Viettel Family đã đăng lúc 09:54 - 11.09.2024
Mạng di động Viettel bình thường trở lại
Sau 5 ngày làm việc với tinh thần thời chiến, tới chiều ngày 13/9, mạng di động Viettel tại miền Bắc đã trở trạng thái bình thường. Một số ít vị trí gián đoạn thông tin ở các tỉnh Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương hay khu vực Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang đang được lực lượng kỹ thuật tích cực khắc phục để cung cấp dịch vụ trở lại cho khách hàng.
Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng cứu, khôi phục dịch vụ cố định băng rộng trên địa bàn, tối ưu, nâng cao chất lượng mạng di động, tăng cường hoạt động kinh doanh, chăm sóc khách hàng, đồng thời tổ chức rà soát, tinh chỉnh thiết bị và xây dựng phương án kiên cố hạ tầng mạng lưới.
Viettel Family sẽ kết thúc bài cập nhật diễn biến phòng chống, khắc phục hậu quả bão Yagi tại đây. Kính mời đồng chí đón đọc các bài viết được xuất bản hàng ngày về hoạt động của người Viettel sau bão.
Chiều ngày 13/9, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đi thực tế kiểm tra công tác khắc phục ảnh hưởng của đợt bão lũ tại địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có khu vực thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên), nơi xảy ra vụ sạt lở khủng khiếp ngày 10/9 vừa qua.
Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn đã thăm hỏi, tặng quà và động viên các đơn vị của Viettel tại Lào Cai, nơi gánh chịu tổn thất nghiêm trọng của hoàn lưu bão Yagi. Chủ tịch Tào Đức Thắng đã gặp gỡ, chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của đồng chí Trần Thanh Nga, nhân viên giao dịch tại Bảo Yên. Trận lũ vừa qua đã cuốn và làm sạt lở toàn bộ phần đất phía sau nhà của đồng chí Nga, nước tràn ngập hết tầng 1, đồ đạc không kịp chuyển kịp do nước lên nhanh, nền nhà bị sụt lún sâu.
Biểu dương tinh thần quyết liệt của đội ngũ Viettel ở Lào Cai
Nhận được thông tin trạm Viettel đã phát sóng tại Nậm Lúc sáng nay, Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng biểu dương tinh thần điều hành sáng suốt, quyết liệt của đồng chí Chánh Văn phòng Tập đoàn và đội ngũ CBNV tại Lào Cai.
“Việc chúng ta phát sóng kịp thời tại các khu vực sạt lở ở Nậm Lúc, Làng Nủ rất quan trọng và ý nghĩa với người dân và công tác tìm kiếm cứu nạn”, Chủ tịch Tập đoàn cho biết và đề nghị các tỉnh khác như Cao Bằng, Yên Bái,… cũng điều hành theo tinh thần trên do lũ quét vẫn có thể xảy ra, nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sóng Viettel đã đến Nậm Lúc
Lúc 10h30 sáng nay, 13/9, Viettel đã phát sóng trạm LCI277, giúp lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy 3 người mất tích tại Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc và 14 hộ dân tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).
Việc đưa trang thiết bị đến lắp đặt, phát sóng trạm LCI277 gặp rất nhiều khó khăn. Chiều ngày 12/9, đội ngũ kỹ thuật Viettel đã tổ chức phát sóng một trạm BTS khác là LCI139-11 ở khu vực xã Nậm Lúc nhưng do địa hình rừng núi hiểm trở, che chắn nên sóng chưa phủ tới vị trí sạt lở.
Sau khi hoàn thành trạm LCI139-11 đảm bảo kết nối liên lạc cho khu vực trung tâm xã và phân tích các phương án khả thi, đội ứng cứu thông tin của Viettel ở Bắc Hà quyết tâm tìm giải pháp mới, đi vòng đường khác để tiếp cận bằng được vị trí có thể phủ sóng vào hiện trường khu sạt lở.
Từ 5h sáng hôm nay, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Chánh Văn phòng Tập đoàn đã tập hợp đội ngũ kỹ thuật di chuyển lên vị trí lắp trạm LCI277. Đường sá gần như bị tê liệt, các nhân sự của Viettel đã phải di chuyển qua các cung đường khác lầy lội, vượt núi nguy hiểm, phải đi đò qua sông, vận chuyển máy nổ, nhiên liệu, thiết bị vô tuyến, vừa xử lý điểm cáp gặp sự cố cách đó hàng km vừa kéo cáp mới để thông tuyến truyền dẫn.
Đến 10h30, sóng Viettel đã xuất hiện tại đúng khu vực sạt lở.
Trước đó, ngày 10/9, ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã xảy ra 2 vụ sạt lở. Vụ thứ nhất đã làm sập nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, vụ thứ hai xảy ra sạt lở đất ở thôn Nậm Tông, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tăng tốc để sớm bình thường
Tới chiều ngày 12/9, tỷ lệ gián đoạn thông tin tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 chỉ còn khoảng 5%, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương song có xu hướng cải thiện rõ rệt. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng mất điện diện rộng vẫn còn phổ biến.
Mạng di động tại nhiều địa phương như Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định,… cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường.
Đối với các tỉnh phía Tây Bắc bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão, tỷ lệ gián đoạn thông tin cũng tương tự như trên và đang tiếp tục giảm do nỗ lực ngày đêm, tăng tốc khắc phục hạ tầng mạng lưới của đội ngũ nhân sự Viettel tại các địa phương.
3 tỉnh đang gặp nhiều thách thức nhất là Yên Bái, Tuyên Quang và Lào Cai. Một số nhà trạm, tuyến cáp truyền dẫn của Viettel gặp sự cố và bị chia cắt do mưa lũ, ngập lụt và sạt lở, địa hình hiểm trở nên quá trình tiếp cận của lực lượng kỹ thuật Viettel đặc biệt khó khăn.
Nỗ lực ứng cứu xã Nậm Lúc, Lào Cai
Sáng nay 12/9, các nhân sự Viettel đã có mặt tại khu vực xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và tổ chức phương án ứng cứu thông tin nhằm đảm bảo liên lạc cho lực lượng cứu hộ. Trước đó, vào chiều ngày 10/9, tại đây đã xảy ra 2 vụ sạt lở làm sập nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc và 8 hộ dân. Đến nay đã xác định 8 người tử vong, 15 người đang mất tích. Khu vực xảy ra sạt lở chưa có sóng, lực lượng cứu hộ khó liên lạc ra ngoài.
Đội ngũ kỹ thuật đã hàn cáp dọc sông để cứu được một phần tuyến cáp, đang xác định phương án kéo cáp và đưa vật tư vào ứng cứu trạm.
“Tất cả anh em đang nỗ lực để bằng mọi cách đêm nay lên được trạm gốc”, anh Phạm Tiến Dương, phòng Hạ tầng của Viettel Lào Cai cho biết.
Khối Cơ quan Tập đoàn dành chi phí tổ chức Trung Thu để hỗ trợ CBNV Công ty Xi măng Cẩm Phả
Theo kế hoạch ban đầu, chương trình Trung thu dành cho các cháu là con của CBNV Khối Cơ quan Tập đoàn sẽ diễn ra vào ngày 14/9. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, Ban tổ chức đã xin ý kiến lãnh đạo Tập đoàn và dừng tổ chức chương trình năm nay. Ban tổ chức sẽ gửi quà đã chuẩn bị tới các cháu vào chiều 12/9.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ cơ sở Khối Cơ quan sẽ chủ trì thăm hỏi, trao quà tới các em nhỏ và cán bộ hội viên của Công ty Xi măng Cẩm phả tại Quảng Ninh - nơi tâm bão Yagi càn quét những ngày vừa qua, để lại nhiều thiệt hại chưa từng có. Quà thăm hỏi được đảm bảo từ nguồn chi phí tổ chức chương trình Trung thu.
Bằng mọi giá khôi phục dịch vụ cho người dân Ba Chẽ trong đêm
Thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ là 1 huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Ninh, nơi phải gánh chịu thiên tai “kép” khi vừa bị bão Yagi tàn phá, đồng thời ngập lụt chia cắt.
Có mặt ở Quảng Ninh, TGĐ VTNet Nguyễn Đạt đã trực tiếp làm cùng lực lượng kỹ thuật, chỉ đạo khôi phục dịch vụ bằng mọi giá. Sau gần 10 tiếng đồng hồ tìm kiếm và hàn nối cáp cả trên núi và cáp vượt sông, đúng 3h sáng ngày 11/9, toàn bộ dịch vụ thoại và data của thị trấn Ba Chẽ đã được thông suốt.
100 sim và 100 triệu đồng
Không chỉ phát sóng thần tốc trạm BTS phục vụ khu vực vụ sạt lở ở làng Nủ (Lào Cai), sáng nay, CBNV Viettel Lào Cai đã mang đồ tiếp tế lương thực, thức uống, đặc biệt là hơn 100 sim điện thoại tặng miễn phí cho bà con vì hiện chỉ có sóng Viettel mới liên lạc được ở đây. Các thành viên Viettel tận tình hướng dẫn bà con lắp sim và kích hoạt, sử dụng dịch vụ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Chánh Văn phòng Tập đoàn đại diện Viettel gửi tặng chính quyền địa phương 100.000.000 VNĐ khắc phục hậu quả ban đầu của trận lũ quét kinh hoàng.
Thần tốc phát sóng 4G đặc biệt ngay trong đêm
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, một trận lũ quét khủng khiếp sáng 10/9, đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Số liệu thống kê đến 9h ngày 11/9 xác định 46 người an toàn, 22 người tử vong, 17 người bị thương, còn 73 người mất tích.
Ngay khi nhận được thông tin, Viettel Lào Cai đã khẩn cấp vận chuyển thiết bị, triển khai trạm phát sóng tại xã Phúc Khánh ngay trong đêm. Chánh Văn phòng Tập đoàn Nguyễn Hữu Hùng đã có mặt để điều hành, cùng đội ngũ kỹ thuật triển khai trạm tại khu vực sạt lở.
Đến 2h17 ngày 11/9, trạm phát sóng LCI0156-11 đã phát sóng thành công, giúp khôi phục hoàn toàn thông tin liên lạc tại khu vực bị cô lập. Trạm mới đặc biệt này của Viettel đã giúp hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ và điều phối các lực lượng chức năng tại hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh Lào Cai.
Sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tới hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của trận lũ quét.
Tăng cường nhiều chỉ huy tinh nhuệ nhất về kỹ thuật
Hoàn lưu bão Yagi kéo theo tình hình thời tiết và lũ lụt diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 10/9/2024, Tập đoàn và TCT Mạng lưới Viettel đã điều động tăng cường nhiều lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tới các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, ngập lụt, sạt lở.
Trong đó có nhiều đồng chí từ miền Trung, miền Nam ra. Nhiều đồng chí đang ở các tỉnh phía Đông Bắc, nơi bão đổ bộ cũng lập tức lên đường theo mệnh lệnh.
Tập đoàn cử 2 trưởng ngành trực tiếp đi điều hành ở các tỉnh Tây Bắc. Đồng chí Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Hùng - một trong những trưởng đoàn chỉ huy tiền phương đi Nam Định, sau đó sang Quảng Ninh và đã có mặt ở Lào Cai từ chiều ngày 10/9. Đồng chí Lưu Mạnh Hà, Trưởng Ban Đầu tư - Xây dựng đã tới Yên Bái từ ngày hôm qua để hỗ trợ chỉ đạo tại đây.
Các nhân sự của VTNet được tăng cường đến tham gia điều hành, ứng cứu ở các tỉnh bị mưa lũ còn có:
Đ/c Hoàng Văn Tiến, PGĐ TT Kỹ thuật KV1 từ Hưng Yên di chuyển lên Lào Cai
Đ/c Nguyễn Chung Thành Hưng, PGĐ TT Kỹ thuật KV1 từ Thái Bình lên Yên Bái
Đ/c Nguyễn Vũ Trà My, Giám đốc TT Kỹ thuật KV2 đi Bắc Ninh
Đ/c Nguyễn Đình Chiều, PGĐ TT Kỹ thuật KV3 đi Thái Nguyên
Đ/c Nguyễn Xuân Vinh, PGĐ Kỹ thuật KV3 đi Cao Bằng
Đ/c Nguyễn Công Thắng, Quản lý thị trường (CM) đi Tuyên Quang
Các lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ quản lý được điều động đi tỉnh trong đợt bão Yagi là những đồng chí vừa có kinh nghiệm dày dặn về điều hành trong thiên tai vừa có chuyên môn sâu về kỹ thuật. Sự có mặt kịp thời ở cơ sở khi có thiên tai sẽ giúp quá trình điều hành trước, trong và sau bão được hiệu quả, đồng thời động viên, chia sẻ khó khăn với đội ngũ tuyến đầu.
Đây cũng là lần đầu tiên Viettel cử lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng tinh nhuệ về kỹ thuật đi ứng phó thiên tai với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay - cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc khắc phục ảnh hưởng của bão Yagi, đưa mạng lưới và dịch vụ Viettel trở lại trạng thái bình thường và phục vụ tốt nhất cho công tác điều hành, cứu hộ cứu nạn tại các địa phương.
Chiều 10/9, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đến GNOC - TT Vận hành Khai thác toàn cầu của VTNet theo dõi trực tiếp các trạm gián đoạn thông tin tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái,...
Chủ tịch đã yêu cầu GNOC khoanh vùng những khu vực chưa có sóng các tỉnh đang còn nhiều gián đoạn thông tin, tìm những trạm trọng yếu để đưa ra khuyến nghị cho lực lượng điều hành tại các tỉnh cần tập trung phát sóng.
Các chỉ huy tại tỉnh điều hành tập trung, ưu tiên phát sóng tối thiểu 1 trạm trong những trạm do GNOC khuyến nghị để các khu vực không bị mất sóng, kể cả các trạm gián đoạn do vấn đề cơ điện, truyền dẫn.
"Đây là tiền đề để lan toả, phát sóng các khu vực còn lại", Chủ tịch nhấn mạnh.
Viettel tặng tiền vào tài khoản cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ quét, sạt lở
Từ ngày 9/9, Viettel thực hiện cộng tiền tự động 20.000VNĐ/thuê bao trả trước (sử dụng trong 5 ngày) cho khách hàng tại những khu vực bị cô lập do ngập lụt, sạt lở đất ở 9 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai.
Ngập úng, nước dâng cao cản trở ứng cứu thông tin
Những ngày qua, mưa lớn dẫn đến ngập cục bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên..., có nơi nước dâng cao tới 2 mét. Thành phố Hà Nội cũng ngập úng nhiều nơi.
Sáng 10/9, công tác ứng cứu thông tin của lính Viettel thêm phần thách thức. Nhiều trạm chưa thể tiếp cận được, hoặc nếu có thì rất khó đưa máy nổ vào.
Lãnh đạo các cơ quan Tập đoàn sát cánh cùng anh em tuyến đầu
Trước sức tàn phá của bão Yagi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, doanh nghiệp để nhanh chóng khắc phục hậu quả do siêu bão gây ra.
Ngày 9/9, lãnh đạo các Ban thuộc Khối Cơ quan đã thay mặt Tập đoàn trao tặng các khoản hỗ trợ trên cho nhân sự Viettel đang “chinh chiến” ở tuyến đầu.
Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Dương Văn Toàn, Trưởng Ban Đầu tư - Xây dựng Lưu Mạnh Hà, Trưởng Ban Hành chính Vũ Tiến Duy, Trưởng Ban Thanh tra Kiểm toán Bùi Thế Hùng, Trưởng Ban Thương hiệu & Truyền thông Nguyễn Hà Thành, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Nguyễn Ngọc Linh cùng các đoàn công tác đã tỏa đi khắp các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh để kịp thời động viên anh em trên tiền tuyến.
Các lãnh đạo Ban chuyển lời cảm ơn của Chủ tịch Tập đoàn về sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu, động viên anh em cố gắng tiếp tục khôi phục mạng lưới, phát sóng toàn bộ trạm BTS, khôi phục mạng CĐBR để sớm cung cấp dịch vụ trở lại như bình thường.
Mưa lũ thách thức tinh thần người lính Viettel
Sáng 9/9, nhiều tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái,... có mưa lũ kèm sạt lở, có nơi nước ngập tới gần nóc nhà dân và tàn phá hoa màu. Sự khắc nghiệt đang thử thách lính kỹ thuật Viettel, ngăn cản đường lên các trạm ứng cứu thông tin cho người dân.
Đêm không ngủ tại Kiến An, Hải Phòng
Anh em kỹ thuật liên tục "chiến đấu", đến 4h30 sáng 9/9 mới tranh thủ về ăn uống, nghỉ ngơi trong chốc lát để tiếp tục đi ứng cứu.
Hầu hết tòa nhà Viettel không chịu hậu quả lớn từ bão
Bão qua đi nhưng toàn thể cán bộ QLTN của VAM tại các tỉnh chịu ảnh hưởng vẫn chưa ngơi tay. Đội QLTN phối hợp lực lượng bảo vệ, vệ sinh khẩn trương thống kế thiệt hại, đồng thời bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục các thiệt hại có thể xử lý trước.
Nhờ chủ động lên kế hoạch, triển khai ứng phó bão từ sớm, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban chỉ huy PCLB VAM, cũng như tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các bộ phận. Hầu hết các tòa nhà Viettel khu vực chịu ảnh hưởng của bão không gặp sự cố lớn, các tòa nhà đều đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Mặc dù vậy, các tòa nhà tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng là những nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất của bão, khó tránh khỏi những thiệt hại. CBNV VAM đang nỗ lực không nghỉ để đưa các tòa nhà trên trở lại trạng thái sẵn sàng, đón CBNV đến làm việc.
Chủ tịch Tào Đức Thắng chỉ đạo "tấn công" quyết liệt vào khu vực trọng điểm
Người đứng đầu Tập đoàn chia sẻ khó khăn, động viên các lực lượng đã căng mình chống bão liên tục trong hơn 1 ngày qua, đồng thời dặn dò và đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
Viettel Family xin gửi tới đồng chí toàn bộ những chia sẻ của Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn.
Xin chào tất cả các anh em.
Ngày hôm nay là ngày vô cùng vất vả của tất cả anh em kỹ thuật, từ trong NOC cho đến anh em trên tuyến, có những người không ngủ suốt hơn 30 tiếng. Đổi lại chúng ta đã rất nỗ lực đưa số lượng trạm gián đoạn thông tin giảm đáng kể ở 14 tỉnh. Nhiều tỉnh đã cải thiện rõ rệt về sóng, được bà con nhân dân, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Viettel.
Thay mặt Ban TGĐ Tập đoàn, anh, anh Chiến, anh Phương, anh Vũ đánh giá cao và cảm ơn nỗ lực của các lực lượng trên toàn tuyến.
Tuy nhiên chúng ta còn số lượng trạm rất lớn chưa phát sóng, đặc biệt nhiều tỉnh tỷ lệ còn cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang. Nhiều tuyến cáp còn đứt vụn. Nhiều cáp bị đổ xuống đường xe cộ chèn qua, đổ vào cây, nhà dân có nguy cơ đứt rất cao nếu người dân dọn dẹp…
Hiện tại Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, đặc biệt mong chờ mạng di động của chúng ta được phát sóng trở lại sớm nhất. Chính vì vậy tôi đề nghị:
1. Các đồng chí tư lệnh tại tỉnh gác lại công việc khác, tập trung điều hành tại tỉnh được phân công cho đến khi trạm và thuê bao FTTH cơ bản ổn định.
2. Tổ chức lực lượng ứng cứu thông tin tại tỉnh hợp lý, ưu tiên tập trung ứng cứu tại thủ phủ. Ưu tiên những Ring lớn, ưu tiên trạm phát so le nhau để tránh bị mất trắng sóng.
3. Lực lượng đo và hàn cáp rất quan trọng, các đồng chí tư lệnh xuống động viên kịp thời, chăm lo đời sống hậu cần, đồ ăn nước uống để anh em tập trung khắc phục đứt cáp.
4. Đêm nay rất quan trọng vì trời yên, gió lặng, mai lại ngày làm việc đầu tuần nên các lực lượng cố gắng ăn tranh thủ, ngủ thay phiên để quyết liệt tấn công vào khu vực trọng điểm.
5. Anh em kỹ thuật trên tuyến, khi cần hỗ trợ việc dọn dẹp, dải cáp… thì các tư lệnh huy động các lực lượng khác tham gia hỗ trợ.
6. Rất mong chờ kết quả tốt đẹp từ các đồng chí.
Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến làm việc cùng anh em NOC
Tối 8/9, Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác điều hành mạng lưới tại GNOC, Phòng Điều hành Mạng lưới, TT Vận hành Khai thác Toàn cầu của VTNet.
