Chạm vào Trường Sa là cảm giác như thế nào?

Văn Dự (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 16:18 - 12.06.2024

Trên boong tàu KN-491 (Vùng 4 Hải quân) lộng gió biển, tôi háo hức bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên trong đời cùng đoàn công tác số 24, hướng về phía mặt trời đang rực rỡ lên cao.

Từng mong ước được một lần tới thăm Trường Sa, nghe qua lời kể của các anh chị đồng nghiệp đi trước càng khiến tôi mong chờ sớm ngày được thấy, được chạm vào Trường Sa bằng xương bằng thịt.

Rời Quân cảng Cam Ranh vào một sáng nắng nhẹ, bầu trời không quá xanh trong nhưng không khí tương đối mát mẻ, từng làn sóng nhẹ e ấp vỗ về nâng niu mạn tàu như gửi tín hiệu về một chuyến đi thuận buồm xuôi gió, vạn sự bình an. Và thật đúng là như vậy, bởi sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, vẫn chưa có thành viên nào trong đoàn chúng tôi biết đến cảm giác “say sóng” là gì.

Khi đảo Song Tử Tây hiện ra trước mặt, toàn bộ đoàn công tác gần như dồn hết về phía boong tàu. Trường Sa đây rồi! Ðã ở ngay trước mắt mọi người rồi! Song Tử Tây là một hòn đảo xanh mát, nổi bật giữa biển khơi mênh mông. Những người dân đảo đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ và những cái siết tay ấm nóng giữa nắng gió biển trời. Sự thân thiện và lòng hiếu khách của những con người nơi đây dường như đã biến cuộc gặp gỡ lần đầu với Đoàn công tác thành buổi đoàn tụ người thân sau bao ngày xa cách từ lúc nào không hay. Chúng tôi cùng tay bắt mặt mừng, cùng nói cười rôm rả, kể cho nhau nghe về công việc và cuộc sống của nhau. Hai tiếng trên đảo trôi qua quá nhanh, để rồi chúng tôi phải nói lời chia tay khi câu chuyện còn chưa kết thúc và đành hẹn gặp lại nhau vào một ngày không xa…

Rời Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Khi di chuyển ngang qua bãi đá Gạc Ma, một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức ngay trên sân đáp trực thăng của con tàu. Tại đây, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện xúc động về 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Đất nước và nhân dân luôn ghi nhớ sự cống hiến và hy sinh của các anh vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người, trong đó có tôi, mắt chợt ngấn nước khi cúi mình thả xuống biển những bông hoa cúc và cánh hạc giấy để tưởng nhớ anh linh những người con anh hùng của dân tộc đã nằm lại nơi đây…

Dao Co Lin
Đảo Cô Lin.

Chúng tôi đặt chân lên đảo Cô Lin khi bình minh vừa ló rạng. Tới Cô Lin, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được những khó khăn và sự khắc nghiệt mà các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa đang phải ngày đêm đối mặt giữa nghìn trùng biển khơi, bốn mùa sóng vỗ. Toàn bộ nước sinh hoạt trên đảo chủ yếu dựa vào nước mưa, ấy thế mà từ đầu năm đến giờ vẫn chưa có một cơn mưa nào chịu ghé thăm đảo chìm này cả. Dẫu vậy, dường như đã quá quen với những khó khăn kiểu này nên các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển nơi đây vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan cũng như nghị lực, ý chí và quyết tâm vượt khó, quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng cánh chim biển, từng rạn san hô với tâm nguyện "Còn người là còn đảo”. Tất cả đều vì một mục tiêu cao nhất – bảo vệ toàn vẹn một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiều cùng ngày, chúng tôi cập bến xã đảo Sinh Tồn - chốt tiền tiêu bảo vệ; điểm tựa, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển... Mặc dù nằm ngay trên thềm san hô ngập nước nhưng hòn đảo xinh đẹp này lại sở hữu một hệ “sinh thái xanh” đáng nể nhờ ý chí, sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của quân và dân nơi đây. Giống như cái tên của đảo, cỏ cây nơi đây có sức sống mãnh liệt. Từ cầu tàu, con đường bê tông dẫn về nhà trung tâm đảo rợp bóng của những hàng phi lao xanh tốt, những tán bàng vuông, phong ba, phi lao và đủ loại rau xanh phát triển tươi tốt. Giữa bầu trời xanh trong, cột mốc chủ quyền với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng trên đảo Sinh Tồn khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Dưới cái nắng thủy tinh trong vắt, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc do đội văn nghệ của đoàn công tác chuẩn bị (trong những ngày lênh đênh trên biển) đã được tổ chức vô cùng sôi nổi. Những tiếng reo hò và sự hưởng ứng nhiệt tình của quân và dân trên đảo như đánh bay sức nóng đang “đổ” lên thịt da, xóa tan mọi khoảng cách và kéo chúng tôi xích lại gần nhau…

