Cách đồng hành cùng con thi vào 10 chỉ có ở bố mẹ Viettel

Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:45 - 14.07.2024

Kì thi vào lớp 10 là một dấu mốc quan trọng với sĩ tử và với cả gia đình. Nhiều CBNV đã ánh xạ chính cách làm của người Viettel trong quá trình cùng con ôn luyện trước ngưỡng cửa cấp 3.

Hai mặt của áp lực học tập

Anh Hà Đình Sơn công tác tại TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, có con trai vừa tham dự kỳ thi vào lớp 10 chia sẻ: “Năm nay mỗi trường lại hình thức xét tuyển, thi tuyển khác nhau, bố mẹ còn phải tìm hiểu kĩ hơn cả con để có sự tư vấn sát nhất, vừa phù hợp với mong muốn của con, vừa phù hợp với tình hình thi tuyển hiện tại”.

“Lớp 9 là lứa tuổi rất nhạy cảm, đang trong giai đoạn khẳng định là người lớn. Việc áp lực học tập trong thời gian thi vào lớp 10 là điều bắt buộc đối với các bạn sinh năm 2009, nhưng áp lực quá cũng dễ khiến tâm lý con không được ổn định, sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi”, anh Hà Đình Sơn khẳng định.

Theo anh Sơn, một mặt, anh động viên con dành nhiều thời gian để ôn tập, cho con đi học thêm ở những thầy cô tốt trong khu vực để củng cố kiến thức khiến lịch học của con dày đặc kín cả tuần. Một mặt khác anh cố gắng tạo tâm lý thoải mái cho con, đưa con đi chơi vào những khoảng thời gian trống.

Ngoài việc cho con thi vào lớp 10 theo lộ trình, anh Sơn còn đăng ký thêm cho con một trường tư với khả năng đỗ dễ dàng hơn và có kết quả đỗ trước kỳ thi chính thức. Bằng cách này, anh giúp con giảm áp lực trong quá trình thi, có thể làm hết sức mình mà không lo lắng về việc đỗ hay trượt cấp 3.

snapedit_1720522708751
Anh Hà Đình Sơn áp dụng việc nhìn nhận 2 mặt vấn đề của giá trị "Kết hợp Đông - Tây" để tạo trạng thái cân bằng cho con

Được biết, cách kết hợp này được anh áp dụng từ chính văn hoá của Viettel. ở Viettel, anh Sơn kết hợp giữa Đông và Tây, giữa tư duy logic và tư duy tình cảm. Với chuyện học tập của con, anh kết hợp để con được ôn kiến thức kĩ càng để có điều kiện tốt về lý tính và giữ cho tâm lý con thoải mái để có điều kiện tốt về tinh thần. Và phương pháp kết hợp của anh đã mang lại kết quả tốt cho Hà Nguyên Khôi, giúp con đỗ vào nguyện vọng 1. 

Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá

Ngày công bố điểm chuẩn, bạn Đậu Hải Nguyên, con trai chị Nguyễn Thị Kim Anh ở TCT Mạng lưới Viettel thừa 4 điểm đỗ vào trường THPT Phan Chu Trinh. Ngoài các trường chuyên, đây là trường có điểm chuẩn cao nhất của Thành phố Đà Nẵng.

Song, không mấy ai biết ban đầu Hải Nguyên nhất định không chịu lựa chọn trường này do lo sợ trường điểm sẽ có áp lực lớn về học tập. Nhưng nhớ lại về cách người Viettel trưởng thành qua thách thức, chị Kim Anh đã khuyên nhủ, động viên con đăng ký vào trường điểm. Chị phân tích cho con hiểu lợi ích của trường điểm như: thầy cô dạy giỏi, bạn bè siêng năng, công tác tổ chức tốt,...

“Đồng hành cùng con từ bé đến giờ, tôi hiểu năng lực con có thể bứt phá hơn nữa khi đặt mục tiêu đúng. Tôi không ép con, nhưng sẽ định hướng, phân tích để con hiểu. Từ khi đặt toàn bộ quyết tâm phải vào được trường Phan Chu Trinh, bạn tự đặt ra kế hoạch ôn luyện cho mình. Kết quả còn vượt ngoài mục tiêu khi bạn thừa đến 4 điểm”, chị Kim Anh bật mí về cách đồng hành cùng con trong kì thi vừa qua.

bn3
Chị Kim Anh tạo động lực cho con trai bằng giá trị "Trưởng thành qua thách thức và thất bại" của người Viettel

Là con của một người Viettel, Hải Nguyên đã học được cách tự lập từ sớm và vốn siêng năng trong học tập. Nhưng chỉ khi được mẹ tiếp thêm tinh thần để mạnh dạn đăng ký trường giỏi, bạn mới vượt ra khỏi vùng an toàn và đạt được điểm số ngoài mong đợi.

Kiên định theo đuổi ước mơ và làm đến cùng

Bạn Lương Gia Cát Tiên, con gái chị Nguyễn Thị Lan Anh công tác tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel lại có một kỳ thi chuyển cấp rất khác với các bạn đồng trang lứa. Ngoài việc tham gia thi vào cấp 3, Cát Tiên đã chuẩn bị cho kỳ thi năng khiếu riêng biệt với ngành Thiết kế thời trang của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

“Chỉ cần con thích gì, phù hợp với điều gì, gia đình đều sẵn sàng đầu tư cho con theo. Quan trọng nhất là truyền cho con tinh thần đã làm, phải làm đến tận cùng. Trong công việc tại Viettel, tôi được truyền cảm hứng để làm đến cùng và tôi mong con gái tôi cũng có được phẩm chất này", chị Lan Anh kể về sự ủng hộ của gia đình.

bn4
Ủng hộ con "làm đến cùng" là cách chị Lan Anh truyền cho con "Truyền thống và cách làm của người lính"

Theo chị Lan Anh, Cát Tiên theo học mỹ thuật chuyên nghiệp từ 2 năm trước để chuẩn bị cho kỳ thi. Cả gia đình và Cát Tiên đều xác định kỳ thi này là quan trọng nhất với Cát Tiên và sẽ theo đến cùng. Cát Tiên gần như đã dành toàn bộ công sức cho kỳ thi năng khiếu.

Hôm đi thi vòng thi Bố cục, bạn bị rơi mất que đo tỉ lệ - thứ rất cần thiết cho bài dự thi. Chuẩn bị vào thi, bạn cuống quýt lên vì không tìm thấy món đồ quan trọng. Nhưng chị Lan Anh động viên con bình tĩnh vào thi, còn chị đi mua lại dụng cụ mang đến cho con hoàn thiện bài. Đó là cách chị Lan Anh ủng hộ đến cùng cho ước mơ của con và tạo mọi điều kiện để con làm đến cùng với bài thi của mình. Cũng nhờ đó các phần thi đều trọn vẹn và Cát Tiên trúng tuyển.

“Tôi rất tập trung vào mong muốn, đam mê của con và sẵn sàng định hướng, hỗ trợ con. Tôi không nói những từ ngữ quá xa xôi với con như “truyền thống người lính", tôi chỉ động viên con hãy làm đến cùng, hãy thỏa sức với đam mê của con. Nhưng đó cũng là cách những phẩm chất tốt đẹp của người lính ngấm vào trong, trở thành phẩm chất của riêng con", mẹ Cát Tiên quả quyết. 

Nhìn vào thực tiễn để có phương pháp phù hợp

Anh Cao Hoàng Tấn đang làm việc tại TCT Sản xuất Thiết bị Viettel thường xuyên dành thời gian sau giờ làm cho con trai lớp 9 của mình. Nhưng nhiệm vụ “trở thành thầy giáo riêng của con” chỉ được anh đưa ra sau khi xem xét lại tình hình học tập và tính cách đặc biệt của con.

Theo anh Cao Hoàng Tấn, biết rằng việc ôn tập các môn học để thi lớp 10 là vô cùng quan trọng, anh xin cho con vào các lớp học thêm của thầy cô giỏi. Sau khi đánh giá qua về Cao Đức Mạnh - con trai anh, các thầy cô đều khẳng định bạn không phải trường hợp cá biệt, không quá nghịch ngợm, nên chỉ cần theo lớp một thời gian sẽ học khá hơn.

Tuy vậy, sau vào lần thay đổi lớp học thêm, tình hình học tập của bạn vẫn không khả quan, những thầy cô giáo ban đầu có niềm tin, đến giờ đều bó tay với bạn.

“Theo lý thuyết, theo các trường hợp học sinh thông thường, chỉ cần theo lớp của thầy cô một thời gian là sẽ vào được guồng học tập. Nhưng là người Viettel, tôi biết hiện thực có thể không hoàn toàn giống với lý thuyết. Có thể con trai tôi là trường hợp đặc biệt nên tôi đã dành thời gian quan sát cách học tập của cháu", anh Tấn cho biết.

Dần dần, anh nhận ra bạn Cao Đức Mạnh nhà anh có tính không tập trung. Mỗi lần ngồi học tuy bạn không chống đối trực tiếp nhưng lại chẳng để tâm vào kiến thức. Thầy cô giáo ở trên lớp lại không thể sát sao với mình bạn. Đó là lý do điểm số của bạn không thể cải thiện.

bn2
"Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý" đã được chứng minh với trường hợp của bạn Cao Đức Mạnh

Anh Tấn hiểu nên mỗi ngày sau khi đi làm về, anh lại dành thời gian cho con. Hai bố con ngồi lại kiểm tra bài như thầy ngồi kiểm tra trò. Không ít lần con không tập trung khiến anh Tấn tức giận. Nhưng cả hai đều phải tự kiềm chế lại, cùng “vật lộn”, “hợp tác" để con trai hiểu bài. Dần dần, Mạnh thích nghi với phương pháp học tập của bố, kết quả học cải thiện rõ.

Anh Tấn bộc bạch: “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý mà. Đôi khi thứ được cho là đúng lại không áp dụng được với trường hợp của riêng mình. May mà tôi phát hiện sớm và kịp thời thay đổi phương pháp, cũng vì thế con đỗ được trường con mong muốn".

Sức mạnh của việc thích ứng nhanh

Cả Văn phòng Công ty Giao thông số Việt Nam, ai cũng biết bạn Nguyễn Vũ Tuấn, con trai chị Vũ Thị Phương Thảo mới đỗ vào cả 3 trường chuyên Khoa học Tự nhiên, Chuyên Sư phạm và Chu Văn An, đạt giải Nhì môn Toán cấp Quận và giải ba môn Toán cấp Thành phố. Ai cũng khen con chị Thảo tài giỏi, chăm chỉ nhưng không ai biết đó là cả một quá trình phấn đấu miệt mài.

“Tôi không dám nghĩ có ngày con tôi lại đỗ cả 3 trường Chuyên Top đầu của Hà Nội. Ngày nhận báo điểm của trường đầu tiên là chuyên Khoa học Tự nhiên, tôi đã khóc vì hạnh phúc”, chị Thảo chia sẻ.

Theo chị Thảo, năm Tuấn học lớp 6, Covid-19 nổ ra, Tuấn cũng lơ đãng chuyện học hành từ đây và tụt xuống nằm trong top 10 học sinh cuối của lớp cho đến tận hết năm lớp 7. Đến năm lớp 8, Tuấn đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Olympic cấp Trường. Bạn tìm thấy có cảm hứng với môn Toán và mong muốn học chuyên Toán. Chị Thảo mừng như “bắt được vàng”, cố gắng xin cho con vào lớp học thêm Toán phù hợp. Mới đầu, điểm thi đầu vào của Tuấn không đạt, cô quản lý lớp đã thẳng thừng từ chối không nhận Tuấn vào lớp.

“Năn nỉ xin cho con được vào lớp học, nhưng tôi vẫn rất hoang mang vì sợ con không theo được lớp. Tôi chỉ biết động viên con rằng đây là lớp tốt nhất, con theo được lớp thì hoàn toàn có thể đỗ các trường chuyên, con cố gắng thích ứng sẽ có kết quả tốt”, chị Thảo nhớ lại.

Tham gia lớp học toàn “cao thủ” chuyên Toán, nhiều bài khó Tuấn không tìm ra cách giải. Tuấn đã tự mình lên mạng tra những bài làm tương tự để ứng dụng. Khi không tìm thấy bài giải trên mạng, Tuấn xin mẹ cho mượn điện thoại để hỏi những người bạn của mẹ trước đây học chuyên Toán. Do Tuấn ham học, các chú đều rất nhiệt tình giảng giải để Tuấn hiểu bài. Bằng cách này, Tuấn dần tự lấp đầy những kiến thức bị hổng và bắt kịp với lớp.

Chị Thảo nhấn mạnh: “Tôi biết việc vào lớp luyện chuyên Toán là một thách thức lớn đối với con. Nhưng để có khả năng cạnh tranh vào các trường chuyên, theo được với lớp, thích ứng với những bài toán khó, thích ứng với cường độ học cao là điều con bắt buộc phải vượt qua. Bản thân Tuấn hiểu điều đó và con đã làm được".

bn5
Sự động viên của chị Phương Thảo đã giúp Tuấn thích ứng với điều kiện mới và đạt kết quả đầy bất ngờ

Chồng chị là người thắc mắc đầu tiên vì sao chị cho con đi học nhiều như vậy. Tuấn cũng trách mẹ vì để bạn phải học nhiều. Nhưng chị Thảo vẫn âm thầm giữ đúng giá trị “Thích ứng nhanh và sức mạnh cạnh tranh" mà chị luôn tâm đắc, và giữ đúng mục tiêu hai mẹ con đã đặt ra - làm sao để thích ứng với những bài toán khó, đỗ chuyên Toán các trường Top đầu Hà Nội.

Sau khi đỗ rồi Tuấn mới bảo mẹ: “Thực ra trước đây con trách mẹ vì để con học nhiều. Nhưng bây giờ con mới thấy như thế là đúng mẹ ạ! Nếu mẹ buông con ra thì con không biết bây giờ con đang đi đâu về đâu”.

Sự thật đã chứng minh, văn hoá Viettel không chỉ phù hợp với những con người làm việc tại Viettel, được ứng dụng trong môi trường Viettel mà đã đi xa hơn thế nhờ những ý nghĩa mà chúng đem lại. Những giá trị ấy đã trở thành một phần trong mã gene của người Viettel, được người Viettel giữ gìn, nuôi dưỡng và truyền tới thế hệ con của mình.

Với kỳ thi vào lớp 10 vừa qua cũng vậy, mỗi giá trị, được vận dụng trong mỗi gia đình, áp dụng với mỗi bạn nhỏ theo tính cách riêng, sở trường riêng nhưng đều mang lại kết quả xứng đáng. Trong những thời khắc quan trọng, cách làm, cách nghĩ khác biệt của người Viettel đã giúp họ và gia đình nhỏ đạt được thành công của riêng mình.

  • 1117
  • 4
  • 1

Người Viettel làm gì với 60 phút đặc biệt của Ngày Gia đình?

  • 1196

'Đông - Tây' qua ví dụ độc đáo của Phó TGĐ VDS

  • 3108
  • 1

Nữ cụm trưởng 20 năm gắn bó Viettel: 'Càng làm, càng có'

  • 2423
  • 24

'Ở VHT, ai cũng có thể là người truyền lửa'

  • 2019
  • 1

Thế nào là người nhập cư, thợ thủ công và nhà đổi mới?

  • 3574
  • 1

'Thất bại' có ý nghĩa thế nào với người Viettel?

  • 3880

Tết của gia đình Viettel nhỏ trong ngôi nhà Viettel lớn

  • 2325
  • 1

Tôi, một người Viettel không sợ thay đổi

  • 48

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 827

Thước phim xúc động về người lính Viettel trong dự án quốc gia

  • 1319

Biết ơn người đi trước theo cách của Viettel

  • 908
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua