc đối mặt với những thử thách lớn hơn là chuyện đương nhiên. Nhưng đó là việc cần làm để tôi trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ hơn nữa”, chị Thanh Hương khẳng định.
Trui rèn bản thân trong nghịch cảnh chính là công thức để chị Nguyễn Thị Thanh Hương và các đồng nghiệp Viettel tìm thấy thành công của mình. Đó cũng là tôn chỉ mà người Viettel chúng ta đã luôn ghi nhớ và tuân theo trong suốt 35 năm dựng xây và phát triển. Viettel ra đời trong khó khăn, lớn lên trong khó khăn và trở nên xuất sắc cũng là nhờ khó khăn. Bằng những khó khăn và thách thức, giới hạn của người Viettel sẽ được mở rộng để phát triển đến mức cao nhất.
Giá trị: Trưởng thành qua những thách thức và thất bại
Nhận thức:
- Liên tục có những thách thức mới, khó khăn mới, nguy cơ mới là quy luật của cuộc sống.
- Thành công và thất bại luôn song hành với nhau, Khi thành công không nên tự mãn. Lúc thất bại không hoang mang.
- Vượt qua thách thức sẽ mở rộng vùng an toàn, nâng cao năng lực.
- Khó khăn là lò luyện, thách thức là chất kích thích để đi đến thành công. Trong khó khăn luôn có cơ hội.
- Thất bại sẽ không là thất bại nếu nó có một bài học.
Hành vi:
- Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá.
- Thử nhanh, để nếu có sai thì sớm bộc lộ và sửa nhanh.
- Tôi luyện con người qua những việc thách thức. Đánh giá thành công từ những thách thức đã đi qua.
- Học hỏi từ những thất bại, điều chỉnh lỗi sai hệ thống và không lặp lại những lỗi lầm cũ.
- Cầu thị, cầu sự tiến bộ, phê bình thẳng thắn và xây dựng ngay từ khi sự việc còn nhỏ. Không tận dụng sai lầm của người khác để đánh đổ người đó.