Cot phat song dao Sinh Ton
Cột phát sóng Viettel trên đảo Sinh Tồn.

Tạm biệt Sinh Tồn, chúng tôi đến với An Bang vào một sáng sớm đẹp trời. An Bang hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp kỳ vĩ cùng bãi cát trắng dài ngay lối lên đảo. Ở nơi đây, chúng tôi có thể cảm nhận một cách chân thực nhất về sự khắc nghiệt của biển cả, như một chiến sĩ Hải quân đã nói vui với tôi rằng: “Các đồng chí đến được An Bang, nếm mùi sóng gió An Bang là xem như đã đi hết Quần đảo Trường Sa rồi”.

Dù phải thường xuyên hứng chịu mưa bão và giông tố, nhưng giữa màu xanh của biển cả, của mây trời, An Bang vẫn đẹp dịu dàng với màu xanh tốt tươi của bàng vuông và nhiều loại cây trồng khác. Sóng ở đảo cũng rất khác thường, sóng dữ dội, cứ trùng trùng lớp lớp sóng bạc đầu vây quanh hòn đảo nhỏ. Sở dĩ không có tàu thuyền nào dám mạo hiểm tiến gần bờ đảo An Bang vì bước chân ra đã là mép biển xanh thẫm, với thềm san hô dựng đứng. Chẳng thế mà khi chương trình giao lưu văn nghệ vừa kết thúc, đoàn công tác của chúng tôi đã nhận được thông báo rằng cần nhanh chóng rời đảo vì gió đang mạnh dần, thủy triều đang dâng lên, nếu ở lại thêm sẽ rất khó di chuyển ra.

Hoa Bang vuong
Hoa bàng vuông trên đảo An Bang.

Chia tay An Bang, con tàu đưa chúng tôi đến với Đá Đông C - một đảo chìm với diện tích còn khá khiêm tốn, nơi mà đồng chí Mạnh phụ trách thông tin nay kiêm nhiệm thêm việc đóng dấu lưu niệm cho các đoàn công tác. Đồng chí Mạnh hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đón nhiều người Viettel đến thăm như vậy!”. Vừa luôn miệng hỏi thăm, đồng chí Mạnh vừa luôn tay rót nước mời các thành viên Đoàn công tác, vừa thật thà tâm sự với chúng tôi rằng nơi đây cũng 6 tháng rồi chưa có cơn mưa nào ghé thăm. Lòng tôi bỗng dưng chùng xuống… Như nghe thấu được nỗi lòng của đồng chí Mạnh, ngay lúc các tiết mục văn nghệ đang diễn ra thì cơn mưa từ đâu bất ngờ kéo đến. Thay vì tìm chỗ trú theo phản xạ tự nhiên, cả đoàn chúng tôi không ai bảo ai đều nhất loạt giữ nguyên vị trí, rồi cùng nhau vỗ tay, reo hò mừng rỡ. Mừng vì mưa đã đến với đảo xa, vì các chiến sĩ cuối cùng đã có thêm nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Sự vui mừng ấy cùng chúng tôi rời Đá Đông C với biết bao ngổn ngang nặng trĩu trong lòng, vẫn chưa thể gọi tên…

Tiếp tục hành trình, chúng đến tới thăm Đá Tây A rồi đảo Trường Sa lớn vào một buổi chiều nắng như đổ lửa, mặt trời chiếu những tia sáng dát vàng chói lấp lánh, đổ tràn trên mặt nước. Khi thấy “thủ đô” của Huyện đảo Trường Sa thấp thoáng ẩn hiện giữa mênh mông biển trời, mọi mệt nhọc của chúng tôi dường như tan biến. Từ trên âu cảng, chúng tôi đã thấy bóng dáng của các cán bộ, chiến sĩ hòa cùng với nhân dân trên đảo đứng chờ đón đoàn ngay trên đường băng. Hoạt động đầu tiên của Đoàn công tác khi đặt chân lên đảo là thực hiện Lễ chào cờ. Dẫu biết, Lễ chào cờ nào cũng nghiêm trang và thiêng liêng, nhưng cũng bài Quốc ca ấy, màu cờ ấy khi được hát ở Huyện đảo Trường Sa luôn gợi lên cảm xúc mãnh liệt, xúc động trong từng nhịp đập của trái tim, từng hơi thở những người tham dự.

“Nghiêm! Chào cờ... Chào!”.

Sau tiếng hô dõng dạc, Quốc ca cất lên oai hùng, vang dội, át tiếng sóng biển ngoài xa: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”

Giữa bốn bề sóng vỗ, trước cột mốc chủ quyền mang dáng hình đất nước, dưới lá cờ đỏ thắm, từng lời bài hát Quốc ca vang lên với khí thế hào hùng, thiêng liêng đầy kiêu hãnh và tự hào. Đây có lẽ là buổi lễ chào cờ đặc biệt và đáng trân trọng nhất mà tôi sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình.

Tôi như đang nghe sóng Trường Sa vỗ mạnh phía bờ kè, gió biển thổi rì rào qua từng rặng cây phong ba. Tiếng sóng, tiếng gió từ nghìn đời vẫn thế. Tôi chợt nhớ đến câu hát trong một sáng tác của nhạc sĩ Thế Song:

“Nơi anh đến là biển xa

Nơi anh tới là đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua…”

Và dù cách trở với đất liền giữa biển khơi mênh mông, Trường Sa từ bấy lâu vẫn luôn là nơi “neo đậu” của nghĩa tình quân-dân.

Chào tạm biệt Trường Sa, chúng tôi di chuyển tới Nhà giàn DK-I, điểm ghé thăm cuối cùng trong hành trình. Sóng trên biển sau những ngày êm đềm cũng đã bắt đầu lớn dần, chúng tôi cảm nhận rõ sự dữ dội của sóng biển khi bắt đầu tiếp cận DK-I/9. Do gió to và sóng lớn nên chỉ có Trưởng đoàn và một số cán bộ đại diện lên thăm hỏi và tận tay trao tặng các phần quà ân tình từ đất liền xa xôi cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn. Những người phải ở lại tàu như tôi đều không giấu được sự tiếc nuối.

Tuy vậy, được tận mắt ngắm nhìn nhà giàn cao lừng lững từ trên tàu cũng đủ làm cho lòng tôi dậy sóng tự hào không thua gì những con sóng đang đua nhau vỗ ầm ầm vào mạn tàu dưới kia. Đúng là chỉ có sức sáng tạo và lòng yêu nước của người Việt Nam mới có thể dựng lên những ngôi nhà trên những cột giàn giữa bãi cạn nằm rải rác khắp thềm lục địa phía Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và chỉ có những con người can trường đến nhường nào mới đủ dũng cảm sống quanh năm trong một ngôi nhà mà cúi xuống hay nhìn lên đều chỉ một màu xanh của nước và trời.

Cầu chúc cho các anh thật nhiều sức khỏe, chân cứng đá mềm, vững chí bền gan!

Nha gian DKI9
Nhà giàn DK-I/9.

Sau nhà giàn, tàu bắt đầu di chuyển về lại Quân cảng Cam Ranh. Đây cũng là lúc chúng tôi nhận được thông báo hải trình sẽ có sóng to. Viết đến đoạn này, bỗng dưng tôi lại có cảm giác đang say sóng trở lại.

Chỉ vài tiếng sau khi rời nhà giàn, con tàu trở nên yên lặng hơn mọi hôm, phần vì nỗi buồn khi phải chia tay các đảo, một phần cũng vì sóng lớn nên nhiều thành viên trong đoàn bắt đầu cảm thấy mệt và say sóng, tôi đương nhiên không phải là ngoại lệ. May thay, càng về gần với đất liền thì sóng dần êm hơn, cả đoàn cũng nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Một chút sóng to ở cuối chuyến hải trình không ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch thăm và làm việc trên đảo của đoàn chúng tôi. Trái lại, nó càng giống một loại dược phẩm được chỉ định bắt buộc, có tác dụng giúp chúng tôi thêm yêu, thêm nhớ chuyến đi đầy ắp kỷ niệm, dạt dào cảm xúc và vô cùng ý nghĩa này.

Thay cho lời kết, tôi xin phép mượn một đoạn trích trong bài hát "Nhớ mãi chuyến đi này" của Bùi Công Nam để nói về cảm xúc lâng lâng của tôi ngay lúc này:

Những chặng đường mình đi qua

Những con người ở nơi xa

Tôi sẽ ghi hết, cất hết, giữ hết

Để mai sau nàу khi mở ra

Thấу rằng hôm qua mình đã sống thật thà

Đã chẳng hoang phí ngàу thanh xuân của chính ta...

 

Ѕẽ nhớ mãi hành trình nơi đâу

Nhớ phút giâу nhớ mỗi ngàу

Nhớ những khung trời mà mình đã có ở đó với gió và mâу

Đời là những chuуến đi

Ϲhuуến đi nào thì cũng đáng nhớ

Và rồi một ngàу nào tôi sẽ nhớ

Nhớ mãi chuуến đi nàу...

Càng quý trọng cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay - một nền hòa bình đã được đánh đổi bằng biết bao hy sinh thầm lặng, tôi càng thêm trân quý những con người mà tôi đã có may mắn được gặp gỡ trong chuyến đi này!

Cảm xúc đong đầy của PTGĐ VDS mang về từ Trường Sa

Cảm xúc đong đầy của PTGĐ VDS mang về từ Trường Sa

Chuyến đi Trường Sa lần này quả là cơ hội may mắn của cá nhân tôi, khi lần đầu tiên Viettel có đến 50 thành viên tham gia thăm hỏi, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Tâm tình Trường Sa

Tâm tình Trường Sa

Bộ phim được đoàn Viettel ghi lại bằng điện thoại di động trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa tháng 4/2022.

  • 1465
  • 43
  • 23

Hà Nam có nhiều thay đổi rõ rệt nhờ Viettel

  • 1096

'Ở VHT, ai cũng có thể là người truyền lửa'

  • 2019
  • 1

'Ai trên khắp thế giới này cũng sẽ sử dụng sản phẩm của Viettel'

  • 2497

Viettel nhận 10 giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội

  • 1433
  • 1

Viettel AI hợp tác với công ty hàng đầu về AI tại Đài Loan

  • 1316

Chuyên gia VCS 'lên sóng' bàn về mã độc tống tiền

  • 774

Ý tưởng 'xanh' của VTPost vô địch Innovative-me vòng online

  • 1645

Dự đoán giải thưởng bất ngờ tại lễ tôn vinh Innovative-me 2024

  • 218
  • 9

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 378

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 340

Viettel giải bài toán hạn chế kết nối Internet khi xuất ngoại

  • 240
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua