Nguyễn Tiến Dũng (Công ty Viettel Tanzania) đã đăng lúc 19:28 - 04.11.2022
"Thép đã tôi thế đấy" là cuốn tiểu thuyết do Nicolai Ostrovsky (1904 - 1936 ) viết trong thời kỳ Stalin. Pavel Korchagin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời".
Ðó là đoạn văn miêu tả tâm trạng của Pavel trong nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka.
Pavel Korchagin là một thanh niên lớn lên trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như bao thanh niên Liên Xô khác, anh cũng có người bạn gái chơi thân, cô tên là Tonya và sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó, lý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng cộng sản. Anh trai Pavel cũng theo con đường này. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh và theo anh, không dám yêu một lý tưởng. Nhà Tonya lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel nói: "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng".
Pavel đã chia tay Tonya mà theo lý tưởng mình đã xác định. Anh hăng hái, hồ hởi cống hiến sức trẻ thanh niên của mình cho những công việc phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong thời gian xây dựng con đường sắt nhỏ nối khu rừng với thành phố, tình cờ Pavel đã gặp lại Tonya. Công việc ở đây rất cực nhọc, ngày đêm chịu đói rét, gian khổ để gấp rút hoàn thành cho kỳ được con đường sắt cho kịp trước khi mùa đông tới. Nếu không kịp thì tất cả mọi người trong thành phố này sẽ chết cóng vì không đủ gỗ để sưởi ấm. Do vậy, Tonya đã suýt không nhận ra anh vì trông anh đã hoàn toàn khác, rách rưới, tím tái vì giá lạnh, gầy gò như một người ăn xin và đang xúc tuyết, tuy có đôi mắt thì vẫn là Pavlusha ngày nào. Tuy nhiên, cô đã không dám bắt tay anh khi anh đưa tay ra và anh hiểu rằng, tình cảm cũ giữa hai người vĩnh viễn không còn nữa. Cô giờ đây đã có chồng và "sặc mùi băng phiến".
Pavel từ con nhà "mụ nấu bếp", nghịch ngợm, đầy tính tự phát, trong con mắt của con bé quý tộc hàng xóm là "du côn", đã trở thành một anh hùng trong nội chiến, anh hùng trong lao động, và thể hiện rõ là chân dung một con người thuộc về văn hóa tương lai. Cách mạng không chỉ tôi luyện chí anh hùng mà còn có khả năng hoàn thiện và mở rộng những tính cách, những khả năng tốt đẹp của con người. Cái nhìn của tư sản mới kỳ thị. Cái nhìn của vô sản mới thật sự cầu thị và bao dung. Pavel mê tít sách ở nhà Tonya, nhìn mẹ Tonya trong mối thiện cảm, dành nửa tháng lương để may áo xa-tanh mới và húi tóc, biết làm ngoại giao, giữ thể diện quốc gia khi gặp lại con bé nhà Lesinsky... là một khả năng cách mạng, khả năng tự cải biến mình nhưng không bao giờ xa rời nguyên tắc, xa rời lý tưởng sống cao đẹp.
Sau này, trong quá trình lao động và sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Pavel đã gặp Rita và được cô quý mến. Nhưng tình cảm giữa hai người chỉ giữ ở tình đồng chí... Về sau, có lúc Pavel bị bệnh sốt thương hàn và bị bại liệt, vôi hóa cột sống, phải ngồi xe lăn, có một y tá chăm sóc và động viên, dồn hết tình thương cho anh. Anh cảm thấy mình không được quyền lùi bước trước khó khăn, tin tưởng vào tình yêu mới và chuyển sang viết sách vẫn với ngọn lửa và chất thép đã được tôi luyện ngày nào.
CEO Halotel Nguyễn Tiến Dũng
Quan điểm và góc nhìn của tác giả:
Lý tưởng cao đẹp nhất - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, không chỉ bó hẹp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không chỉ là một sự lựa chọn của một cá nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất của nhân dân toàn thế giới. Sau cuộc đấu tranh chống áp bức là cuộc đấu tranh chống đói nghèo bệnh tật, chống sự kỳ thị, khủng bố..., cuộc đấu tranh để hoàn thiện bản thân và dân tộc. Chỉ khi đó từ "giải phóng" mới có một ý nghĩa thật sự. "Thép đã tôi thế đấy" không chỉ là khúc tráng ca về thế hệ đầu tiên của thanh niên Xô-viết, những con người đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh như Pavel, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev... mà là những vấn đề của hôm nay và của tương lai.
Bài học đúc kết và ánh xạ:
Chừng nào con người còn những khát vọng cao cả, chừng đó, "Thép đã tôi thế đấy" vẫn còn là kim chỉ nam cho chúng ta, thôi thúc chúng ta tiến lên, sống 1 cuộc sống có lý tưởng, có hoài bão lớn lao và đầy ý nghĩa.
“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình”.
Sự hy sinh và dấn thân, dám chấp nhận đương đầu thử thách cũng rất tương đồng với văn hóa và cách làm của Viettel.
“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”.