Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:43 - 29.09.2023
Cuối 2018, Movitel đứng trước quyết định quan trọng: mua tần số để triển khai kinh doanh 4G. Con số mà Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique đưa ra là 33 triệu USD - khổng lồ nếu biết rằng 3 năm liên tiếp từ 2017, công ty không tăng trưởng về doanh thu và âm lợi nhuận lũy kế.
33 triệu USD cũng tương đương với 40% doanh thu của Movitel trong cả năm 2018, và một doanh nghiệp viễn thông thường chỉ đầu tư cho năm sau ở mức 15% doanh thu năm trước. Song, lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo Movitel thời điểm ấy xác định phải đầu tư 4G. Phương án phía Movitel đưa ra với Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique là thanh toán dần trong 5 năm.
Thừa hưởng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Mozambique
Phương án trả chậm của Movitel khi đề xuất với Bộ Giao thông và Truyền thông Mozambique đã được chấp nhận. Đây chính là cơ sở để Movitel bứt phá trong những năm tiếp theo khi vừa có tần số 4G để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa có tiền để đầu tư khi không phải trả ngay một khoản lớn.
Câu chuyện về mua/bán tần số 4G nêu trên chỉ là một trong nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành của Mozambique trong hơn 1 thập kỷ qua. Sự ủng hộ này có được trên cơ sở mối quan hệ hợp tác cùng phát triển của hai nước Việt Nam - Mozambique, kéo dài gần 5 thập kỷ.
Các thế hệ lãnh đạo và người dân Mozambique luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam và đặc biệt ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thể hiện sự kính trọng của nhân dân Mozambique đối với Bác Hồ, ngay từ năm 1977, chỉ hơn một năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch đầu tiên của Mozambiaque là Samora Machel quyết định đặt tên Hồ Chí Minh cho một đại lộ ở thủ đô Maputo. Đại lộ có chiều dài hơn 1 km, chạy ngang qua Tòa thị chính ở Maputo và giao với một số đường phố chính như Đường Karl Marx, đường V. Lenin.
Ngày 25/6/1975 được Mozambique chọn là ngày quốc khánh, và đặc biệt, cũng là ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ giữa 2 nước dựa trên cơ sở nhiều điểm chung là tinh thần yêu nước, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong gần 50 năm, hai nước đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực không chỉ viễn thông như nông nghiệp, giáo dục, y tế. Nhiều hiệp định thương mại được 2 nước ký kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam và Mozambique hợp tác mà điểm sáng là liên doanh Movitel – như nhận định của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, làm việc với Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi tháng 9/2023. Ảnh: Báo Chính phủ.
Với Movitel, công ty luôn được chính quyền Mozambique tạo điều kiện sản xuất kinh doanh. Trong chuyến thăm Viettel ngày 21/6, Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias đã cam kết với Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Movitel đầu tư, phát triển. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Viettel tiếp tục củng cố, mở rộng, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại Mozambique, đồng thời cho biết Quốc hội Mozambique sẽ tích cực cải thiện các chính sách pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho Movitel.
Mới nhất trong chuyến làm việc tại Mozambique, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ đã thăm, làm việc với Tổng thư ký Đảng cầm quyền tại Mozambique - Đảng Frelimo - ông Roque Silva. Tổng thư ký Đảng Frelimo chia sẻ tình cảm với Việt Nam và Movitel, xác nhận với Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Movitel và nghiên cứu triển khai sớm nhất các đề xuất của công ty.
“Mozambique và Việt Nam luôn có mối quan hệ bền vững trong suốt 48 năm qua. Với chúng tôi, Mozambique là nhà của Movitel, chúng tôi không còn coi các bạn là nhà đầu tư từ nước ngoài đến mà các bạn đã trở thành một phần của đất nước và người dân Mozambique. Chúng tôi xem Movitel như người nhà”, ông Roque Silva chia sẻ với Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ.
Điểm sáng Movitel
Được thừa hưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước, bản thân Movitel trong hơn 10 năm kinh doanh tại Mozambique cũng không ngừng phát huy quan hệ ấy với những đóng góp thiết thực cho đất nước, con người Mozambique.
Cơn bão IDAI năm 2019 chứng kiến nỗ lực của Movitel trong việc đảm bảo kết nối cho người dân. Được xem là “thảm họa tồi tệ nhất nam bán cầu”, bão IDAI quét qua tỉnh Sofala của Mozambique kèm mưa lũ gần như phá hủy cơ sở vật chất của tỉnh, đặt hàng trăm nghìn người vào tình thế không nhà cửa, không thực phẩm, đối mặt với nước lũ và làm gián đoạn thông tin của Sofala với phần còn lại của đất nước.
Trong bối cảnh mọi sự quan tâm, lo lắng của đất nước Mozambique hướng vào Sofala, Movitel chỉ sau 4 ngày đã khôi phục hơn 70% hạ tầng mạng lưới (so với thời gian hàng tuần của đối thủ), giúp người dân Sofala có thể liên lạc được người thân và gọi cứu trợ. Và gần như ngay lập tức, Movitel đã tổ chức những chuyến hàng cứu trợ, đưa lương thực và đèn điện đến tay người dân Sofala.
Thực hiện đúng triết lý kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội của Viettel, Movitel từ khi thành lập luôn hướng tới phụng sự, mang giá trị đến với người dân. Tới nay, hạ tầng mạng lưới của Movitel đã phủ 92% dân số Mozambique, đưa sóng viễn thông tới những nơi xa xôi nhất như tỉnh Niassa. Ngay năm đầu tiên kinh doanh, Movitel đã đóng góp 80% số thuê bao phát triển mới cho Mozambique.
Nhờ Movitel, người dân Mozambique được sử dụng dịch vụ viễn thông rẻ hơn 2 - 4 lần. Liên tiếp những năm gần đây, Movitel luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Mozambique. Tới nay, Movitel đã tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động (bao gồm cả nhân viên chính thức, CTV, điểm bán và đại lý). Movitel cũng được được mệnh danh là “Điều kỳ diệu tại châu Phi” vì những đóng góp chưa từng có mà một nhà mạng làm được tại đây.
“Câu chuyện của Viettel tại Mozambique chính là hình mẫu tiêu biểu, cần được phát huy, nhân rộng, để làm sao đáp ứng được tình cảm và sự kỳ vọng của nhân dân 2 nước Việt Nam và Mozambique”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhận định trong chuyến thăm, làm việc với Movitel tại Mozambique.
Sự hài hòa lợi ích
Để Movitel kinh doanh ổn định tại Mozambique, mấu chốt nằm ở mô hình liên doanh 70 - 30 giúp hài hòa về lợi ích giữa các bên gồm Viettel, 2 đối tác địa phương SPI và INVESPA. Trong đó Viettel chiếm 70% cổ phần, SPI chiếm 20% và INVESPA chiếm 10%.
Sự hài hòa lợi ích giúp các bên trong đó có đối tác địa phương cảm thấy hạnh phúc, được tôn trọng, từ đó kiến tạo chân đế vững vàng cho Movitel. Ông Vitor Timoteo, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Movitel nhận chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn khi có những người Việt Nam cùng làm việc với chúng tôi. Đây là một mối quan hệ rất ổn”.
Ông Vito Timoteo (thứ 2 từ phải vào) chia sẻ sự tin tưởng với Viettel.
“Trong bất cứ mối quan hệ nào, sự tôn trọng là điều quan trọng nhất. Ở Movitel, chúng ta có thể thấy rõ sự tôn trọng lẫn nhau giữa người Mozambique và người Việt Nam”, ông Vitor Timoteo nhấn mạnh.
Mang lại lợi ích cho các cổ đông, cho Tập đoàn, cho người dân Mozambique, Movitel đã phát huy tốt nền tảng là mối quan hệ tốt đẹp giữa Mozambique và Việt Nam. Đây chính là cơ sở để Movitel bước đầu gặt hái những thành công, bên cạnh rất nhiều yếu tố khác trong cả một quá trình dài.