'Đứa con' của những người trẻ Viettel càng làm càng hăng

Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:39 - 30.07.2024

Tại lễ trao giải Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24, có một nhóm tác giả “trẻ đến bất ngờ" lên nhận giải Nhì với nền tảng quản lý phân tích video thông minh toàn trình đầu tiên tại Viettel - VAS.

Nhớ lại về giây phút nhận giải thưởng, anh Thân Văn Quang, Kỹ sư trí tuệ nhân tạo của TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS), chủ nhiệm đề tài bồi hồi kể: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ có ngày tôi được lên sân khấu nhận một giải thưởng lớn của Bộ Quốc phòng, đứng cạnh nhiều đồng nghiệp mặc quân phục đeo sao thế này. Cảm giác thật tự hào về đứa con tinh thần của mình, về những anh em kề vai sát cánh với mình ở Viettel".

tre5
Thân Văn Quang nhận giải Nhì cho công trình Nền tảng quản lý dịch vụ phân tích video VAS

Giây phút đứng trên bục nhận giải, trong đầu Thân Văn Quang như có một thước phim quay chậm về những tháng ngày đã qua, về đúng lại điểm xuất phát 4 năm trước, khi anh và đồng đội quyết định thực hiện ước mơ lớn mang tên “VAS” (Video Analysis management Service).

Đau đáu nền tảng “Made by Viettel”

Thời điểm năm 2020, trong xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, VTS bắt đầu triển khai kinh doanh dịch vụ giám sát thông minh Smart City cho chính quyền tỉnh/thành phố trên cả nước.

Nhu cầu đó đòi hỏi Viettel cần có sản phẩm phân tích video thông minh (VAS). Đây là nền tảng cho phép sử dụng AI để tìm kiếm, phân tích các đối tượng qua video trên camera, cho ra kết quả chính xác trong thời gian sớm nhất, nhờ đó rút ngắn thời gian so với tìm kiếm, phân tích thủ công bằng mắt người thông thường. Tuy vậy, khi đó trong Tập đoàn chưa có sản phẩm phân tích dịch vụ video toàn trình đáp ứng toàn bộ yêu cầu mà VTS mong muốn triển khai cho khách hàng.

Lúc này, các ông lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Avigilon, Honeywell… đã có phần mềm phân tích video thông minh tương tự. Nhưng khác biệt lớn về dữ liệu thông tin khiến các phần mềm này không cho kết quả cao khi sử dụng tại Việt Nam, ví dụ khi nhận diện biển số xe Việt Nam, khuôn mặt người Việt Nam. Phương án sử dụng phần mềm nước ngoài không thể thực hiện.

Trong khi đó, các đơn vị công nghệ trong nước như Vedax, DNC Technology, Vantech - iVMS, Phi Long chỉ cung cấp đơn lẻ một vài công nghệ, không bao phủ được tất cả các trường hợp VTS yêu cầu. Khi đó, VTS chỉ có cách kết nối với nhiều đối tác cùng một lúc, phát triển chung thành các hệ thống tổng thể để phục vụ khách hàng . Nhưng bất cập vẫn tồn tại.

tre4
Thân Văn Quang luôn đau đáu về một nền tảng giám sát video thông minh thực sự "made by Viettel"

“Người Viettel luôn có tinh thần làm nhanh, làm triệt để, làm đến cùng. Việc chờ đợi đối tác với khâu bảo trì, bảo dưỡng khiến thời gian bị kéo dài và chúng tôi không muốn điều này. Chúng tôi mong muốn khách hàng được hỗ trợ sớm hơn. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình phải làm điều gì đó khác”, Thân Văn Quang nhớ lại.

Ngay lập tức, vô số cuộc họp được đưa ra trong Trung tâm Sản phẩm nền tảng của VTS. Cuối cùng, ý tưởng về một nền tảng phân tích mới do VTS nghiên cứu và thực hiện 100%, giúp chính đơn vị đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống cho khách hàng được ra đời.

Lăn xả cùng bài toán khó

“Chúng tôi không thấy sợ hay lo lắng khi nhận nhiệm vụ khó. Là “dân kỹ thuật”, mỗi lần gặp bài toán mới, ai cũng hứng thú, hừng hực khí thế muốn bắt tay vào làm ngay", Quang cho biết.

Ngay từ bước lựa chọn công nghệ, mọi thứ đã không dễ dàng. Thời điểm đó, nhóm tác giả nghiên cứu sử dụng công nghệ MLOps (công nghệ nâng cao của DevOps). Nhưng trên thế giới, công nghệ này vẫn chưa chín muồi, chưa có quy chuẩn chính thức nào. Chỉ cần chọn sai hướng đi đầu tiên, nguy cơ toàn hệ thống VTS phát triển sau này bị ảnh hưởng điều không thể tránh khỏi.

Thân Văn Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi dành đến 3 - 4 tuần liên tục để mày mò, trải nghiệm các công nghệ hiện có. Tuy đây là một thách thức. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có thêm thời gian nghiên cứu đánh giá các hướng đi hiện có, chắc chắn chúng tôi sẽ tìm ra lời giải”.

tre1
Thách thức chồng thách thức nhưng người trẻ VTS quyết không lùi bước

Sau khi chọn được công nghệ, những kỹ sư trẻ của Trung tâm sản phẩm nền tảng VTS dự định dùng mã nguồn mở (open-source) sẵn có để phát triển nền tảng. Tuy vậy, khó khăn mới ập đến khi không có mã nguồn mở nào đáp ứng được nhiều mô hình AI như nhóm tác giả mong muốn.

Hệ thống không đáp ứng được nhiều mô hình AI, đồng nghĩa với khả năng ứng dụng trong thực tế cũng giảm. Như vậy, có xây hệ thống với mã nguồn mở ban đầu cũng là vô nghĩa. Không chần chừ, họ quyết định tự xây hệ thống từ đầu.

Hứng thú và bền bỉ đến lạ

Những nhân sự chủ chốt của đội khi đó gồm có Thân Văn Quang (sinh năm 1995), Lương Đức Long (sinh năm 2000), Nguyễn Việt Hoàng (sinh năm 2000), Nguyễn Tùng (sinh năm 1999) và Nguyễn Đức Giang (sinh năm 1999).

Cả đội kỹ sư trẻ xác định việc đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, trải nghiệm nhiều và sai nhiều chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng họ không sợ thách thức hay thất bại. Vô số lần, các phương án được nghiên cứu đến 1 - 2 tháng, đến cuối cùng lại không phù hợp. Nhưng ai cũng khẳng định: “Chưa thấy chán nản bao giờ".

tre3
"Chán nản" không có trong từ điển của những kỹ sư Gen Z yêu thách thức

Chia sẻ về ý chí thép, họ nói rằng cả đội chưa bao giờ phải gồng gượng, ép mình. Tất cả hoàn toàn đến từ sự hứng thú với công nghệ và mong mỏi hoàn thiện sản phẩm của bản thân mỗi người.

Có những thời điểm, với đội kỹ sư trẻ, cơ quan là “nhà”. Thời điểm xây dựng hệ thống căng thẳng nhất diễn ra đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước. Có những ngày các bạn mang sẵn quần áo, đồ dùng cá nhân cho vài ngày, và cùng nhau ở lại cơ quan qua đêm để xây dựng hệ thống, ngồi trước màn hình đến tận 11h đêm, cố thủ ở cơ quan để chống dịch.

Còn đợt đi lắp đặt thí điểm cho Tổng cục Hậu cần, thậm chí, cơ quan của Tổng cục Hậu cần cũng trở thành “nhà” của các bạn trẻ. Do điều kiện an ninh và bảo mật, Tổng cục Hậu cần không lắp wifi và chặn cả sóng 3G. Nhiều hoạt động trong lắp đặt hệ thống cần đến internet trở nên khó khăn hơn. Những khách hàng khác chỉ mất 1 ngày để cài đặt, song với Tổng cục Hậu cần phải mất liền 2 tuần lễ.

Bạn Lương Đức Long, Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo sinh năm 2000 chia sẻ: “Thế mà vẫn không thấy anh em nào kêu nản bao giờ. Có những ngày chúng tôi hăng hái cài đặt từ sáng, cố thêm chút nữa mà đã đến tận trưa. Chiều tại tự nhủ cố thêm một chút cho xong sớm, thế rồi qua 7h, 8h và đến 9h tối thì đơn vị đóng cửa. Chúng tôi không về được nữa. Thế là lại có cớ để tiếp tục làm đến tận 11h, rồi ngủ luôn tại Tổng cục Hậu cần, hôm sau dậy hiệu chỉnh tiếp".

Cứ thế, ý tưởng từ nhen nhóm trong đầu, bằng ý chí và sự bền bỉ của những kỹ sư trẻ, dần dần được thực hiện hoá trên giấy, được đưa vào thử nghiệm, thí điểm và bắt đầu đến với nhiều khách hàng chính phủ tại tỉnh Hậu Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... cho hiệu quả ấn tượng.

Vinh quang của tuổi trẻ

Phiên bản hoàn thiện của VAS là nền tảng xử lý video bao gồm đầy đủ chức năng thiết yếu, và người lập trình chỉ cần tập trung vào nghiên cứu mô hình AI. Theo cách này, thời gian triển khai mô hình AI lên sản phẩm được rút ngắn và ứng dụng được áp dụng vào đời sống nhanh, thuận tiện, dễ dàng hơn. Trong đó, đội kỹ sư trẻ VTS đã hoàn thành cung cấp 21 bài toán AI cho nền tảng, áp dụng trực tiếp tại 6 tỉnh thành và 1 thị trường nước ngoài.

Nền tảng không chỉ mang lại nhiều hiệu quả về quốc phòng an ninh với đầy đủ các yêu cầu về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu mà còn mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp trong các đô thị thông minh, giám sát an ninh, chấm công,…

Với kết quả thực tiễn ấn tượng, nền tảng VAS đã nhận được chứng chỉ Top 20 các giải pháp nhận diện khuôn mặt của Viện tiêu chuẩn đo lường Hoa Kỳ NIST, đạt giải Sao Khuê 2021 và xuất bản 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế.

tre2
Thành tựu là kết quả xứng đáng cho nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo bền bỉ của cả đội

Đặc biệt, công trình của VTS nhận giải Nhì, đóng góp vào 10 giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24. Chính những nhân sự 9x, nhân sự 2000 đã trở thành tấm gương sáng trong việc thực hành giá trị “Sáng tạo là sức sống" trong ngôi nhà chung Viettel, góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng rộng rãi hơn nữa.

“Chúng tôi luôn nhắc nhau “ngừng sáng tạo là chết". Đặc biệt, sáng tạo không tự nhiên mà có. Sáng tạo sẽ nảy mầm khi mình luôn ý thức học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày. Vấn đề không phải bạn còn trẻ hay không còn trẻ, điều quan trọng là đừng bao giờ bỏ qua các cơ hội để được học và được sáng tạo", Thân Văn Quang, chủ nhiệm đề tài khẳng định. 

  • 1642
  • 7
  • 2

VTPost tận tâm trên hành trình 'nông sản hạnh phúc'

  • 889
  • 5

Giải thưởng danh giá và dấu ấn của bóng hồng Viettel

  • 843

Viettel Global tổ chức cuộc thi ảnh 'Viettel on the Earth'

  • 268

Viettel AI hợp tác với công ty hàng đầu về AI tại Đài Loan

  • 1313

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 801

Thước phim xúc động về người lính Viettel trong dự án quốc gia

  • 1293

Biết ơn người đi trước theo cách của Viettel

  • 900

Lãnh đạo là tấm gương thực hành văn hóa Viettel

  • 627
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua