Ứng dụng quản lý việc học và chơi của trẻ em trên các thiết bị điện tử
Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel
Kính gửi đồng chí!
TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel cảm ơn đồng chí đã đóng góp ý tưởng cho sản phẩm, liên quan tới nội dung đồng chí phản ánh, TT Giải pháp Giáo dục số, TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel trả lời như sau:
Ý tưởng của đồng chí gồm 2 nhu cầu: Quản lý học sinh chơi trò chơi điện tử và buộc học sinh phải hoàn thành việc học tập trước khi chơi.
Do các ứng dụng trò chơi được phát triển bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau, để chặn được người chơi điện tử đã được tải về máy tính, ứng dụng quản lý chặn này phải tích hợp kết nối được với các trò chơi của các nhà cung cấp trò chơi điện tử thì mới đóng hoặc cho phép người chơi có quyền sử dụng hay không. Vì vậy, ý tưởng của bạn không có thể thực hiện được trên thực tế.
Để chặn không cho tải trò chơi điện tử, phụ huynh có thể đăng ký sử dụng các ứng dụng quản lý tải ứng dụng trò chơi và các web gây hại để quản lý con em mình. Viettel có cung cấp ứng dụng Safenet để cung cấp dịch vụ này. Người dùng có thể chủ động mở hay chặn bất cứ nội dung nào theo danh sách được liệt kê sẵn hoặc phụ huynh có thể tùy chọn các nội dung phù hợp để quản lý con cái truy cập mạng internet. Ứng dụng này đã được Viettel phát triển và cung cấp bởi Viettel Telecom, có tính năng giám sát truy cập qua SMS, email, cài đặt các ngoại lệ chặn hay mở web và thiết lập lịch chặn/mở tất cả web đen, bạo lực, hẹn hò, cá độ, truyện tranh, quảng cáo, game online, phim, web chat, mã độc. Do phần mềm sử dụng công nghệ điện toán đám mây tự động cập nhật danh sách theo các mục đã kể trên theo thời gian thực nên các phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm giám sát việc con mình truy cập trò chơi điện tử.
Để trẻ em phải hoàn thành nhiệm vụ học tập trước khi chơi các trò chơi thì các phần trò chơi này thường là một phần của kịch bản học tập online trên cùng 1 ứng dụng quản lý học tập gọi là game hoá các bài giảng. Các ứng dụng hiện nay trên thị trường chủ yếu game hoá các nội dung về học tập ngôn ngữ và các khoá học kỹ năng, các môn Toán, tiếng Anh thuộc lĩnh vực kinh doanh nội dung gồm cả các đơn vị cung cấp nước ngoài (Như Duolingo, Cousera, Google Translate ..) và các Edtech trong nước (Topica, Hocmai, Edupia, Monkey Junior, VuiHoc...). Để xây dựng được nội dung số, các Edtech lớn ở VN phải xây dựng bộ máy chuyên môn như 1 trường học offline để sản xuất nội dung hoặc dạy trực tuyến. Ví dụ: Học Mãi xuất thân là trung tâm dạy thêm offline sau đó phát triển lên kênh online và hình thành nền tảng; Topica, Edupia, Kyna duy trì lực lượng giáo viên dạy kèm là chủ yếu app chỉ mang tính bổ trợ học tập (Topica duy trì hơn 1.000 giáo viên, Edupia hơn 200 giáo viên, Kyna hơn 400 giáo viên).
Trong chiến lược về sản phẩm đã được phê duyệt, thế mạnh của Viettel là triển khai các ứng dụng quản lý về dạy và học trong ngành giáo dục (theo mô hình triển khai các nền tảng tảng từ trên xuống theo mô hình và nguyên tắc quản lý chung thống nhất trên toàn quốc), thực hiện hợp tác với các nhà cung cấp nội dung và triển khai combo cùng với ứng dụng quản lý chứ không tự sản xuất các ứng dụng về nội dung. Ứng dụng quản lý dạy và học của Viettel hiện đã có phát triển các tính năng để các thầy cô tự tổ chức kịch bản sư phạm của mình, kết hợp với các nội dung của các nhà cung cấp hoặc tự thiết kết bài giảng có các trò chơi để giúp học sinh nhanh hiểu bài, nhớ bài lâu, thích học và hứng thú học tập.
Rất mong đồng chí tiếp tục đóng góp ý tưởng để sản phẩm của Viettel ngày càng tốt hơn.
Trân trọng!