Chuyến đi khó quên đến với đồng bào mang họ Bác Hồ

Hải Châu (Viettel Thừa Thiên Huế) đã đăng lúc 11:12 - 27.10.2024

Điều mà chúng tôi vô cùng cảm động khi bước chân vào những ngôi nhà đơn sơ tại xã Hồng Vân, đó là hình ảnh Bác Hồ luôn luôn hiện diện trong cuộc sống người dân nơi đây.

Tạm biệt thành phố Huế vào buổi sáng tiết trời mùa thu mát dịu của năm 2013, tôi cùng đoàn công tác của Chi nhánh Viettel Huế di chuyển đến với huyện A Lưới. Dọc theo đường quốc lộ 49, hành trình của chúng tôi là chặng đường dài hơn 80 km với đường đồi núi quanh co, hiểm trở xen giữa những cánh rừng thông, rừng keo bạt ngàn.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại vùng đất A Lưới, một huyện miền núi giáp biên (tỉnh Salavan và Sê kông của nước bạn Lào), phía Nam giáp với huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), phía Bắc giáp với huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị).

Với tổng diện tích là 1.700m2, A Lưới có đến 91 km đường vành đai biên giới, 11.120 hộ dân. 21 xã, thị trấn của huyện đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tại đây có 5 dân tộc Pa kô, Cà Tu, Tà ôi, Kinh, Pa Hi.

Một tấm ảnh kỷ niệm của tôi khi tham gia cùng đoàn công tác Viettel Huế thực tế tại huyện A Lưới năm 2013.

Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn tổ chức tiếp xúc với từng hộ dân, cùng với bà con thực hiện làm cùng để nắm rõ tình hình sản xuất, cuộc sống, phong tục tập quán của bà con nơi đây, đồng thời trao tặng máy tính đến ủy ban xã, tặng máy điện thoại cho bà con thuộc hộ nghèo trên địa bàn.

Điểm đặt chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là tại Đồn biên phòng xã Hồng Vân, cách thị trấn huyện A lưới hơn 10km. Đón tiếp chúng tôi là các anh trong ban chỉ huy đồn, đặc biệt là sự nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn của anh Lê Xuân Thanh - chính trị viên Đồn biên phòng xã Hồng Vân.

Điểm đến thứ hai là trụ sở UBND xã Hồng Vân, một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện. Cách thị trấn khoảng 15km, gồm có 6 thôn với 3.094 dân tương đương với 747 hộ với diện tích 45,04 km2. Đón tiếp đoàn chúng tôi là anh Hồ Xuân Vinh - Chủ tịch xã cùng với các đồng chí bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, bí thư xã đoàn… Với sự niềm nở, nhiệt tình của các anh chị, khoảng 30 phút gặp gỡ, trao đổi, chúng tôi đã có thêm những thông tin cần thiết cho chuyến công tác tại đây. Theo lịch trình chúng tôi sẽ tiếp cận với bà con tại thôn Ka cú 1 và thôn Ka cú 2.

Hình ảnh Viettel Huế cùng các trưởng thôn nắm tình hình thực tế tại các hộ gia đình tại xã Hồng Vân.

Theo bước chân bác bí thư chi bộ, trưởng thôn, men theo con đường bê tông nhỏ, với những bãi đất rộng, những sườn đồi, những ngôi nhà xây lên từ đất nung trắng, chúng tôi đến với từng hộ gia đình tại 2 thôn này.

Hình ảnh đồng chí Phạm Văn Tám, nguyên PGĐ Viettel Huế cùng các trưởng thôn nắm tình hình thực tế tại địa bàn xã Hồng Vân

Gặp gỡ, tiếp xúc với bà con  nơi đây, chúng tôi cảm nhận cuộc sống bình dị nơi họ, bình dị từ cách ăn nói, cách sống và cả suy nghĩ,... với cuộc sống nghèo và thiếu thốn. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, đặc biệt là hệ thống điện, nước chưa đến với nơi này, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ ao, hồ, suối.

Chúng tôi cùng với các trưởng thôn nắm tình hình thực tế tại các hộ gia đình thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới.

Trình độ học vấn của người dân hạn chế vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, có những gia đình có đến 8 đến 9 đứa con, chỉ học đến lớp 2, lớp 3 là nghỉ học, thậm chí là không biết cái chữ, không biết trường lớp là gì. Một lý do đơn giản là không có tiền mua sách vở và xem việc đó chưa cần thiết bằng việc làm nương rẫy, đi rừng để kiếm sống qua ngày. Để trải nghiệm thực tiễn, chúng tôi tiếp tục trải qua đoạn đường hơn 10 km để đến rẫy cùng bà con.

Chúng tôi tìm đến nương rẫy tiếp xúc, tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của bà con xã Hồng Vân.

Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những người mẹ, người bà đèo con, cháu trên lưng cặm cụi làm cỏ, hái bắp trên mảnh đất đồi núi khô cằn, rồi đến các anh thanh niên cuốc đất, chặt củi khô,… và điều ngạc nhiên là những em bé nhỏ khoảng 5 - 6 tuổi cũng tham gia làm cùng, đi nhặt củi mang về nhà bằng những chiếc gùi trên lưng với một đoạn đường dài đi bộ.

Hình ảnh các em nhỏ cùng mẹ đi kiế củi hàng ngày

Cái nghèo, cái khổ đã bao trùm lên vùng đất này, trên cao là một bầu trời với màu xanh thẳm nhưng đối diện với một màu xanh thẳm đó là một vùng đất bạc trắng nhiễm chất độc điôxin,… chứa đựng những tâm hồn mong mỏi được thoát khỏi cái nghèo.

Hình ảnh các em nhỏ với ánh mắt vui tươi, hồn nhiên.

Điều mà chúng tôi vô cùng cảm động khi bước chân vào những ngôi nhà đơn sơ tại xã Hồng Vân, đó là hình ảnh Bác Hồ luôn luôn hiện diện trong cuộc sống người dân. Có câu hát “Dân tộc Pakô, con cháu Bác Hồ”, tất cả mọi người dân ở đây khi hỏi đến tên mình đều mang một dòng họ duy nhất đó là họ Hồ. Mặc dù cuộc sống nghèo đói, vất vả nhưng tất cả người dân ở đây đều xem nhau như anh em một nhà và cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, nghèo khổ.

Về với nhà văn hoá thôn, chúng tôi phối hợp với Đồn biên phòng, UBND xã tuyên truyền luật biên giới, luật bảo vệ rừng cho bà con tại thôn Ka cú 1 và thôn Ka cú 2. Trong căn phòng hội trường chật hẹp, chỉ có một bóng điện mờ nhưng thật rộn rã bởi sự hồ hởi, tích cực của người dân. Đồng chí Lê Xuân Thanh, chính trị viên của đồn đã truyền thông, phổ biến pháp luật cho bà con. Những ánh mắt chăm chú của các cụ già, nghịch ngợm của các bạn thanh niên, vẻ e thẹn của các cô gái, sự ngơ ngác của các em nhỏ… Một cảm giác thật vui và đầy ý nghĩa.

Hình ảnh Viettel Huế phối hợp với cán bộ Đồn biên phòng tuyên truyền phổ biến luật cho người dân tại nhà văn hóa thôn.

Lồng ghép vào nội dung này, chúng tôi cũng đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của Viettel, đồng thời lắng nghe, trao đổi, ghi nhận những ý kiến đóng góp phản ánh, nguyện vọng của bà con trong quá trình sử dụng.

Các nân viên Viettel Huế tư vấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng điện thoại di động.

