Những dấu chân đầu tiên ở Burundi qua lời kể của nguyên CEO Lumitel

Thanh Thúy (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 17:35 - 13.12.2023

Giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên cho thị trường Burundi luôn là kỷ niệm khó quên với anh Nguyễn Anh Sơn - TGĐ Viettel Burundi giai đoạn 2013 - 2018, nay là Phó TGĐ TCT Mạng lưới Viettel.

Là người trực tiếp sang thị trường Burundi từ những ngày đầu và trải qua quá trình đưa Lumitel lên vị trí số một, anh Nguyễn Anh Sơn vẫn nhớ rất nhiều câu chuyện, những dấu mốc đầu tiên của Viettel tại Burundi.

- Thưa anh, những bước chân đầu tiên của Viettel tại Burundi đã diễn ra như thế nào?

Nhóm chúng tôi ban đầu chỉ có 8 người, sang ngay sau khi có giấy phép kinh doanh tại Burundi. Đội ngũ cũng gồm toàn những người dày dạn, có nhiều kinh nghiệm tại các thị trường nước ngoài. Burundi là thị trường được triển khai gần nhất của Viettel ở nước ngoài.

Đội ngũ triển khai của Lumitel bắt đầu sang Burundi từ tháng 1/2013, nếu tính theo âm lịch là cuối tháng Chạp. Thực ra, mấy thị trường đi triển khai trước đây, chúng tôi đều lên đường ngay sát Tết. Vừa sang đến nơi vài ngày, anh em đã làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo ngay ở khách sạn.

Là thị trường có giấy phép sau cùng, nhưng Lumitel lại kinh doanh trước Halotel (Viettel Tanzania). Đó là vì theo giấy phép, chúng tôi phải bắt đầu kinh doanh dịch vụ trong 14 tháng, tức là từ tháng 3/2014. Vậy nên mọi việc đều phải làm rất nhanh.

anh Son

- Thời gian ngắn như vậy tạo áp lực gì cho Viettel Burundi không theo anh?

Công việc thời gian đầu là rất nhiều. Qua tuần đầu tiên, chúng tôi phải tìm được một trụ sở vừa làm văn phòng, vừa làm nhà ở, rồi cũng phải tìm nhân viên bản địa, xe cộ để đi lại. Trong 2-3 tháng đầu, chúng tôi vừa làm việc với cơ quan quản lý, nghiên cứu quy định pháp luật, các loại giấy phép để triển khai những dịch vụ của mình, vừa nhanh chóng thiết lập tổ chức, tuyển dụng nhân viên.

Song song với đó, chúng tôi cũng phải nhanh chóng tìm các đối tác triển khai hạ tầng. Với Viettel Burundi, yêu cầu hạ tầng ban đầu đặt ra là rất cao, gồm 600 trạm phát sóng và 3.000 km cáp quang. Việc mua sắm trang thiết bị được thực hiện ở Việt Nam rồi chuyển sang đây.

Tuy nhiên, cái thiếu lớn nhất ở Burundi thời gian đầu là đối tác không có sẵn. Trước đó, Burundi chỉ có một tuyến cáp trục, nên không có công ty nào chuyên trồng cột, kéo cáp. Nếu có, mức giá họ đưa ra cũng phải gấp 2-3 lần so với phương án sử dụng đối tác Việt Nam. Do vậy, chúng tôi phải đưa 5-6 công ty từ Việt Nam sang.

Công việc được thực hiện đồng loạt ở Gitega (thủ đô Burundi) và các tỉnh, vì mình phải đảm bảo hạ tầng và dịch vụ sẵn sàng ở cả 18 tỉnh khi bắt đầu kinh doanh. Vậy là trong vài tháng đầu đó, chúng tôi lại phải liên tục cuốn chiếu, đưa người sang, thành lập các chi nhánh tại các tỉnh, rồi tuyển thêm một loạt nhân viên cho các đơn vị này.

Burundi rất bé, diện tích nhỏ, mật độ dân số cao hơn Việt Nam. Đất nước nhỏ thì có lợi thế về việc tập trung triển khai, nhưng về địa lý thì Burundi hầu hết là các khu vực miền núi, trừ thủ đô và một tỉnh lân cận. Việc triển khai trên núi thì tốn kém hơn.

Nhân sự bản địa ở Burundi có trình độ tốt, chi phí thuê cũng rẻ. Tuy nhiên, hầu như họ chưa có nghề kỹ thuật về triển khai mạng lưới, nên khi ký hợp đồng đều phải đào tạo lại theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Họ đi theo nhân viên kỹ thuật người Việt, xem từng động tác từ trèo lên cột thế nào, treo cáp thế nào. Từ đội vài chục người ban đầu được đào tạo kỹ, chúng tôi phát triển dần đông đảo hơn.

Khi chính thức kinh doanh vào tháng 3/2014, sóng Lumitel đã phủ cả 18 tỉnh thành. Hạ tầng tại Burundi được triển khai rất bài bản, nên đến nay sau 10 năm vẫn còn rất tốt.

- Theo anh, dấu mốc nào là điểm nhấn để Lumitel nhanh chóng vươn lên vị trí đứng đầu tại Burundi?

Có lẽ đó là đợt bạo loạn vào tháng 5/2015. Khi đó, chúng tôi mới chỉ kinh doanh được vài tháng, và cũng đang tiến rất nhanh. Thấy tình hình bất ổn, anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thời điểm đó là Tổng giám đốc Viettel) hỏi chúng tôi: “Các anh quyết đi, ở lại hay là về?”.

