Diệu Linh (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 18:46 - 01.12.2022
Tháng 12/2022, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế (Vietnam Defence 2022) với quy mô hơn 170 đơn vị tham gia trên diện tích 15.000m2 trong nhà và 20.000m2 ngoài trời.
Viettel được Cục kinh tế - Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng gian hàng trọng điểm giới thiệu tại Khu trưng bày “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên số”. Với 2 nhóm sản phẩm Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế quốc phòng, gian hàng Viettel hướng đến mục tiêu thể hiện cho những người tham quan thấy được năng lực và các thành tựu của Tập đoàn Viettel, chứng minh sức mạnh của quân đội khi làm kinh tế.
Bên trong gian hàng Việt Nam nổi bật nhất tại triển lãm Quốc phòng quốc tế
Với mục tiêu nói trên, sản phẩm được Viettel lựa chọn là các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu nhất về chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực mà các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Viettel đang nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh.
Các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao này không chỉ phục vụ cho lĩnh vực quân sự mà còn cả lĩnh vực dân sự, trải rộng từ phục vụ dân sinh, doanh nghiệp, bộ ban ngành, tới các sản phẩm phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng - quốc gia, và đều ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Trong chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), các quốc gia trên thế giới thường có xu hướng ưu tiên dành những thành tựu khoa học - công nghệ (KH-CN) mới nhất và đỉnh cao của mình để ứng dụng trước hết vào sản xuất quân sự. Đây cũng là những tiềm năng to lớn có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nếu ngay từ khâu nghiên cứu, phát triển đã trù tính đến các yêu cầu về tính lưỡng dụng.
“Một trong những yêu cầu trong nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Viettel phải đảm bảo: công nghệ tiên phong, đồng hành thế giới. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong phần triển lãm của Viettel tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022”, Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến chia sẻ.
Gian hàng Công nghiệp Quốc phòng có hơn 60 sản phẩm bao gồm 7 khu trưng bày chính: Hệ thống các sản phẩm Ra đa, Thông tin liên lạc và tác chiến điện tử, Hệ thống tự động hoá chỉ huy điều khiển, Máy bay không người lái (UAV), Quang điện tử, Khu vực trải nghiệm sản phẩm mô hình mô phỏng, Tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin.
Ở gian hàng Kinh tế Quốc phòng, Viettel tham gia với 16 nhóm sản phẩm là những sản phẩm chuyển đổi số, hỗ trợ cho các lĩnh vực Y tế số, Gia đình số, Giáo dục số, Tài chính số, Logistics, Doanh nghiệp số, Chính quyền số, Giao thông số cùng những sản phẩm nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Phần lớn các sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao có thể sử dụng trong dân sinh, ví dụ như UAV, vệ tinh viễn thám, hệ thống mô hình mô phỏng… Với quan điểm về tính lưỡng dụng kết hợp Quân sự và Dân sự, những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất sau khi được triển khai cho Quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trong những năm tới đây, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của Viettel sẽ đầu tư phần lớn kinh phí để phát triển các công nghệ quốc phòng nền tảng và các sản phẩm công nghệ dân sinh sẽ được phát triển trên các công nghệ quốc phòng nền tảng đó.
Ngược lại, nhiều công nghệ ứng dụng cho lĩnh vực dân sinh cũng sẽ được Viettel nghiên cứu đưa vào các trang thiết bị phục vụ quốc phòng. Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, quốc gia vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.
Làm chủ công nghệ lõi, là hạt nhân của tổ hợp Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao
“Để xác định trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao, không phải vì Viettel mới có ý tưởng ngày một, ngày hai, mà Viettel đã có sự chuẩn bị từ hơn 10 năm trước. Từ những bước đi đầu tiên, đến nay, doanh thu từ nghiên cứu sản xuất đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng đoanh thu của Viettel", Chủ tịch Tào Đức Thắng nhấn mạnh việc tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự là con đường đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và không bị phụ thuộc.
Theo đó việc mua sản phẩm của nước ngoài thì dù hiện đại đến đâu cũng sẽ bị phụ thuộc về công nghệ, không giữ được yếu tố bí mật, khi họ phát triển loại hiện đại hơn thì ta lại lạc hậu. Do đó, giải pháp mang tính chiến lược là phải phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, công nghệ cao.
Theo đó, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam”, làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng, sở hữu nhiều bằng sáng chế ở cả những thị trường khó tính nhất. Xuất hiện tại Vietnam Defence 2022, những sản phẩm của Viettel được chứng minh có tính năng tương đương hoặc ưu việt hơn với các sản phẩm cùng loại của các nước phát triển.
Trong tương lai, đối với lĩnh vực CNQP công nghệ cao, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài thông minh, chính xác và tin cậy hơn theo mô hình C5ISR (Command, Control, Communication, Computer, Cyber, Intelligence, Surveillance, Reconnaissance). Đây là mô hình tác chiến hiện đại được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới. Trong đó, Viettel tập trung vào các thiết bị thu thập thông tin, truyền nhận thông tin, xử lý thông tin…
Ở lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel sẽ tiến tới làm chủ các thiết bị hạ tầng của mạng 5G và triển khai diện rộng trên mạng lưới, tiến tới xuất khẩu, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các sản phẩm chipset 5G cho thiết bị hạ tầng mạng 5G…
Bên cạnh đó, một hệ sinh thái kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) của người Việt sẽ được Viettel xây dựng nền tảng và phát triển. Hệ sinh thái này sẽ đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho người dân và quốc gia, tiếp tục phát triển các thiết bị trong hệ sinh thái sản phẩm IoT cho hộ gia đình, y tế, giáo dục, giao thông, nhà máy thông minh.
Viettel cũng nghiên cứu các công nghệ năng lượng xanh tập trung vào công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ quản lý sử dụng năng lượng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa phát thải vào môi trường.