Viettel Family đã đăng lúc 17:43 - 09.09.2022
Đó chính là những người mà dù là ai, những lãnh đạo chủ chốt đương thời hay những người đã từng có mặt ở Viettel trong nhiều giai đoạn, vẫn luôn nhắc tới với một thái độ đầy ngưỡng mộ và hàm ơn.
Thượng tướng Phạm Văn Trà đảm nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 1997. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của Viettel bởi chưa tìm thấy lối đi. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp trước đó hai năm mà Viettel vẫn chưa biết kinh doanh gì và kinh doanh như thế nào vì còn thiếu vốn và có quá nhiều quan điểm phát triển trái ngược nhau.
Mặc dù xuất phát từ chuyên ngành kỹ thuật, Thượng tướng Phạm Văn Trà lại có đầu óc kinh tế rất xuất sắc. Là người nhìn xa, trông rộng, Thượng tướng rất quan tâm đến Viettel - một doanh nghiệp nhỏ của Quân đội lúc bấy giờ. Khi Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc muốn xin được sử dụng 2 sợi cáp quang thừa trên trục cáp quang 500KV để xây dựng mạng thông tin quân sự, Thượng tướng đã ủng hộ hết sức tích cực.
Quyết sách quan trọng của Thượng tướng bấy giờ đã hun đúc cho Viettel một nét văn hóa đặc trưng, đặt nền móng cho những thành công sau này: tự lực. Trong khi đường trục của các mạng thông tin khác đều có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, Thượng tướng chỉ thị: Đường 1A tuyệt đối không được phép có chuyên gia nước ngoài.
Quyết định đầy áp lực ấy đã giúp những người Viettel mày mò, học nhiều, đọc nhiều, làm nhiều và trưởng thành vượt bậc. Lần đầu tiên tự làm một đường trục lớn với biết bao khó khăn, trở ngại đã khiến người Viettel tự tin và hiểu việc. Chỉ một câu nói, một quyết định của người chỉ huy đã làm thay đổi vận mệnh của cả tổ chức.
Thượng tướng Phạm Văn Trà (ngoài cùng bên trái) và Thiếu tướng Hồ Tri Liêm (thứ hai từ trái sang phải) cùng TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông trong buổi thử nghiệm dịch vụ VOIP của Viettel
Sau này, khi Viettel đã phát triển nhanh, chính Thượng tướng Phạm Văn Trà chỉ đạo việc nâng quy mô lên Tổng Công ty, tách ra khỏi Bộ Tư lệnh thông tin, trực thuộc Bộ Quốc phòng để phù hợp với tốc độ và quy mô phát triển. Ngoài ra, với phương châm “bảo vệ Việt Nam từ xa”, Thượng tướng cũng gợi ý cho Viettel đầu tư sang Campuchia đồng thời nhiều lần trực tiếp làm việc với Quân đội Campuchia, tác động giúp Viettel có nhiều thuận lợi khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
Kể lại việc "đi xin" 2 sợi cáp quang "thừa" để làm đường trục thông tin 1A, giọng Thiếu tướng Hồ Tri Liêm, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc vẫn xúc động như đang ở cuộc họp gay cấn do Phó Thủ tướng chủ trì gần 25 năm trước cùng các bộ, ngành và hai đơn vị quản lý đường trục là VNPT và Điện lực. Lúc ấy, đường cáp quang 500KV có 10 sợi, nhưng mỗi doanh nghiệp mới chỉ sử dụng 4 sợi quang cho tuyến truyền dẫn (1 sợi thu, 1 sợi phát, 2 sợi dự phòng cho 2 sợi đó).
Tại cuộc họp, đại diện VNPT đặt một câu hỏi hết sức gay gắt: “Về nguyên tắc, mỗi mạng thông tin đều phải có dự phòng, bây giờ Bộ Thông tin Liên lạc xin hai sợi quang, một sợi thu, một sợi phát rồi thì lấy gì dự phòng?”. Thiếu tướng Hồ Tri Liêm lặng đi mấy giây và trả lời: “Mạng thông tin của quân sự hay dân sự cũng là mạng thông tin của quốc gia, và hai sợi chúng tôi định xin vẫn nằm trong đường trục cáp quang Bắc - Nam. Nếu sợi của chúng tôi có sự cố thì vẫn còn sợi của các đồng chí làm dự phòng và ngược lại.”
Là người khảng khái, quyết liệt, Thiếu tướng Hồ Tri Liêm đã mang về cho Viettel dự án mang tính lịch sử. Thiếu tướng Hồ Tri Liêm đã từng nói với anh em thực hiện dự án 1A: “Vụ làm cáp quang này mà hỏng thì chắc vào rừng làm phỉ luôn”. Bởi khi quyết tâm làm dự án này, Thiếu tướng đã đặt cược toàn bộ sinh mệnh chính trị của mình. Nếu thất bại, Thiếu tướng sẽ phải đối mặt với hành vi gây lãng phí tiền của của Nhà nước, công sức của cán bộ chiến sĩ, và đi tù là kết cục cuối cùng. Nhưng lòng quyết tâm và tinh thần tự lực đã làm nên thành công của dự án 1A, đặc biệt là còn tiết kiệm được mấy chục triệu đồng.