Qua kiểm tra, đồng chí Phó TGĐ Tập đoàn yêu cầu:
1. Tập trung nguồn lực cho các tỉnh đang còn bị gián đoạn nhiều như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh; điều phối đội UCTT từ các tỉnh đã ổn cho các tỉnh này.
2. Ưu tiên ứng cứu trước các trạm quan trọng phủ chính quyền, khu vực thành phố, các đường lớn và lên xen kẽ.
3. Tiếp tục tính toán nguồn lực từ KV2, KV3 để điều ra hỗ trợ ứng cứu thông tin, sớm khôi phục dịch vụ cho bà con, cũng như kiên cố mạng lưới (sẽ phải là vào ngày mai). Đồng thời thay phiên để anh em có thể nghỉ ngơi.
Phó TGĐ Tập đoàn phân tích mạng viễn thông là hạ tầng số nên có vai trò rất quan trọng, không chỉ là liên lạc như viễn thông trước đây. Vì vậy chúng ta cần coi cơn bão là cơ hội để nhìn lại mạng lưới và thiết kế để kiên cố bền vững, trong đó hạ tầng truyền dẫn ngầm là hạ tầng của hạ tầng, cần đầu tư.
Đồng chí cũng yêu cầu xem thêm phương án vệ tinh tầm thấp LEO để có dự phòng khi thiên tai.
Chủ tịch Tập đoàn: "Người đứng đầu phải làm trực tiếp với anh em"
Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng kiểm tra chất lượng hạ tầng tại tỉnh Quảng Ninh, trong tình gián đoạn thông tin sau bão. Người đứng đầu Tập đoàn yêu cầu các lãnh đạo tiền phương đưa ra các mục tiêu, phương án tác chiến để nhanh chóng phục hồi trạm. Tại phòng điều hành chống bão, Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã trực tiếp xem từng điểm gián đoạn thông tin, yêu cầu giải thích lí do gián đoạn các tuyến cáp quan trọng.
Đặc biệt, Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn chỉ đạo các lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong đoàn tiền phương phải trực tiếp tham gia làm cùng anh em, thậm chí kéo cáp, kiểm tra trạm. Chủ tịch nhấn mạnh đây là động lực rất lớn đối với lực lượng tuyến đầu, giúp họ lấy lại tinh thần phấn chấn sau khi lao động liên tục trong nhiều ngày.
Chủ tịch Tào Đức Thắng động viên lực lượng kỹ thuật điều hành cố gắng đưa ra các chỉ đạo sát sao, nhanh chóng khắc phục các tuyến cáp quan trọng, từng bước phục hồi mạng lưới.
Lính kỹ thuật Viettel sẵn sàng với áo phao. Tại Lạng Sơn, nhiều tuyến đường ngập úng khiến lực lượng kỹ thuật chưa thể tiếp cận các trạm.
10h ngày 8/9: Lực lượng Viettel tinh nhuệ nhất 63 tỉnh/thành tập trung ứng cứu thông tin sau bão
Viettel đang dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất trên 63 tỉnh/thành phố để tập trung ứng cứu thông tin (UCTT), do ảnh hưởng của bão Yagi. Hiện tại đã có gần 500 đội UCTT được tăng cường cho các tỉnh, tập trung vào Quảng Ninh và Hải Dương; qua đó nâng quân số kỹ thuật UCTT cho bão Yagi lên gần 8.000 người. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất cho khách hàng.
Trạm sạc của Viettel là điểm đến tin cậy
Chi nhánh Viettel tại 16 tỉnh dự báo bị ảnh hưởng của bão đã lập kế hoạch phòng chống bão và giao nhiệm vụ từng cá nhân/đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện phòng chống bão (gia cố biển bảng, nhà cửa và kê cao, che phủ chống dột, ngập …) để đảm bảo hoạt động của cửa hàng trước trong và sau bão phục vụ khách hàng và hỗ trợ người dân sạc pin điện thoại trong trường hợp mất điện trên diện rộng. Theo đó, 197 điểm sạc pin điện thoại đã hoàn thành trong ngày 6/9, người dân tại các địa phương mất điện có thể tới sạc điện thoại miễn phí.
Hình ảnh ghi nhận việc người dân sử dụng sạc miễn phí tại các cửa hàng Viettel sáng 8/9.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi, động viên lực lượng phòng chống bão của Viettel
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông cảm và thấu hiểu trước nỗ lực làm việc trong tình hình thời tiết khắc nghiệt của bão Yagi. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ có người thân làm Viettel, nên luôn biết cứ mỗi khi mưa bão, người lính Viettel phải đi vào chỗ người khác đi ra, vượt qua bão giông để phục vụ người dân.
Mong muốn chia sẻ áp lực với anh em Viettel đang tham gia ứng phó bão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Giang động viên, đánh giá các lực lượng Viettel đã làm việc hết sức mình, trong hoàn cảnh thiên tai, đó là một tinh thần đáng quý. “Trong lúc bão lũ, thiên tai thì hạ tầng cũng phụ thuộc vào thiên nhiên, cây đổ đứt cáp là chuyện bình thường, chỉ mong anh em được an toàn, để tiếp tục làm việc, nhanh chóng phục hồi thông tin cho người dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhắn nhủ.
Một số hình ảnh người Viettel xuyên đêm ứng cứu thông tin
Khi bão đã qua đi, người Viettel lại tranh thủ từng giờ từng phút để nối lại liên lạc nhanh nhất cho người dân.
Người dân sạc nhờ điện thoại tại trung tâm công trình Viettel Đông Triều. Anh Chu Văn Hiếu, người dân sống cạnh Trung tâm cho biết: anh em Viettel đã cấp điện để người dân sạc các thiết bị như quạt, đèn pin, bóng đèn, điện thoại. Theo anh Hiếu, lực lượng Viettel luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân xung quanh, đặc biệt trong lúc bão lũ, người dân không có điện và sóng điện thoại, những hỗ trợ như cung cấp điện rất thiết thực và cần thiết để hỗ trợ đời sống người dân.
Thức xuyên đêm ứng cứu thông tin
Đây đã là đêm thứ 2 Hoàng Đức Hiếu cùng người đồng đội VCC Quảng Bình của mình không có thời gian nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa khi làm việc không ngơi tay với các anh em tại chi nhánh công trình Đông Triều.
Sau hơn 12 tiếng gấp rút di chuyển từ Quảng Bình về Quảng Ninh, với kinh nghiệm UCTT trong bão lũ miền Trung, các anh em lập tức trở thành cánh tay đắc lực và năng nổ của Đông Triều, tham gia vận chuyển VTTB, đấu nối ắc quy,...đến tận 3h sáng nay, rồi lại chuẩn bị các phương án dự phòng theo chỉ đạo cho đến thời khắc cuối cùng trước khi bão đổ bộ.
Khi thời khắc khốc liệt nhất của cơn bão qua đi, anh em lại đổ ra đường UCTT dưới trời mưa gió tầm tã trong điều kiện mất điện, trắng sóng. Khi được hỏi rằng mình có mệt không, anh chỉ trả lời: "Rèn luyện trong bão lũ miền Trung rồi nên dù Yagi rất mạnh nhưng mình vẫn thấy có những điều may mắn. May mắn vì đến thời điểm này vẫn chưa có nơi nào ngập sâu hay bị chia cắt, may không phải đi thuyền vào trạm,...".
Nói không mệt thì không đúng nhưng quả thật ánh mắt kiên định, thể hiện rõ quyết tâm, kiên cường nhưng pha lẫn nét dễ mến của người lính Viettel Quảng Bình ấy đã thể hiện rõ nét tinh thần người Viettel trên cả nước nói chung trong thời điểm khó khăn này.
Hệ thống phần mềm CNTT hỗ trợ tối đa người Viettel ứng cứu
Với công tác chuẩn bị trước bão:
- Hệ thống hỗ trợ triển khai đồng bộ 6 đầu việc trong quy trình ứng phó bão lên công cụ.
- Tối ưu 100% lực lượng trung gian trong công tác cập nhật, báo cáo về tình hình chuẩn bị.
- Rút ngắn thời gian chuẩn bị cho bão xuống khoảng 20%.
Đối với công tác UCTT trong bão:
- Cung cấp tình hình mạng lưới realtime trên dashboard điều hành.
- Tăng hiệu quả 30% trong triển khai ứng cứu thông tin.
- Tối ưu hoàn toàn công tác báo cáo trung gian từ huyện đến BCH.
Về hiệu năng của hệ thống:
Mặc dù số lượng nhân sự sử dụng hệ thống đồng thời rất nhiều (khoảng 5000 account sử dụng) nhưng tải hệ thống luôn duy trì đảm bảo, hiệu năng hệ thống đáp ứng rất tốt cho trải nghiệm người dùng.
Theo đề xuất của Mobifone và chỉ đạo của Bộ TT&TT, Viettel đã thực hiện roaming với Mobifone tại 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Trước đó, ngày 6/9, Viettel đã hoàn thành đảm bảo hạ tầng, phương án sẵn sàng roaming với các nhà mạng bất cứ lúc nào.
Được biết, Mobifone cũng đã thực hiện roaming với VNPT tại 1 số huyện của 2 tỉnh QNH và HPG.
Trở về góp sức cho quê hương
Anh Bùi Văn Nam, 1 trong số 12 nhân viên CĐBR đến từ Khánh Hòa cho biết đoàn 12 anh em tập trung lên tàu từ 3h sáng ngày 6/9, về đến Ga Hà Nội lại di chuyển ô tô tới Hải Phòng. Đoàn có mặt tại đây lúc gần 1h chiều.
Anh Nam chia sẻ đây là lần đầu tiên anh đi hỗ trợ ứng cứu bão. Ngay khi nghe thông tin từ chi nhánh, anh đã xung phong đi hỗ trợ lần này. Với tinh thần là ở đâu cũng là mạng lưới Viettel, anh Nam và anh em rất mong sớm đến nơi để giúp sức cho đồng đội.
Anh Nam quê Nam Định, học tập và lập nghiệp tại Khánh Hòa. Chuyến đi này anh không nghĩ là đi hỗ trợ mà đang trở về nhà giúp sức cho quê hương.
Trước đó, 5/9, 8 nhân sự nhà trạm Khánh Hòa cũng đã có mặt tại Nam Định, nhanh chóng nhận nhiệm vụ ứng cứu thông tin.
Khoảnh khắc ấm áp giữa bão giông:
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, nhân viên kỹ thuật nhà trạm tại Trung tâm Cầu giấy, Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội dừng xe giúp đỡ một bà cụ hơn 60 tuổi đẩy xe hàng nặng trên dốc cầu vượt Trịnh Văn Bô.
Lúc này, anh đang trên đường chở thiết bị vào trạm. Trời mưa mau và gió bắt đầu thổi mạnh, anh không ngần ngại dừng xe, tức tốc tới giúp bà cụ đẩy xe hàng qua cầu.
Thế mới hiểu tấm lòng và tinh thần người Viettel, đâu phải nghĩ cho riêng mình.
Mưa to, gió lớn
Theo thông tin từ đội điều hành mạng lưới Z78, tới trưa nay có 14 tỉnh đang chịu ảnh hưởng của bão số 3: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình.
Thời tiết ở nhiều nơi đang có mưa to, gió lớn và xảy ra tình trạng mất điện diện rộng. Điển hình là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình,… Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới gián đoạn thông tin ở các địa phương này. Mạng lưới tại một số tỉnh vẫn đang hoàn toàn ổn định, thông suốt tuyệt đối như ở Hà Giang, Ninh Bình, Nam Định, Cao Bằng.
Lực lượng kỹ thuật ở tuyến đầu đang tranh thủ và khẩn trương khắc phục các tuyến cáp truyền dẫn bị gặp sự cố để đảm bảo kết nối dịch vụ cho khách hàng. Hiện chưa có vị trí trạm nào của Viettel bị ngập lụt, chia cắt.
CBNV VAM túc trực tại văn phòng Công ty. Hệ thống Camera IP ghi nhận 100% tình trạng toà nhà, thời tiết tại từng khu vực, bất kể có vấn đề dù nhỏ như ô tô chưa đỗ đúng chỗ, các chậu cây cần còn sót lại chưa di chuyển đến nơi an toàn tránh đổ vỡ khi bão đổ bộ đều được nhắc nhở, triển khai thực hiện ngay.
Giữa bùn đất và cơn mưa không ngớt, 2 đồng chí kỹ thuật ứng cứu, bó cáp tại đoạn đường bị đổ cây to và cột tại huyện Đỉnh Lập, tỉnh Lạng Sơn. Đoàn đường trơn trượt, lầy lội khiến việc di chuyển máy phát điện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tại Hải Phòng, TGĐ VCC Phạm Đình Trường, trưởng đoàn chỉ huy tiền phương tại đây họp cùng Chi nhánh tới tuyến huyện và nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho anh em. Qua phần mềm PCTT, đồng chí chỉ đạo trực tiếp việc bố trí nhân sự ém quân, điều máy phát điện.
Kiểm tra những trạm có nguy cơ nhất tại Nam Định
7h sáng 7/9, trong mưa lớn ở Nam Định, Chánh văn phòng Tập đoàn Nguyễn Hữu Hùng trực tiếp kiểm tra công tác hạ tải, ém quân và chuẩn bị máy nổ, nhiên liệu tại các trạm ven biển Hải Hậu - các trạm nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở tỉnh. Chánh văn phòng hỏi thăm tình hình ăn, ở của anh em kỹ thuật tuyến đầu và nhắc nhở đảm bảo an toàn trong thời điểm bão đổ bộ.
Nguồn năng lượng đặc biệt truyền ra đảo Bạch Long Vỹ
CTV Nguyễn Đình Tuấn tại đảo Bạch Long Vỹ cho biết vừa nhận được cuộc gọi từ Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ. Phó TGĐ hỏi tình hình thời tiết ngoài đảo, dặn dò đồng chí đảm bảo an toàn và ngay sau bão vào cố gắng duy trì chạy máy phát điện, tiếp nhiên liệu bảo vệ trạm.
Tuấn phấn khởi: “Tôi rất bất ngờ khi được trực tiếp lãnh đạo Tập đoàn gọi điện quan tâm dặn dò. Tôi cũng đã cam kết sẽ cố gắng hết sức làm tốt nhất có thể để duy trì liên lạc cho bà con trên đảo”.
Tuấn cho biết đảo có 2 trạm BTS và có 800-900 người dân đang sinh sống
Tranh thủ từng giây, từng phút
Trước thời gian "giới nghiêm" 30 phút để đảm bảo an toàn cho con người, lực lượng kỹ thuật tại Quảng Ninh vẫn nỗ lực từng phút cuối để "rải xăng" tại các nhà trạm, tăng cường khả năng dự trữ vật tư, nhiên liệu trước thời gian cấp độ gió tăng dần đến mức nguy hiểm.
Thông tin liên lạc tại Cô Tô vẫn được đảm bảo
Sau khi liên lạc trực tiếp kiểm tra tình hình an toàn về con người và mạng lưới với các nhân sự và CTV tại Hạ Mai (Vân Đồn), Cô Tô, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ cùng Phó TGĐ VTNet Nguyễn Văn Quyết, GĐ Viettel Quảng Ninh Đào Như Quỳnh tiến hành đánh giá thời điểm ảnh hưởng của bão đạt cực đại, đặc biệt là cấp độ gió giật tại các huyện đảo Quảng Ninh.
Nhận thấy đây chưa phải thời điểm ảnh hưởng lớn nhất, PTGĐ Đào Xuân Vũ động viên các nhân sự trực tiếp tại nhà trạm, quán triệt trước tiên cần đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người trong bão. Ngay khi đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm thì cần cập nhật nhanh nhất tình trạng hạ tầng mạng lưới Viettel bên ngoài và báo cáo lại với đơn vị chỉ huy để có phương án ứng cứu kịp thời. Hiện tại, thông tin liên lạc với các huyện đảo trên vẫn được duy trì, đảm bảo.
Bão đã áp sát đảo Cô Tô
Từ 5h ngày 7/9, khi bão số 3 còn cách đảo Cô Tô khoảng gần 200km, không khí căng thẳng cũng đã "áp sát" phòng chỉ huy tiền phương tỉnh Quảng Ninh. Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị phụ trách, nhân sự tại đảo cập nhật liên tục về tình trạng Cô Tô bằng thông số và cả video clip. Đây là vị trí trọng yếu được trưởng ban phòng chống thiên tai của Tập đoàn đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến huyện đảo Cô Tô nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp từ bão, lực lượng mỏng, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ đã trực tiếp gọi điện với đồng chí kỹ thuật tại đảo. Phó TGĐ Tập đoàn mong muốn đồng chí kỹ thuật tại đảo nêu ra khó khăn, đồng thời lên tiếng với Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn khi cần hỗ trợ từ các đơn vị quân đội đóng quân trên đảo như lực lượng biên phòng, quân đội.
Đảo Cô Tô hiện đang không có hình thức vận chuyển để tiếp cận đảo, vì vậy Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ nhấn mạnh lực lượng kỹ thuật trên đảo phải giữ đường dây liên lạc với đất liền để cập nhật các phương án ứng phó, bảo đảm kỹ thuật. Đặc biệt, đường dây liên lạc trên đảo là mạch thông tin của người dân với đất liền cũng như kênh chỉ đạo, thăm hỏi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chính quyền với huyện đảo Cô Tô.
Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ yêu cầu không được để tình trạng gián đoạn thông tin tại đảo kéo dài khi bão đổ bộ.
Những lời chúc gửi ra tiền tuyến
Trên group Facebook của Viettel Family, người Viettel nơi hậu phương liên tục gửi lời chúc, lời dặn dò, động viên ra tiền tuyến. Chúc các đồng chí ở nơi đầu sóng ngọn gió luôn vững vàng, chân cứng đá mềm chống bão, nhanh chóng kết nối liên lạc cho người dân và trên hết là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và đồng đội.
Nhận thức về cơ hội trong thách thức
Tại Thái Bình, TGĐ VTNet Nguyễn Đạt nhấn mạnh an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Quán triệt 100% nhân sự tuyệt đối không được ra ngoài tuyến khi chưa được phát lệnh hoặc sự đồng ý của chỉ huy. Đảm bảo tốt nhất các điều kiện về an toàn lao động, hậu cần cho anh em ứng cứu thông tin. Hạ tải trọng cột tối đa đối với các cột anten có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân.
Đồng chỉ chỉ huy đoàn tiền phương tại Thái Bình yêu cầu trong vòng 48 tiếng đầu tiên sau bão, tập trung khắc phục nhanh nhất, đặc biệt là truyền dẫn. Để tận dụng tối đa nhân sự tại tỉnh, các đội cần linh hoạt hỗ trợ lẫn nhau trong khi chờ đến giai đoạn công việc của mình, không để thời gian chết.
Nhận thức bão vừa là nguy cơ cũng là cơ hội để đẩy mạnh kinh doanh, TGĐ VTNet yêu cầu chi nhánh dồn toàn bộ nguồn lực để khôi phục dịch vụ nhanh nhất. BGĐ chi nhánh liên hệ uỷ ban tỉnh để lắp inbuilding để phục vụ PCTT lâu dài, thay thế cho phương án xe cơ động hiện tại.
Phòng điều hành chống bão vẫn sáng đèn sau 12h đêm
Đêm không ngủ tại Viettel Quảng Ninh. Đồng hồ điểm 0h sáng ngày 7/9 và phòng điều hành chống bão, CN Viettel Quảng Ninh vẫn sáng đèn. Dù thời gian dự kiến bão ảnh hưởng và đổ bộ đất liền là khoảng 12-15 tiếng nữa nhưng ban chỉ huy vẫn sắp xếp, phân công nhân sự trực điều hành, kịp thời theo dõi và báo động những diễn biến thất thường của cơn bão số 3.
GĐ Viettel Quảng Ninh anh Đào Như Quỳnh chỉ đạo trực tiếp qua Cầu truyền hình với các Trung tâm Quận huyện, ngoài ra còn có anh Nguyễn Đức Đắc - Giám đốc CTCT Viettel Quảng Ninh; KV1 - VTNet, Viettel Quảng Ninh, Phòng VHKT - CNCT QNH cùng tham gia công tác rà soát các đầu việc chuẩn bị cho bão: điều chuyển máy nổ, Accu, vận chuyển xăng dầu, cập nhật tình hình ém quân của các đội hỗ trợ từ các tỉnh về.
Dự kiến khoảng 3-5 giờ sáng, ban chỉ huy phòng chống bão tại Quảng Ninh do Đ/c PTGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ chủ trì sẽ tập hợp và tập trung mọi nguồn lực trực chiến với bão 24/24 cho đến khi bão tan.
Công nghệ mới hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống bão
Đây là lần đầu tiên phiên bản nâng cấp PCTT 2.0 được VTNet đưa vào ứng dụng thực tế trong điều hành ứng phó bão. Nhiều tính năng mới trong quy trình ứng phó đã hỗ trợ tốt hơn công tác chuẩn bị trước bão, đặc biệt là các đầu việc điều động đội hỗ trợ, đảm bảo máy phát điện, acquy và xăng dầu. Trạng thái, vị trí, tiến độ của các đội hỗ, vật tư, công cụ dụng cụ được cập nhật nhanh chóng lên phần mềm để đảm bảo hiệu quả cho công tác điều hành.
Lính kỹ thuật cũng đang dùng phần mềm tốt nhất để theo dõi vị trí trạm, tình trạng các trạm. Phần mềm hiển thị được hết số vị trí trạm, máy phát điện, tủ cáp, cảnh báo về các thuê bao đang bị mất kết nối,...từ đó đảm bảo an toàn cho nhân sự Viettel và phát hiện các vị trí thuê bao có khả năng đang gặp nguy hiểm, thông tin cho ủy ban và kịp thời hỗ trợ khi có nhân sự ở gần.
Máy nổ, ắc quy từ khắp các địa phương đã được huy động vào các tỉnh đón bão. 18h15 ngày 6/9, 164 bình ắc quy portable đã được vận chuyển từ kho Hòa Lạc về tới Cái Lân, Hạ Long. Anh em VCC tiếp tục điều chuyển các ắc quy về phân bổ tại các huyện.
Đây là lần đầu tiên ắc quy portable được VTNet đề xuất đưa vào sử dụng với quy mô lớn để đảm bảo các phương án dự phòng cho bão. 2788 bình ắc quy portable được xuất kho, đảm bảo backup tối thiểu 4h khi sử dụng đầy đủ dịch vụ (2G, 3G, 4G, truyền dẫn) tại 1.757 trạm.
Ngay khi có mặt tại Nam Định vào chiều ngày 6/9, Chánh văn phòng Tập đoàn Nguyễn Hữu Hùng đã họp với lãnh đạo các đơn vị của VTT, VTNet, VCC tại tỉnh và rà soát từng đầu mục trong 22 mục theo checklist công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai.
Theo chỉ đạo của Trưởng đoàn chỉ huy tiền phương, VCC gấp rút hoàn thành đưa máy nổ, ắc quy đến các trạm và hạ tải 1 trạm còn lại trước khi mưa lớn. Chánh Văn phòng Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị cần lưu ý chỗ ở, bữa ăn cho các đội kỹ thuật tuyến đầu và các đội ém quân tại trạm, quán triệt đảm bảo an toàn khi ứng cứu thông tin và lưu trữ, vận chuyển nhiên liệu.
Lần đầu đi chống bão, không thành vấn đề
Anh Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên cố định băng rộng tại Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đi hỗ trợ bão nên cũng không tránh khỏi lo lắng một chút do phải thực hiện triển khai công việc trên địa bàn khác. Tuy nhiên, tôi tin rằng với tinh thần người lính, tôi sẽ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cùng anh em tuyến đầu tại Hải Phòng chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng đương đầu với siêu bão Yagi".
Anh Hiếu cũng có thêm đồng đội giàu kinh nghiệm đi cùng. Anh Lưu Xuân Huy, nhân viên cố định băng rộng tại Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, người có thâm niên gần 10 năm công tác tại Viettel lại khá bình tĩnh. Anh đã có kinh nghiệm nhiều lần cùng anh em đi hỗ trợ bão tại các tỉnh. Anh kể: "Tôi luôn mong muốn góp một phần sức nhỏ của mình để sát cánh cùng đồng nghiệp vượt qua thách thức từ thiên tai. Những lần đi hỗ trợ bão lũ trước đây cũng giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác ứng cứu".
Sẵn sàng các kịch bản, không bị động khi bão đổi hướng
Chiều 6/9 tại Quảng Ninh, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ chỉ đạo với đội chỉ huy tiền phương cần lên phương án điều động lực lượng, tránh hiện tượng lực lượng bị co cụm hoặc bị động trước các diễn biến của bão.
Đồng chí đặc biệt quan tâm đến hướng di chuyển của bão, đồng chí yêu cầu các đơn vị cần liên tục cập nhật tình hình, lên các kịch bản dự phòng khi bão đổi hướng, bởi lực lượng tập trung có hạn, khi bão đổi hướng đột ngột các đơn vị phải phản ứng nhanh chóng kịp thời.
Phó TGĐ Tập đoàn trực tiếp kiểm tra hệ thống kiểm soát đường trục, hạ tầng mạng lưới. Đồng chí kiểm tra các đơn vị về khả năng vận hành phần mềm sử dụng cho ứng cứu bão. Theo PTGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ, cơn bão này là một bài thử đối với các phương án mà Viettel đề ra.
Chỉ còn vài tiếng trước khi bão đổ bộ, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ kêu gọi các lực lượng trên địa bàn đồng tâm hiệp lực, trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, chịu khó làm việc để đảm bảo chuẩn bị đón bão như hạ tải trạm, gia cố trạm, bổ sung ắc quy và máy nổ.
Công ty Quản lý Tài sản Viettel sẵn sàng phương án ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bão lên cơ sở vật chất
VAM đã xây dựng kế hoạch Phòng chống cơn bão số 3 từ cách đây 3 ngày. Mục tiêu đảm bảo công tác phòng, chống mưa bão, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các tòa nhà và giảm nhẹ thiệt hại do bão, mưa, ngập lụt gây ra được xác định trên cơ sở phòng ngừa là chủ yếu, nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng tại các tòa nhà.
Công ty huy động toàn bộ lực lượng cơ sở tại hệ thống tòa nhà Viettel Tỉnh/Huyện khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng, khẩn trương thực hiện theo checklist các hạng mục chuẩn bị phòng chống bão theo quy trình hướng dẫn công tác an toàn được ban hành bởi Ban chỉ huy PCCC & PCTT, TKCN VAM.
Các đơn vị đang đồng loạt triển khai hạ cờ, kiểm tra các biển quảng cáo ngoài trời, khu vực mái tôn, chặt bớt cành cây gần cửa kính. Đặc biệt kiểm tra sự chắc chắn của các bộ chữ Viettel trên mái, gia cố thêm bằng dây thép. VAM phối hợp với Viettel tỉnh/TP kiểm tra trạm BTS trên nóc tòa nhà, thực hiện tháo dỡ các thiết bị không cần thiết, các dây của thiết bị, thang cáp; dùng cây, bao cát che chắn chằng chống các lớp mái cần gia cố; khóa tất cả các cửa ở các tầng, kiểm tra hệ thống điều hòa (dàn nóng) siết chặt ốc vít…
Hiện tại, 5 đoàn kiểm tra đã ra quân để giám sát, hỗ trợ trực tiếp tại các cơ sở tại các tỉnh chịu ảnh hưởng: Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Phòng... Công ty cũng phân công lực lượng trực, giám sát 24/24 qua hệ thống Camera.
VTPost quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hãi của bão
Đến chiều 6/9,TCT Bưu chính Viettel đã sẵn sàng mọi công tác ứng phó cơn bão số 3 mang tên Yagi với mục tiêu nỗ lực giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do siêu bão gây ra.
Trước tình hình nguy hiểm và phức tạp của siêu bão Yagi, Ban TGĐ VTPost đã tổ chức họp khẩn cấp công tác phòng, chống với các chi nhánh trong tâm bão và bị ảnh hưởng. Chủ trì cuộc họp, Phó TGĐ VTPost Phạm Văn Tuyên yêu cầu các đơn vị rà soát, xây dựng phương án phòng chống lụt bão dựa trên tối đa nguồn lực, phương tiện tại chỗ, rà soát, xây dựng phương án phòng chống lụt bão dựa trên tối đa nguồn lực, phương tiện tại chỗ.
Theo đó, các đơn vị của VTPost nhanh chóng gia cố lại bảng biển, nhà kho, bưu cục, dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp lại công cụ dụng cụ, huy động nhân sự tham gia công tác phòng chống bão, trực 24/24 trong suốt thời gian dự báo. CBNV được trang bị đầy đủ các công cụ dụng cụ như: áo mưa, bảo hộ, đèn pin, ni lông, bao tải… để bảo quản hàng hóa, đơn thư, chứng từ.
Chủ tịch Tào Đức Thắng: "Không thể chủ quan trước cơn bão lớn nhất 10 năm qua"
Tại Hội nghị giao ban sáng 6/9, Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã rà soát, kiểm tra tình hình phòng/chống bão Yagi của các cơ quan đơn vị. Như Viettel Quảng Ninh đã báo cáo Chủ tịch Tập đoàn về công tác chuẩn bị hoàn tất từ con người, phương tiện. Đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, sẵn sàng xuồng và ca nô nếu ngập úng.
Chủ tịch Tào Đức Thắng đánh giá bão Yagi là cơn bão mạnh nhất 10 năm qua, đồng thời quán triệt các cơ quan, đơn vị:
Nhiều năm qua chưa có cơn bão nào lớn đến thế, do đó đây là thách thức với Viettel, đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Các tỉnh ngoài tâm bão như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam cũng phải hết sức tập trung phòng chống bão, lưu ý tình trạng đứt cáp, cây đổ đè vào cáp.
Siêu bão có thể làm đổ rất nhiều cột, thường thuộc các trạm xã hội hóa, không được bảo trì dây core. Các trạm xã hội hóa có nguy cơ lớn nên các đơn vị phải làm việc ngay, sớm với các nhà có trạm xã hội hóa, tranh thủ từng phút, từng giây.
Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho CBNV, nhất là VCC, VTPost. Thời điểm bão, CBNV không được phép rời khỏi nhà khi chưa được điều động, đặc biệt các địa phương có thể xảy ra sạt lở và lũ quét.
Đảm bảo an toàn cho cửa hàng, nhà, đại lý. TCT Bưu chính cần vận động và con dỡ biển, bảng Viettel, để sau bão dựng lên, tránh tính trạng biển bảng nhếch nhác, vỡ, hỏng.
Các chính sách sau bão cần cố gắng hỗ trợ bà con, không chỉ vấn đề sạc pin. Đứt cáp thì có thể hỗ trợ liên lạc bằng 4G, 5G. Với các tình huống ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của bà con nhân dân, người Viettel hãy cố gắng hỗ trợ trong điều kiện cho phép.
Lính kỹ thuật Viettel khẩn trương ứng phó bão mạnh nhất 10 năm qua
Ngay khi có dự báo, từ 3/9, Ban chỉ huy PCCC&PCTT, TKCN Tập đoàn đã ra công điện yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực điều hành, trực ứng cứu thông tin 24/24 và theo dõi sát tình hình diễn biến của bão Yagi để chủ động ứng phó.
Công điện nêu rõ các tỉnh dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 3 sẽ triển khai công tác ứng phó bão Yagi theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sẵn sàng phương án ứng phó. Bên cạnh đó, TCT Mạng lưới Viettel (VTNet) và TCT Công trình Viettel (VCC) sẽ tổ chức rà soát, củng cố mạng lưới trước khi bão đi vào đất liền; đảm bảo dự trữ đủ xăng dầu; vật tư, thiết bị theo đúng quy trình và tổ chức nhân sự ứng trực bảo vệ và sẵn sàng khôi phục mạng lưới trong thời gian nhanh nhất.
Để chuẩn bị trước bão Yagi, TCT Mạng lưới Viettel (VTNet) và TCT Công trình Viettel (VCC) đã thành lập các đoàn tiền phương hỗ trợ trực tiếp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh,... Các đội tiền phương đã có mặt tại tỉnh từ ngày 5/9.
PTGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ: "Chống bão Yagi bằng con người tốt nhất, thiện chiến nhất"
Phó TGĐ Tập đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Viettel chuẩn bị tối đa nguồn lực về con người và phương tiện để phòng chống siêu bão Yagi đang mạnh lên từng giờ.
Trong cuộc họp mới nhất ngày 5/9, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ, Trưởng Ban chỉ huy PCCC, PCTT&TKCN Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tập trung những nguồn lực tốt nhất, nhiều nhất có thể để sẵn sàng với những tình hướng xấu nhất, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ người dân và công tác ứng cứu trong bão. Các phương án bố trí nhân sự, trang thiết bị, phương tiện di chuyển cho các đơn vị chịu ảnh hưởng của bão được triển khai.
Phó TGĐ Tập đoàn quán triệt các đơn vị, Viettel các địa phương cần rà soát đến từng trạm, từng cửa hàng, có phương án hạ hoặc chằng, buộc các hệ thống biển, bảng. Các Viettel tỉnh/Tp bám sát ban chỉ huy của tỉnh, địa phương, phối hợp với lực lượng phòng chống thiên tai của tỉnh, của Quân đội.
“Các đồng chí đã chủ động vào cuộc chuẩn bị nhưng chúng ta không thể chủ quan. Chúng ta không được để trắng sóng ở cấp độ huyện“, Phó TGĐ Tập đoàn quán triệt.Đồng chí yêu cầu các đơn vị sau buổi họp triển khai ngay các nội dung ứng phó, phòng chống bão theo kế hoạch, không kể ngày hay đêm. “Từ nay đến lúc bão đổ bộ đất liền chỉ được tính bằng giờ. Việc gì làm được hãy làm ngay. Việc gì khó phải báo cáo ngay. Cơn bão đã vào rất gần rồi nên các đơn vị hãy phải cử những người tốt nhất, thiện chiến nhất vào kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Chúng ta chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị ứng phó một cách toàn diện trước khi bão đổ bộ”, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ chỉ đạo.