Nếu bạn sang trụ sở của Lumitel ở Burundi, chắc cũng thấy những hậu quả từ vụ đảo chính đó để lại. Anh em cũng có một số người lo. Nhưng chúng tôi nghĩ đã đầu tư quá nhiều ở đây rồi, nên chúng tôi quyết định ở lại, song song với đó là tìm cách bảo vệ an toàn cho mọi người.

Khi đó có khoảng hơn 100 người Việt ở Burundi, nhưng không ai phải về cả. Trong những ngày bất ổn đó, cơ bản các hoạt động kinh doanh đều ngừng, nhưng cũng chỉ ảnh hưởng nhiều ở thủ đô, còn ở các tỉnh thì gần như mọi việc vẫn diễn ra.

Khi tình hình bất ổn, các đối thủ cạnh tranh đều rút người, tạm ngừng kinh doanh. Sau đó, mọi thứ cơ bản cũng ổn định trở lại, và lúc này Lumitel đã có thể kinh doanh ngay, đi rất nhanh, trong khi những công ty khác vẫn chưa tập trung quay trở lại.

- Vậy sau bao nhiêu lâu thì Lumitel chính thức vượt lên, thưa anh?

Chỉ sau 2 năm, lượng thuê bao của Lumitel đã vượt 2 nhà mạng lớn của Burundi, đã kinh doanh đến 10 năm ở quốc gia này. Về mặt doanh thu, khi đó họ vẫn trội hơn, vì khách hàng lâu năm, mức chi tiêu cũng cao hơn. Đến nay, Lumitel là số một tuyệt đối.

Một lợi thế của Lumitel khi mới bắt đầu là tỷ lệ người dùng điện thoại tại Burundi rất thấp, do vậy việc tăng trưởng cũng dễ dàng hơn.

Mạng di động triển khai muộn vậy, nhưng ví điện tử Lumicash thì có mặt sớm tương đương Việt Nam. Vì sao Lumitel có thể làm nhanh đến vậy?

Đây là sản phẩm rất phù hợp với văn hóa, đặc thù và thói quen của người bản địa. Không giống như ở Việt Nam, tại Burundi có rất ít điểm giao dịch ngân hàng. Việc cầm tiền mặt ở đây cũng không an toàn. Người dân rất ít khi cầm tiền mặt.

Dau moc-Bước đầu triển khai mạng lưới tại thị trường Burundi
Anh Nguyễn Anh Sơn (người ngoài cùng bên trái) chỉ đạo triển khai mạng lưới tại thị trường Burundi

Và cũng vì thói quen của người lao động ở đây, khi triển khai mạng lưới xong ngày nào chúng tôi phải trả công ngày đấy, nên bắt buộc phải có một khoản tiền để chi trả, mà hệ thống ngân hàng lẫn ví điện tử đều không có hoặc không thuận tiện.

Những người Viettel ban đầu ở Burundi đều là những người rất sâu sát. Họ đi tỉnh, đi tới tận những vùng sâu, vùng xa nhất, làm tận nơi, nên biết rất rõ tình trạng xã hội.

- Theo anh, sự ghi nhận nhà mạng lớn nhất có phải là sức hút đối với nhiều nhân viên sở tại?

Ở Burundi, Lumitel là một trong những công ty hấp dẫn nhất, mức thu nhập cũng rất khá, có lẽ chỉ thua một số ngành đặc thù như ngân hàng.

Người Burundi rất chịu khó. Khác với nhiều thị trường châu Phi, nhân viên Burundi không có chuyện hết giờ là về, mà sẵn sàng làm đến 6-7h tối. Ngày lễ, tết họ vẫn làm việc bình thường.

Nhân viên của Lumitel cũng có nhiều người đi học nước ngoài, tiếng Anh tốt. Hạn chế lớn nhất khi tuyển nhân viên người bản địa là phần lớn họ không được đào tạo đúng chuyên ngành, do vậy khi tuyển vào thì cũng phải đào tạo lại từ đầu.

Ở giai đoạn cao điểm, có tới 600 nhân viên người Việt ở Lumitel. Dù vậy, sau 10 năm, chúng tôi cũng chuyển dần những công việc kỹ thuật cho nhân viên bản địa. Tới nay đa phần nhân viên Lumitel là người Burundi, chỉ còn gần 20 người Việt.

Cũng giống như ở Việt Nam, nhân viên Lumitel hiện nay cũng là những người được các công ty khác “săn đón”, vì họ được đào tạo rất tốt, lại có kỷ luật làm việc cao.

- Xin cảm ơn các chia sẻ của anh!

1650

  • 1191
  • 4

'Lumitel là ánh sáng và niềm hy vọng cho người dân Burundi'

  • 1367

Vườn rau 'đủ vị quê hương' của anh em Lumitel

  • 1705
  • 3

Sau 10 năm thay đổi ngành viễn thông Burundi, Lumitel sẽ hướng tới đỉnh cao nào?

  • 2010
  • 1

Cô gái Viettel một mình đến Burundi - Hành trình không đơn độc

  • 3514
  • 9

10 năm thị trường ký: 'Giấc mơ trưa' ở Burundi

  • 1888
  • 3

'Lumitel đã đóng góp không nhỏ cho đất nước Burundi'

  • 1391

Dự đoán giải thưởng bất ngờ tại lễ tôn vinh Innovative-me 2024

  • 370
  • 16

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 553

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 405

Viettel giải bài toán hạn chế kết nối Internet khi xuất ngoại

  • 279
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua