Hà Thương (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 18:51 - 01.12.2022
Khát vọng “Go global” của Viettel vẫn được nhắc đến với hành trình đi ra nước ngoài và xây dựng 10 thương hiệu viễn thông hàng đầu tại 10 quốc gia. Trong giai đoạn mới, Viettel không chỉ dừng lại ở sự thành công trong mảng viễn thông mà tiếp tục nâng tầm “Go global” bằng việc chuyển mình thành các công ty cung cấp dịch vụ số tại các thị trường để tiên phong kiến tạo xã hội số.
Viettel cũng tích cực tham gia và liên tiếp giành giải thưởng lớn tại các giải quốc tế uy tín như Stevie Awards; hay giao lưu tại các triển lãm công nghệ công tin quốc tế.
Tháng 12/2022, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế (Vietnam Defence 2022) với quy mô hơn 170 đơn vị tham gia. Khát vọng “Go global” của Viettel lại được thể hiện ở một cấp độ mới.
Tham dự triển lãm lần này, với trách nhiệm của một doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động an ninh quốc phòng tại Việt Nam, Viettel đã mang đến các sản phẩm tiên tiến, hiện đại nhất không chỉ cho lĩnh vực quân sự và còn cả lĩnh vực dân sự.
Gian hàng Công nghiệp Quốc phòng của Viettel có 60 sản phẩm bao gồm: Hệ thống các sản phẩm Ra đa, Thông tin liên lạc và tác chiến điện tử, Hệ thống tự động hoá chỉ huy điều khiển, Máy bay không người lái (UAV), Quang điện tử, Khu vực trải nghiệm sản phẩm mô hình mô phỏng, Tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin.
Ở gian hàng Kinh tế Quốc phòng, Viettel tham gia với 16 nhóm sản phẩm là những sản phẩm chuyển đổi số, hỗ trợ cho các lĩnh vực Y tế số, Gia đình số, Giáo dục số, Tài chính số, Logistics, Doanh nghiệp số, Chính quyền số, Giao thông số cùng những sản phẩm nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Với hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm này của Viettel có tính năng tương đương hoặc ưu việt hơn với các sản phẩm cùng loại của các nước phát triển. Các sản phẩm được giới thiệu đều nằm trong danh sách những sản phẩm quan trọng, đang được Viettel đầu tư triển khai và đã thương mại cả trong và ngoài nước.
Cũng trong ngày đầu tiên của sự kiện, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech - VHT) đã ký Thỏa thuận Hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và Hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang thị trường Ấn Độ với đối tác United Telecoms Limited (UTL). Đơn hàng xuất khẩu thiết bị 5G đầu tiên của VHT là dấu mốc vô cùng quan trọng khẳng định giải pháp 5G của VHT đã sẵn sàng thương mại và kinh doanh diện rộng từ năm 2023 không chỉ tại Việt Nam, 10 thị trường Viettel đầu tư mà còn được triển khai tại các thị trường quốc tế.
Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng chia sẻ: “Tham gia sự kiện lần này Viettel mong muốn chứng minh được năng lực của Tập đoàn trong lĩnh vực NCSX công nghệ cao. Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy trung bình và không phụ bị phụ thuộc, chúng ta phải tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự. Nhìn ra các quốc gia xung quanh có thể thấy để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, hướng tới những mục tiêu lâu dài, các nước đã và đang có những bước đi hết sức bài bản, tập trung dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.”
Từ 10 năm trước, Viettel đã có sự chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu – phát triển và đến nay đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam”. Điều quan trọng ở đây là Viettel không đi theo con đường gia công, lắp ráp, sản xuất theo license của nước ngoài mà đặt mục tiêu làm chủ từ gốc.
Hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao đã được Viettel nghiên cứu, sản xuất để cung cấp cho Quân đội. Ngoài ra, Viettel cũng cung cấp những hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Mỗi năm Viettel đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu.
Giờ đây, không chỉ làm chủ phần mềm - là lõi của sản phẩm và thế mạnh của Việt Nam mà Viettel xác định tiến tới làm chủ phần cứng và đặc biệt là chipset. Hiện tại, Viettel đã làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng như chipset, bán dẫn, phần mềm…, sở hữu nhiều bằng sáng chế ở cả những thị trường khó tính nhất.
Như vậy, con đường “Go global” của Viettel đã thành công bước đầu cả ở chiều rộng và chiều sâu.
Năm 2018, Việt Nam lần đầu tham gia Hội chợ và triển lãm quốc phòng quốc tế tại Indonesia. Sau 4 năm, từ việc đem sản phẩm đi tham dự các triển lãm ở nước ngoài, nay Việt Nam đóng vai trò chủ nhà trong một triển lãm quốc phòng tầm quốc tế mà Viettel là đơn vị chủ lực. Tại đây, hình ảnh Viettel-Việt Nam đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy năng lực trong nghiên cứu phát triển công nghệ cũng như sản xuất sản phẩm cả quân sự và dân sự ở tiêu chuẩn toàn cầu. Viettel đã có thể “go global” ngay tại đất nước mình.
Mục tiêu đến năm 2025, Viettel sẽ đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng, tiến lên danh sách 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu vào năm 2030.