Buổi sáng trên vùng cao A Lưới thật là thích, không khí trong lành, tiết trời se lạnh, mọi người cứ bảo ở A Lưới mà như ở Đà Lạt vậy. Một đặc điểm sinh hoạt của bà con nơi đây là họp chợ từ lúc 4 giờ sáng, đây là nơi trao đổi, mua bán các sản phẩm hái, trồng của bà con tại nương rẫy, rừng, suối như mớ rau, buồng chuối hay cá suối, gà rừng,… Chúng tôi cũng tranh thủ dậy sớm tiếp cận để tìm hiểu thêm về nội dung này và cũng tranh thủ mua những sản phẩm tự nhiên mà ở thành phố không có.

Hình ảnh họp chợ của bà con huyện A Lưới từ sáng sớm

Qua 2 ngày thực tế, tiếp cận với bà con, chúng tôi về lại trụ sở UBND xã mà trong lòng cảm thấy thổn thức, chứa chan một nỗi niềm. Gặp lại anh Hồ Xuân Vinh, Chủ tịch xã và cô giáo hiệu trưởng trường mầm non xã Hồng Vân, đoàn công tác trao tặng món quà là 2 bộ máy tính để bàn với mong muốn hỗ trợ phương tiện làm việc cho xã trong việc sử dụng, tiếp cận CNTT tại đơn vị.

Tại đây, đoàn công tác cũng đã thực hiện trao tặng những chiếc máy điện thoại cho các hộ nghèo với mong muốn người dân miền núi thoát khỏi sự cô lập về thông tin. Qua chiếc điện thoại, bà con có thể kết nối với người thân, với thế giới bên ngoài, học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh mới và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản hiện có, giúp họ cải thiện đời sống và thoát khỏi đói nghèo.

Đồng chí Hoàng Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Chi nhánh Viettel Huế trao tặng máy tính để bàn cho Ủy ban và trường mẫu giáo xã Hồng Vân

Nhờ những nỗ lực của Viettel, người dân miền núi đã từng bước thoát khỏi sự cô lập về thông tin, nâng cao nhận thức và tìm được cơ hội thoát nghèo thông qua công nghệ. Điều này cũng thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh của Viettel trong việc mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Những thành viên Viettel Huế quây quần bên bà con của xã Hồng Vân trước khi về lại đơn vị

Tạm chia tay với xã Hồng Vân với những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt như muốn nhắn gửi điều gì, chúng tôi trở về đơn vị công tác với sự cảm nhận tình người thật ấm áp, sự khó khăn, nghèo khổ của vùng đất này, mong sẽ sớm xoá được cái nghèo, nhà cửa tạm bợ, bảo đảm nhu cầu học hành cho con em, đưa điện lưới, nước sạch, phương tiện thông tin liên lạc về đến tận hộ gia đình.

Mong Viettel của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp tục là lá cờ đầu trong ngành viễn thông, không ngừng đổi mới, sáng tạo để mang đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và đất nước.

  • 85
  • 4

Tốc độ thực tế của 5G và 4G khác nhau thế nào?

  • 892

VAM cùng lúc nhận 2 chứng chỉ khắt khe nhất về Data Center

  • 2051

Chủ tịch Tập đoàn: 'Viettel Mobile chính là biểu tượng của tinh thần Viettel'

  • 7723

Viettel giúp 'chàng trai chăn bò' mua đất, xây nhà như thế nào?

  • 372

Người Viettel học 'làm di động'

  • 669

Lằn ranh đỏ mong manh và những lần đặt cược của Viettel Mobile

  • 406

Viettel Hà Giang và 20 năm biến giấc mơ thành sự thật nơi địa đầu Tổ quốc

  • 2003
  • 10

Chuyến đi khó quên đến với đồng bào mang họ Bác Hồ

  • 85

Khí chất Viettel và khát vọng xây dựng mạng di động số 1 Việt Nam

  • 324

Cảm ơn những ngày đầu chập chững ở Viettel Mobile

  • 264

Ngày đầu làm di động Viettel trên đất lửa Quảng Trị

  • 1290
  • 4
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua