Thúy Hường (Ban Tài chính Kế toán) đã đăng lúc 14:43 - 03.10.2024
Trường Sa có lẽ là một câu chuyện kể từ thuở nhỏ đối với bao người, nhưng khi thấy các em, tôi nhận ra cái nắng ấm buổi bình minh trên đảo đã ánh lên nụ cười hồn nhiên, vô tư trên mọi nẻo đường; từng đàn cá bơi lội dưới làn nước trong veo dường như đã trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó với các em tự lúc nào.
Giữa cái vô cùng, vô tận của đại dương, giữa cái xanh biêng biếc của vòm trời, các em tụ họp ở phòng vui chơi, bé trai mang bộ xếp hình, bé gái mang cọ vẽ. Các em cùng nhau tô điểm cho tương lai rộng lớn phía trước, rồi lại kể cho nhau về câu chuyện về vỏ ốc nhiệm màu hát lời của biển, về nàng tiên cá như trong câu chuyện cổ tích em thường hay nghe…
“Cuộc sống trên đất liền liệu có khác đi?”, các em nghĩ.
Nó giống chứ! Giống ở chỗ nơi đây cũng có tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy lúc tinh mơ, tiếng cười nói râm ran hòa lẫn vào bầu không khí náo nức… Nhưng nó cũng khác chứ!
Trên đất liền, thật hiếm khi tôi được bắt gặp một cánh hải âu bay, hay đàn cá bơi lượn tung tăng, những tán bàng vuông hay những nhành hoa phong ba… Các em không chỉ có một người chị, hay một người anh, mà các em có cả một gia đình, có anh lớn, chị lớn, có cả những đứa em có đôi mắt tròn xoe. Trong khô cằn nắng cháy, giữa đại dương bao la, biết bao điều kì diệu ở Trường Sa mà các em được chạm tới. Không giống như những câu chuyện cổ tích, những điều kì diệu ở nơi đây lại hiển hiện từ những điều chân thực nhất và từ chính các em.
Không giống với em bé Cu Tai ngủ trên lưng người mẹ Tà-ôi mỗi khi đi tỉa bắp, các em thật giống với những chiến sĩ tí hon ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bởi lẽ, các em được lớn lên trong sự bao bọc, chở che của những cán bộ, những người lính trên đảo, những con người đã xây dựng, bảo vệ và gìn giữ vùng biển trời thiêng liêng này, những người đã sống trong niềm tự hào là người lính tiền tuyến với mệnh lệnh “bảo vệ biển đảo Tổ quốc” được chôn chặt trong tim.
Ngày ngày, mỗi khi ngắm lá cờ đỏ tung bay kiêu hãnh trên cột mốc chủ quyền, các em sẽ cảm thấy thật hãnh diện, tự hào bởi nơi mình sinh ra, lớn lên. Hơn ai hết, các em như càng yêu thêm, trân trọng thêm biển trời bát ngát của dân tộc mình. Điều ấy khiến tôi chợt nhớ tới ý thơ của Nguyễn Việt Chiến :
“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Vượt gần 2.000 hải lý, những đoàn người mang trong mình tình yêu sâu nặng với biển đảo quê hương, mong chờ được gặp gỡ và làm quen với các em. Bộ bút màu, sáp màu để tập vẽ, hay những con búp bê gỗ, các đồ dùng, dụng cụ học tập cũng đang háo hức đếm từng ngày để được đồng hành cùng những em bé ngoan.
Tôi mong rằng trong thời gian tới một ngày nào đó, một ngày thật gần, tôi lại có thể tiếp tục đến và bày tỏ lòng biết ơn với Trường Sa, được tận mắt chứng kiến những đảo chìm, đảo nổi, được gặp những con người với ý chí kiên cường, ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Và tôi muốn được nhìn thấy những nụ cười như nắng ấm, được nói những lời cảm ơn tới các em - những em bé của biển đảo quê hương.
Sẽ có một ngày, trước hai tiếng thiêng liêng của một vùng đất, biển, trời của Tổ quốc, tôi vô tình nghe được tiếng bắt nhịp vang lên từ một lớp học, và rằng các em chuẩn bị đồng thanh đọc vang bài thơ :
“Quê em ở Trường Sa
Những đảo chìm đảo nổi
Quê em có biển trời
Bốn mùa xanh bao la
Sinh ra ở Trường Sa
Em là con của biển…”