Khánh Lê (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:45 - 30.05.2024
Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á (Vietnam - Asia DX Summit ) là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Năm 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”, sự kiện đã thu hút 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.
Là tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam với triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”, Viettel đã nhận thức được rõ tính tất yếu của phát triển bền vững. Chia sẻ trong phiên khai mạc của diễn đàn, đồng chí Lê Bá Tân, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn cho biết Viettel sẽ sớm công bố báo cáo Phát triển bền vững năm 2023 trong thời gian tới, thể hiện phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững cho thế hệ tương lai.
Tính riêng trong lĩnh vực khai thác hạ tầng mạng lưới, tổng điện năng tiêu thụ của tất cả các cơ sở của Viettel, bao gồm 324 toà nhà và toàn bộ hạ tầng mạng lưới dòng điện là 1,500 triệu Kwh, ước tính phát thải gần 1 triệu tấn CO2. Trước hiện trạng này, Viettel hiện đã có những giải pháp cụ thể về hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng mạng lưới và kế hoạch phát triển các thiết bị năng lượng xanh.
Theo đó, Viettel đang phát triển tuabin gió mini giúp tối ưu chi phí điện, giảm lượng khí thải Co2 cho các trạm viễn thông và nghiên cứu sản xuất pin dòng ô-xy hoá khử Vanadium (VRFB) sử dụng các nguyên liệu thô có khả năng tái chế, giúp hạn chế các tác hại đối với môi trường và lưu trữ các năng lượng lớn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Viettel cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về phát triển bền vững cho doanh nghiệp viễn thông, bao gồm các tiêu chí đánh giá, báo cáo và các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án phát triển bền vững và tuân thủ các quy định trên. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, ví dụ như Tiêu chuẩn GRI về Báo cáo phát triển bền vững, Nguyên tắc doanh nghiệp toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UN Global Compact),… nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội và nâng cao hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Ngoài bài tham luận trong phiên khai mạc, Viettel còn đóng góp 4 bài trình bày trong các hội thảo chuyên đề về xu hướng phát triển trung tâm dữ liệu trong tương lai, những thành tựu và định hướng phát triển công nghệ bán dẫn của Viettel, chiến lược của Tập đoàn trong việc triển khai thương mại điện tử ra thế giới và câu chuyện 5G thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
Những sáng kiến và giải pháp mà Viettel trình bày tại Diễn đàn Cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 không chỉ mang lại những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng. Vai trò tích cực của Viettel tại diễn đàn lần này là minh chứng rõ ràng cho thấy cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn trong việc phát triển kinh doanh song hành với nỗ lực gìn giữ môi trường sống cho tương lai mai sau.