Tư duy phản biện/đa chiều có nên được bổ sung như một yếu tố cốt lõi trong Văn hóa số của Viettel?
Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng
Cảm ơn bạn Nguyễn Văn Hậu đã gửi câu hỏi và quan tâm đến văn hóa và các giá trị cốt lõi của Viettel.
Theo National Council for Excellence in Critical Thinking, (1987), Tư duy phản biện là quá trình phát triển tư duy thông qua việc rèn luyện một cách có kỷ luật. Từ đó hình thành những khái niệm, đánh giá, phân tích để định hướng cho các hành động và niềm tin của cá nhân.
Theo Paul, R. and Elder, L. (2007): Tư duy phản biện là nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải tiến nó.
Về bản chất, tư duy phản biện đòi hỏi chúng ta phải kích hoạt khả năng quan sát, tìm tòi, phân tích, và đánh giá. Những người có tư duy phản biện sẽ xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống thay vì bằng trực giác hay bản năng năng của mình. Bên cạnh đó tư duy tốt sẽ giúp đa dạng góc nhìn và thúc đẩy sự sáng tạo.
Đối chiếu với Bộ giá trị cốt lõi của Tập đoàn thì tư duy phản biện/ đa chiều (Critical Thinking) tuy chưa được phát biểu thành một giá trị riêng nhưng một số các giả trị cốt lõi khác của Viettel cũng đã bao hàm và thúc đẩy tư duy phản biện cho người Viettel cụ thể:
Người có tư duy phản biện sẽ giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, thì tại Viettel quan điểm của chúng ta môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, tư duy hệ thống là nghệ thuật để đơn giản hóa cái phức tạp. Tại Viettel chúng ta luôn yêu cầu phải xây dựng hệ thống lý luận cho các chiến lược, giải pháp, bước đi và phương châm hành động của mình. Người Viettel phải hiểu tường tận đến gốc của vấn đề. Trong làm việc luôn vận dụng qui trình 5 bước để giải quyết vấn đề: Chỉ ra vấn đề → Tìm nguyên nhân → Tìm giải pháp → Tổ chức thực hiện → Kiểm tra và đánh giá thực hiện. Với giá trị “Kết hợp Đông – Tây” Tập đoàn định hướng CBNV phải luôn nhìn thấy 2 mặt của một vấn đề. CBNV vừa kết hợp tư duy trực quan vừa kết hợp tư duy phân tích và hệ thống trong xử lý công việc. Điều này giúp chúng ta đa dạng góc nhìn và giải quyết vấn đề có logic thay vì giải quyết theo bản năng hay trực giác . Bên cạnh đó, Tập đoàn đề cao sự sáng tạo để thúc đẩy CBNV luôn tìm tòi, nghĩ khác, làm khác điều này giúp kích hoạt khả năng quan sát tìm tòi, phân tích của người Viettel giúp đưa ra các giải pháp thiết thực quá trình này cũng thúc đẩy tư duy phản biện cho người Viettel
Năm 2020 Tâp đoàn tuyên bố văn hóa số (ICADO) với mục tiêu tạo ra môi trường số trong toàn Vietel thúc đẩy đạt mục tiêu “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, các đặc tính của văn hóa số gồm: Đổi mới/ Hướng khách hàng/ Văn hóa mở và hợp tác/ Quyết định dựa trên dữ liệu/ Linh hoạt.
Giá trị “Tư duy hệ thống’ ánh xạ và nằm trong đặc tính “Văn hóa mở và Hợp tác”, giá trị “Kết hợp Đông –Tây” ánh xạ vào đặc tính “Quyết định dựa trên dữ liệu”, giá trị “Sáng tạo” ánh xạ vào đặc tính “Đổi mới”của văn hóa số. Như vậy các giá trị văn hóa cốt lõi của Viettel đều được bảo lưu và ánh xạ vào văn hóa số, điều này cũng bao hàm tư duy phản biện cũng đã có trong văn hóa số Viettel nhưng chưa được phát biểu thành một giá trị riêng.
Việc đưa thêm giá trị vào bộ giá trị văn hóa cần phải tính toán rất kỹ lưỡng để đảm bảo bộ giá trị văn hóa có tính kế thừa, nhất quán và phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn. Chúng tôi ghi nhận đề xuất của bạn Nguyễn Văn Hậu để khi phân tích phát triển văn hóa Tập đoàn sẽ đưa “Tư duy phản biện” vào đánh giá về tính cần thiết trở thành một giá trị riêng hay ánh xạ ở các giá trị cốt lõi khác.
Trân trọng.