Viettel sẽ song hành và hợp tác cùng các nhà cung cấp dịch vụ Cloud

Thái Sơn (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 23:17 - 15.12.2022

Theo chia sẻ của Đ/c Lê Quang Hiếu - Phó Ban Dự án Cloud, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, chiến lược của Viettel Cloud sẽ không đối đầu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, thay vào đó là song hàng và hợp tác cùng phát triển.

- Thưa anh, là người đặt nền móng cho Viettel từ năm 2018, anh có thể khái quát quá trình Viettel Cloud từ số 0 trở thành số 1?

- Năm 2018, tôi gia nhập ngôi nhà Viettel với khao khát xây dựng nền tảng điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam. Thời điểm đó, khái niệm điện toán đám mây vẫn còn xa lạ với phần lớn người Việt Nam. VTNet chưa có nhân sự trong lĩnh vực này, và càng không có hạ tầng để nghiên cứu. Lúc đó anh Tào Đức Thắng (khi đó là PTGĐ Tập đoàn kiêm Tổng Giám đốc VTNet) đã hỏi tôi có tự tin xây dựng và làm chủ được hạ tầng nền tảng điện toán đám mây của riêng mình hay không. Tôi đã trả lời là "Có".

Bằng sự tin tưởng và sẵn sàng trao quyền cho người trẻ, VTNet đã tạo những điều kiện tốt nhất để team Cloud đi vào hoạt động từ cơ chế tuyển dụng nhanh nhất, đầu tư hạ tầng sever ngay lập tức, điều kiện làm việc tốt nhất,…

Tháng 6/2018, cụm Cloud đầu tiên của Viettel ra đời cùng với 10 nhân sự của đội ngũ phát triển. Ứng dụng vSmart là dịch vụ đầu tiên được cắt chuyển lên hạ tầng điện toán đám mây của Viettel. Tới năm 2020, Viettel Cloud trở thành nền tảng điện toán đám mây có quy mô lớn nhất Việt Nam với gần 1 triệu vCPU, hơn 80% hạ tầng dịch vụ CNTT truyền thống của Viettel được hiện đại hóa và cắt chuyển lên Viettel Cloud.

Trong 2 năm từ 2020 đến 2022, Viettel Cloud tiếp tục được phát triển với đội ngũ kỹ sư chất lượng nhất và số lượng đông nhất Việt Nam. Viettel tự hào khi có gần 500 kỹ sư nghiên cứu, vận hành khai thác điện toán đám mây, tên của Viettel được ghi danh trên bản đồ công nghệ của các tổ chức điện toán đám mây nguồn mở lớn nhất thế giới như OpenInfra Foundation, CNCF Foundation.

Le Quang Hieu(3)

- Viettel Cloud được phát triển từ năm 2018. Vậy tại sao chúng ta lại chọn thời điểm này để thương mại hóa?

- Từ năm 2018, Viettel đã có ứng dụng đầu tiên được đưa lên hạ tầng điện toán đám mây do các kỹ sư VTNet phát triển. Thời điểm đó cũng có một số ít doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ này, tuy nhiên nhu cầu thực tế không có gì khác biệt so với các dịch vụ đơn giản như hosting hay VPS truyền thống.

Năm 2021, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đạt 200 triệu USD. Và tới hiện tại, nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud đang bùng nổ với mức tăng trưởng từ 30% – 50% mỗi năm. Dự kiến, thị trường ngành này tại Việt Nam sẽ đạt vài tỷ USD vào năm 2025.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm chín muồi để Viettel Cloud ra mắt sau gần 4 năm thử thách với hệ thống CNTT khổng lồ của Viettel. Sau khi đã phục vụ tốt cho Viettel, Viettel Cloud đã sẵn sàng phục vụ xã hội.

Bên cạnh đó, nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam, thì có tới hơn 80% thị phần đang thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài. Bởi vậy, hệ sinh thái dịch vụ Viettel Cloud được sinh ra với mục đích hợp nhất các dịch vụ của Viettel, trở thành hạ tầng số trước là cho Viettel, sau là cho Việt Nam, với khát vọng tới 2025 có thể sánh ngang với các nhà cung cấp quốc tế, dịch chuyển nhu cầu về hạ tầng và dữ liệu về Việt Nam, của Việt Nam và cho Việt Nam.

- Cùng với những thời cơ như vậy, anh có thể chia sẻ ưu, nhược điểm của Viettel Cloud so với các nhà cung cấp trong nước và trên thế giới?

- Hệ sinh thái Viettel Cloud bao gồm 68 dịch vụ, là hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại nhất Việt Nam với quy mô hiện tại là 13 trung tâm dữ liệu trải rộng khắp 3 miền, hơn 9.000 rack, 60.000 m2 mặt sàn. Tuy nhiên, khách hàng mục tiêu của chúng ta ưu tiên quy mô từ lớn đến nhỏ, ngược lại cách làm và tránh “dẫm chân” của gần 40 nhà cung cấp trong nước.

So với các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Amazon, chúng ta đang đi sau gần 10 năm, số lượng dịch vụ hiện tại chỉ bằng một nửa, hạn chế cả về quy mô và kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên, lợi thế của Viettel là các máy chủ đặt tại Việt Nam, đáp ứng các chính sách CNTT tại Việt Nam, có thể được “may đo” theo nhu cầu các dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Một ví dụ điển hình là theo quy định của Nhà nước, một số doanh nghiệp có dữ liệu nhạy cảm như tài chính phải có 1 bản sao lưu dữ liệu, máy chủ đặt tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn bất khả thi với các nhà cung cấp nước ngoài.

Viettel-001ho

- Với những ưu, nhược điểm như vậy, anh có thể cho biết định hướng, chiến lược phát triển của dịch vụ Viettel Cloud trong thời gian tới?

- Về mặt sản phẩm, chúng tôi sẽ tập trung “may đo” theo nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hệ sinh thái dịch vụ Viettel Cloud sẽ trải rộng ở cả 3 tầng gồm hạ tầng (Infrastructure), nền tảng (Platform), dịch vụ phần mềm (Service); cùng với đó là lớp quản lý dịch vụ (Manage Service) để hỗ trợ và tư vấn cho các thị trường nước ngoài của Viettel.

Đối tượng khách hàng mục tiêu được phân cấp mức độ ưu tiên lần lượt là khối chính phủ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân và hộ gia đình. Các sản phẩm của Viettel thay vì rời rạc như hiện nay, sẽ được đưa lên nền tảng Viettel Cloud, tạo thành hệ sinh thái các dịch vụ để khách hàng sử dụng qua 1 nền tảng duy nhất.

Chiến lược xuyên suốt của Viettel sẽ là song hành và hợp tác cùng các nhà cung cấp khác. Đối với các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là các “Big Tech”, thay vì đối đầu, Viettel sẽ cùng song hành để cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng cả 2 nền tảng, hoặc cung cấp những tính năng được Viettel may đo theo đặc thù của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dữ liệu chính là tài sản. Nếu người Việt Nam sử dụng dịch vụ Cloud của nhà cung cấp quốc tế, sever không đặt trong nước tức là chúng ta đang để thất thoát tài nguyên. Đồng thời, con số doanh thu dịch vụ cực lớn bị “chảy” ra nước ngoài. Vì thế, Viettel sẽ đoàn kết với các nhà cung cấp trong nước bằng hình thức chia sẻ công nghệ thông qua các mã nguồn mở, tham gia câu lạc bộ các doanh nghiệp “nội địa” cung cấp dịch vụ Cloud để cùng chia sẻ kinh nghiệm.

- Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất bổ ích này. 

  • 1621

PTGĐ VTNet Hà Minh Tuấn: 'Chúng ta tự tin "đánh trận lớn"'

  • 2854

21 dấu mốc lịch sử của mạng lưới Viettel

  • 2612

Vũ khí 'đánh bay' nỗi lo vùng phủ của các kỹ sư VTNet

  • 2069

Bí kíp tuyển quân có 1-0-2 của VTNet

  • 3833

VTNet đưa công nghệ mới nhất vào tuyến Metro số 1

  • 2080

Người VTNet nhớ gì về những 'lần đầu tiên' của mình?

  • 2432
  • 2

Sản phẩm của Viettel Media vào top 10 chương trình thực tế nhiều tương tác nhất

  • 120

Giá trị của Movitel: Hơn cả một nhà mạng

  • 640

Công nghệ VoIP và bước ngoặt chuyển mình của Viettel

  • 740

'Vì Viettel tôi sẽ…' không ngừng tìm kiếm chủ nhân của 35 giải thưởng

  • 428
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua