Xuân Ninh (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 19:52 - 19.08.2024
Với quyết tâm và tinh thần người lính, anh đã biến thách thức thành thành công.
Không bao giờ là quá muộn để thay đổi
Gia nhập Viettel từ năm 2007, anh Đinh Hồng Trường bắt đầu sự nghiệp ở khối viễn thông. Anh đã trải qua khá nhiều vị trí: IT, hành chính, kế hoạch, kiểm soát nội bộ, tổng hợp, truyền thông, kế hoạch kinh doanh, phụ trách kinh doanh... Từng "kinh" qua nhiều công việc như vậy nhưng trong anh vẫn luôn cảm thấy “thiếu”, loay hoay về định hướng của bản thân. Nỗi lo lắng ấy khiến anh Trường khát khao được làm những cái mới.
Bước ngoặt đến vào năm 2018, khi viễn thông chuyển đổi mô hình outsource qua bưu chính, anh Trường có cơ hội tiếp xúc với ngành chuyển phát nhanh. Nhận thấy bản thân có niềm yêu thích với công việc giao - nhận. Đây cũng là lĩnh vực mới mẻ, nhiều tiềm năng và khả năng phát triển bản thân nhiều hơn. Anh đã đưa ra một quyết định thay đổi cả cuộc đời mình.
"Trước khi dấn thân vào lĩnh vực mới, tôi đã phân vân và đắn đo với rất nhiều câu hỏi, bắt đầu lại con số 0 ở độ tuổi 40 liệu có quá trễ? Lỡ như mình không thành công thì sao? Nhưng tôi được bạn bè, đồng nghiệp và gia đình động viên rất nhiều. Nhớ đến câu nói “Không dám thay đổi đó chính là khước từ cơ hội của chính mình”, tôi lại càng chắc chắn hơn về quyết định của bản thân. Nếu làm, khả năng thành công có thể bằng 0,001%, còn không làm thì khả năng chắc chắn bằng 0", anh Trường nhớ lại ngày đầu khi đứng trước lựa chọn thay đổi
Sau khóa đào tạo lớp nguồn kéo dài một tháng, anh đăng ký công tác ngay tại huyện khó khăn nhất tỉnh để thử thách bản thân. Tháng 5/2023, anh chính thức bước chân vào lĩnh vực bưu chính, bắt đầu với vị trí Trưởng bưu cục Tân Biên (Tây Ninh), một trong những địa bàn nơi biên cương khó tiếp cận nhất.
Vượt khó cùng Tân Biên
Ngày đầu tiên đến nhận nhiệm vụ, anh Trường đã choáng ngợp với những cánh đồng xanh mát mắt bạt ngàn những lúa, mía, cao su... chạy tít tắp đến chân trời trên đường đi làm, trông vô cùng "chill". Anh rất vui vẻ lạc quan về tương lai phía trước, nhưng chỉ sau 2 ngày đã cảm thấy hơi "hoảng", bởi chính sự "chill" đó mới là yếu tố khiến các chỉ số KPI bị kéo tụt xuống thấp nhất.
Riêng diện tích huyện Tân Biên đã bằng 1/4 cả tỉnh. Người dân nơi này đa phần gắn liền với nghề nông sản, rất ít người làm dịch vụ - kinh doanh buôn bán. Lấy đâu ra khách hàng để cung cấp dịch vụ chuyển phát, lấy đâu ra doanh thu? Đường nhựa thì chỉ có ở trục quốc lộ và trục liên huyện, liên xã, còn lại đường đất đỏ khó chạy xe, có tuyến bưu tá chạy phát hàng 1 ngày hơn 150km cả đi lẫn về, làm sao chỉ số phát thành công đúng giờ đạt đây?
Anh chị em tại bưu cục hầu hết đều khó khăn, ngoài làm bưu tá họ còn làm thêm các công việc khác để có đủ thu nhập nuôi sống gia đình. Ngày đầu tiên họp với anh em, ai cũng nói "việc này không thể thực hiện được, cách kia khó lắm..." khi nói về cải thiện các chỉ số.
"Lúc đó nói thật tôi cũng nản lắm nhưng nghĩ lại đã quyết tâm chọn con đường này rồi thì dù đường đầy sỏi đá cũng phải bước qua. Tôi đã đi sang các bưu cục khác, gặp các anh em trưởng bưu cục làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm để học hỏi về áp dụng cho bưu cục của mình", anh Trường kể lại.
Với tinh thần người lính ngấm sâu trong máu, càng khó khăn thì lại càng hăng hái. Đầu tiên, để động viên mọi người, anh Trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi thi đua phát hàng trong bưu cục. Dù chỉ là những phần quà nhỏ, nhưng cá nhân anh sẵn sàng "đầu tư" để anh em cảm thấy công sức của bản thân được ghi nhận, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nghề, tiếp tục cố gắng, đồng hành vượt khó cùng bưu cục.
Là người mới trong nghề, anh cũng luôn chăm chỉ nghiên cứu tìm kiếm khách hàng mới, tìm tòi các cách làm hay: "Nhận ra sự phổ biến của việc kết hôn ngoại quốc trên địa bàn ngày càng nhiều, nhu cầu gửi hàng hóa về cho người thân ngày càng tăng, tôi lấy đó là thị trường tiềm năng phát triển khi đẩy mạnh doanh thu. Bà con nơi đây quanh năm làm nương rẫy, ít biết sử dụng về mạng xã hội để buôn bán, bưu cục luôn hỗ trợ chăm sóc từ khâu bán hàng đến đóng gói hàng hóa".
Cách làm mới hay cách làm hay cũng chỉ là một phần, chủ yếu vẫn là sự tận tâm trong công việc theo tôn chỉ "Giao trọn trái tim" của các anh em bưu tá. Không chỉ dừng lại ở việc phát hàng, anh em bưu cục còn tham gia giúp đỡ bà con nông dân trong các chiến dịch giải cứu nông sản. Như khi nghe tin có chuyến giải cứu bí đỏ vào tháng trước, cả bưu cục đã dành 4 ngày làm đêm để giúp bà con lau từng quả bí, dán tem, vận chuyển nhanh nhất để kịp lên kệ siêu thị, giúp bà con bán được giá tốt hơn.
Hay như một lần khi khách gọi cần gấp bưu phẩm có thẻ BHYT trong đêm để làm thủ tục viện phí, cậu bưu tá đã chạy ngay đến bưu cục lấy hàng và phát ngay trong đêm cho khách. Thấy hoàn cảnh khách khó khăn, còn tự rút tiền túi để hỗ trợ khách chuyển viện. Những trường hợp khác, như khi phát hiện khách hàng lớn tuổi có dấu hiệu bị lừa đảo bởi các đơn hàng, dù biết rằng không phát hàng sẽ không có tiền công, không đạt tỷ lệ ngày, thậm chí có thể bị người gửi mắng chửi, đe dọa, nhưng anh em vẫn chấp nhận phần thiệt thòi để bảo vệ khách hàng.
Những nỗ lực này đã khiến khách hàng ngày càng yêu mến và cảm kích anh em bưu tá Tân Biên, dần dần 1 truyền 10, nhiều khách hàng đã chuyển sang sử dụng dịch vụ của VTPost hơn.
Sau những ngày tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, thậm chí đổ máu và nước mắt, bưu cục Tân Biên từ 1 trong 3 bưu cục có doanh thu thấp nhất, đã vươn lên đứng top 3 huyện có tốc độ phát hàng nhanh nhất. Doanh thu tăng gần gấp đôi, vượt mốc cao nhất trong lịch sử, với tỷ lệ phát thành công đạt 95,5%, phát đúng giờ lên 88%, và công nợ nộp đúng hạn 100%.
Tuy nhiên, điều đáng tự hào nhất đối đối với người truyền lửa như anh Trường, chính là tinh thần quyết tâm, tự giác và đoàn kết của tập thể bưu cục Tân Biên. Anh em ở đây luôn yêu thương, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống. Dù còn khó khăn, họ vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng đội. Khi nghe tin đồng đội ở huyện khác bị hoạn nạn, bị cướp, anh em Tân Biên sẵn sàng góp ngày lương để giúp đồng đội vượt qua khó khăn.
Có bạn đồng nghiệp đi đường kênh rạch trơn trượt ngã xuống mương, gọi anh em đến hỗ trợ. Nhưng khi đến nơi, bạn chỉ nhờ giúp kéo cái xe lên: "May quá, sọt hàng hóa còn ngon lành hết là mừng rồi!". Nhìn chân tay bạn rướm máu, lấm lem nhưng vẫn chỉ lo cho sọt hàng vì đó là hàng hóa của khách, là "nồi cơm" của cả bưu cục khiến anh em chỉ biết ngậm ngùi, siết chặt vai nhau để động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn này. Hay anh lái xe giúp anh em xuống hàng không may gãy chân, nghỉ ngơi điều trị được hơn tháng, đã lại xin quay lại làm việc chỉ vì nhớ tiếng cười, nhớ cảm giác được đi phát hàng với anh em.
Anh Trường vẫn còn nhớ vào cuối năm ngoái, công việc nhiều, hàng hóa tăng đột biến, có những ngày dọn dẹp xong bưu cục đã gần 9h đêm. Cậu em út nói với anh: "Anh tranh thủ về sớm đi, mốt tụi em tự lo được, trời lạnh, đường khuya anh về cẩn thận". Người em mồ côi mẹ từ nhỏ, hiền lành ít nói quan tâm khiến trái tim anh như ấm lại, xua tan cái lạnh chớm đông và mệt mỏi của chặng đường về gần 40 cây số.
Sau 1 năm làm việc ở đây, người thủ lĩnh Tân Biên không những lời được trải nghiệm mà còn lãi thêm được cả một gia đình, anh luôn biết ơn các thành viên trong gia đình Tân Biên.
"Trước đây, tôi vẫn được cho là có khiếu truyền lửa cho đồng nghiệp, thì giờ đây, chính anh chị em Tân Biên mới là những người thắp lại ngọn lửa đam mê trong tôi. Tôi tự hào vì được đồng hành, làm việc và gắn bó với tập thể đáng mến này. Mong rằng, miền đất biên cương Tân Biên này luôn được AN - PHÁT, tinh thần quyết tâm của anh em Tân Biên cháy hơn nữa", anh Trường bày tỏ.