Viettel kiến nghị Chính phủ tạo 'điểm tựa' để tiến ra quốc tế

Ngọc Anh (Văn phòng) đã đăng lúc 15:40 - 04.10.2024

Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. 

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đại diện Tập đoàn dự, phát biểu tại buổi gặp mặt. Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm của Viettel khi đầu tư quốc tế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy Viettel cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tiến ra nước ngoài.

img0403-1728016113676288720620

Đi đến đâu, Viettel cũng hướng tới tiên phong, dẫn dắt

Chủ tịch Tào Đức Thắng đã sơ lược hành trình đầu tư quốc tế của Viettel với Thủ tướng Chính phủ và hội nghị. Theo đó, Viettel từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, Viettel đã đầu tư ra nước ngoài. "Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh", Chủ tịch Tào Đức Thắng nói.

Đến nay sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế. Chủ tịch Tào Đức Thắng

Việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.

Tại các nước Viettel đầu tư, Viettel luôn hướng đến mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt thị trường. Trong lĩnh vực viễn thông, có 7/10 thị trường Viettel giữ vị trí số 1 về thị phần thuê bao; tăng trưởng của lĩnh vực viễn thông nước ngoài luôn duy trì ở mức 20% mặc dù nhiều giai đoạn phải đối diện với dịch bệnh, thiên tai, bất ổn chính trị tại một số nước.

Bên cạnh viễn thông, Viettel cũng mở rộng, đi vào chiều sâu như là đưa nền tảng số, những lĩnh vực mới để kinh doanh như thanh toán số tại châu Phi, Mozambique. những đóng góp ở đây rất lớn trong khi đầu tư rất nhỏ.

"Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để tạo ra các cán bộ chuyên môn, có kinh nghiệm, bản lĩnh, nhiệt huyết, tự tin không chỉ cho Viettel mà cho đất nước nói chung", Chủ tịch Tào Đức Thắng tham luận.

img0432-17280161135111698658001

Khát vọng đủ lớn - Tự tin đủ lớn - Tự hào đủ lớn

Với những thành tích đạt được, Viettel được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, coi là điển hình trong đầu tư quốc tế. Tại buổi gặp mặt các đại diện doanh nghiệp ngày 4/10, Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của Viettel khi đầu tư quốc tế.

Chủ tịch Tào Đức Thắng tin rằng doanh nghiệp phải có Khát vọng đủ lớn – Tự tin đủ lớn – Tự hào đủ lớn. Khi kinh doanh tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, ví dụ như trong lĩnh vực viễn thông, Viettel đang phải cạnh tranh với các nhà mạng hàng đầu thế giới như Orange, Vodafone, Telefonica, Airtel,… Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần có khát vọng, sự kiên trì và sự tự tin để vượt qua những rào cản, khó khăn, vướng mắc để thành công tại nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có khát vọng, sự kiên trì và sự tự tin để vượt qua những rào cản, khó khăn, vướng mắc để thành công tại nước ngoài. Chủ tịch Tào Đức Thắng

Tại các nước mà Viettel đến đầu tư, trước hết, Tập đoàn phải khảo sát, đánh giá kỹ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư; đồng thời tập trung nguồn lực để triển khai nhanh khi đã quyết định để tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Bên cạnh đó là đặt ưu tiên trong việc tạo dựng quan hệ với chính phủ nước bạn, gắn kết với chính quyền và nhân dân địa phương: Đối với một lĩnh vực đầu tư lớn như viễn thông, việc có quan hệ mật thiết với Chính phủ, chính quyền và người dân rất quan trọng để tạo thuận lợi trong suốt quá trình hoạt động lâu dài tại nước bạn.

Với các thị trường, Viettel chú trọng lựa chọn người đứng đầu thị trường vừa có chuyên môn, vừa tháo vát, bản lĩnh, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân sự người bản địa để gắn lợi ích của Công ty với lợi ích của đất nước, người dân địa phương.

Và yếu tố quan trọng khi đầu tư vào một quốc gia khác là kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, phụng sự người dân tại quốc gia đó. Tại các nước, Viettel luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, người dân nước sở tại như các dự án internet trường học, hỗ trợ chính phủ các nước phòng, chống dịch Covid-19,… Thông qua những chương trình xã hội, Viettel đã nhận được sự ủng hộ, yêu mến của Chính phủ, xã hội và người dân.

Các doanh nghiệp tiến ra quốc tế cần một "điểm tựa"

Gần 20 năm Viettel kinh doanh tại nước ngoài, bên cạnh những thành tựu đạt được là rất nhiều khó khăn, thách thức với Viettel. Chủ tịch Tào Đức Thắng dẫn một số thách thức như sự bất ổn chính trị ở một số quốc gia, sự khác biệt về văn hóa, cách làm, sự khác biệt về ngôn ngữ và việc không có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đi cùng để tạo thành hệ sinh thái dịch vụ và sức mạnh cộng hưởng

Để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này, Chủ tịch Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng 3 giải pháp:

1. Đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ/ngành nghiên cứu, xây dựng nghị quyết chuyên đề thúc đẩy chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, trong đó nêu rõ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như cơ chế mua bán, xác nhập thoái vốn tại nước ngoài, cơ chế đánh giá tổng thể hiệu quả các dự án đầu tư,…

2. Chính phủ hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trở thành các sếu đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển, đầu tư ra nước ngoài, tạo dựng được cộng đồng, hệ sinh thái dịch vụ để cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước lớn trên thế giới.

3. Tiếp tục nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng vào công tác ngoại giao kinh tế, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với các đối tác; đưa kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương và đa phương.

Thông qua công tác ngoại giao thời gian vừa qua của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các chuyến đi của Đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào, Campuchia; Đồng chí Thủ tướng Chính phủ thăm Campuchia; Đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân thăm Mozambique; Đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương thăm Tanzania,… cùng việc đón tiếp lãnh đạo cấp cao của các nước như Tổng thống Mozambique, Tổng thống Đông Timor,… nhiều khó khăn, vướng mắc của Viettel đã dần được tháo gỡ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển các lĩnh vực mới, thị trường mới cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Tào Đức Thắng đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại cấp cao với Chính phủ các nước Viettel đầu tư để hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhiều hơn nữa. "Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi trong một chương trình do VTV tổ chức, Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam. Chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có đại sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài", Chủ tịch Tào Đức Thắng kiến nghị.

img0431-1728010186996338829066

  • 519
  • 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn nhận thêm nhiều tin vui từ Viettel

  • 20812

Chủ tịch Tào Đức Thắng kiến nghị Thủ tướng thúc đẩy phủ sóng qua vệ tinh

  • 5271
  • 1

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm gian hàng Viettel tại CAEXPO 2024

  • 1605

PTGĐ Đào Xuân Vũ kiến nghị Thủ tướng 5 giải pháp tạo động lực về công nghệ

  • 2128

Phó Thủ tướng Campuchia: 'Metfone là dự án cực kỳ thành công'

  • 39062
  • 1

Hệ thống của Viettel khẳng định trí tuệ nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam

  • 52

Viettel kiến nghị Chính phủ tạo 'điểm tựa' để tiến ra quốc tế

  • 519

[TRỰC TIẾP] Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi toàn quân 2024

  • 10064
  • 11

20 năm Viettel Đắk Lắk: Niềm tự hào lớn nhất của Chi nhánh nghìn tỷ

  • 504
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua