Xuân Thành (Học viện Viettel) đã đăng lúc 19:26 - 03.07.2024
Năm 2006, 2 năm sau khi khai trương mạng di động 098, Viettel bước vào giai đoạn phát triển thần tốc với thị phần tăng trưởng theo cấp số nhân. Và đỉnh cao là việc Viettel trở thành nhà mạng có thị phần số 1 vào năm 2008 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đỉnh cao có thể là vực sâu, với bối cảnh dân số Việt Nam bước vào giai đoạn “dân số vàng” kết hợp tốc độ tăng trưởng dân số suy giảm mạnh, Viettel có nguy cơ trở thành VNPT tiếp theo nếu mãi ngủ quên trên những chiến thắng đã đạt được.
Chính vì vậy, Viettel bắt đầu tiến ra nước ngoài để mở rộng thêm không gian tăng trưởng.
Với kinh nghiệm ít ỏi buổi ban đầu, Viettel quyết định chọn những quốc gia gần gũi, có cùng những gắn kết lịch sử để đầu tư. Và Campuchia được chọn làm thị trường nước ngoài đầu tiên khi Viettel bắt đầu kinh doanh dịch vụ VoIP vào tháng 6/2006, để rồi sau đó 3 năm, vào tháng 2/2009, Viettel chính thức ra mắt với tên thương hiệu Metfone
Với lãnh thổ rộng hơn 181 km2 song dân số chỉ hơn 17 triệu người, Campuchia có mật độ dân số chỉ xoay quanh 94 người/km2 và tập trung chủ yếu ở các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước như thủ đô Phnom Penh, tỉnh Kandal (bao quanh Phnom Penh), Prey Veng và Siem Reap.
Với đặc thù thuần nhất về mặt dân cư, 90% dân số Campuchia là người Khmer và sử dụng tiêng Khmer là ngôn ngữ chính thức. Do đó khi đặt tên cho thương hiệu Viettel tại đây, danh từ “Mette” theo tiếng Khmer cổ có nghĩa là “người bạn” được chọn. Qua đó mạng Metfone được xem như một người bạn của đất nước Campuchia, giúp cuộc sống của người dân Campuchia ngày càng tốt đẹp hơn.
Và thực tế cũng đã được chứng minh, những ngày đầu tiên tham gia thị trường Campuchia, Metfone phải cạnh tranh với 7 nhà mạng khác, trong đó có 3 nhà mạng đã tồn tại 10 năm như Mfone, TMIC và nhà mạng số 1 thời bấy giờ Mobitel với hơn 50% thị phần.
Duy trì chiến lược “hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau”, Metfone nhanh chóng phủ sóng đến 98% dân số Campuchia, không chỉ ở thủ đô Phnom Penh hay Siem Reap với thắng địa Angkor Wat mà tận những vùng xa xôi hẻo lánh sát biên giới Thái Lan như tỉnh Oddar Meanchey hay cả các đảo xa cách đất liền cả giờ đi thuyền.
Trong khi các doanh nghiệp viễn thông khác chỉ chủ yếu sử dụng truyền dẫn bằng viba, việc đầu tư hơn 3.000 trạm BTS cùng 11.000 km cáp quang kết nối đến 1.493 xã của Campuchia trong năm 2009 giúp Metfone chủ động trong chiến lược giá và sản phẩm khi đã phủ sóng cân bằng ở tất cả các tỉnh thành.
Tái thực hiện chiến lược “phổ cập dịch vụ viễn thông” đã từng làm ở Việt Nam, Metfone từng bước giành được thị phần từ các nhà mạng khác và vươn lên số 1 chỉ sau 2 năm kinh doanh với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng.
Đến năm 2013, Metfone chính thức hoàn vốn đầu tư. Không những thế, Metfone cũng xóa bỏ dần những rào cản giữa các quốc gia khi xóa cước roaming quốc tế giữa 3 nước Campuchia, Việt Nam, Lào trong năm 2017.
Đồng thời cũng mở rộng thêm nền tảng tài chính số ở Campuchia, Metfone ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử eMoney vào năm 2015, và hiện tại đang là ví điện tử số 1 ở xứ sở Chùa Tháp với hơn 1,3 triệu thuê bao sử dụng thường xuyên.
Ngoài ra, việc thử nghiệm thành công công nghệ 5G trong năm 2019, ra mắt các ứng dụng Metfone+ trong năm 2020 hay siêu ứng dụng CamID trong năm 2021 cho thấy định hướng tiên phong công nghệ cũng như khát vọng luôn đổi mới không ngừng để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái số tại thị trường Campuchia.
Ngày nay, Metfone tiếp tục củng cố vị trí công ty viễn thông số 1 Campuchia khi là doanh nghiệp đầu tiên chính thức xác lập cột mốc 7 triệu thuê bao register (trên tổng 9 triệu thuê bao di động).
Metfone cũng đã tăng số trạm BTS và có hơn 5.200 vị trí phát sóng 4G cùng 44.000 km cáp quang.
Metfone cũng có hơn 400.000 thuê bao cố định băng rộng, chiếm 54% thị phần cùng 13 triệu thuê bao trong hệ sinh thái số, trong đó có 1,4 triệu người dung Super App CamID chỉ sau 3 năm ra mắt.
Metfone cũng thực hiện đúng sứ mệnh của một “người bạn” khi đứng số 1 về nộp thuế trong số các doanh nghiệp viễn thông và số 5 trên tổng số doanh nghiệp tại Campuchia. Metfone cũng đã đóng góp khoảng 1,02 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước kể từ khi hoạt động, đầu tư 120 triệu USD cho các hoạt động xã hội, tạo 3.000 việc làm trực tiếp và 36.000 việc làm gián tiếp, trong đó lương trung bình của nhân sự Metfone ở mức 9.600$/người/năm, gấp 5 lần mức thu nhập bình quân đầu người Campuchia, giúp thay đổi cuộc sống cũng như tương lai của nhiều thành viên Metfone nói riêng và người dân tại đất nước Chùa Tháp nói chung.
Với vị trí địa chính trị thuận lợi, Campuchia nằm ở trung tâm giao lộ giữa 2 nước lớn trong khu vực là Thái Lan và Việt Nam, cũng như điểm giao thương trong kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh khi tạo thêm những con đường lưu thông từ Vân Nam (Trung Quốc) đến các quốc gia ASEAN.
Do đó, Campuchia nổi lên là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam và đứng thứ 3 châu Á trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng dự kiến 6,34%. Đây là nền tảng giúp Campuchia tiếp tục thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư toàn cầu, giúp gia tăng thu nhập bình quân đầu người của Campuchia trong chu kì tiếp theo, cũng như mở ra thêm không gian tăng trưởng cho Metfone trong tương lai.
Sau 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Metfone ngày nay đã trở thành doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn nhất xứ Chùa Tháp. Song vẫn giống như thách thức 15 năm trước của Viettel, sau đỉnh cao có thể là vực sâu, Metfone đang tiếp tục vượt qua chính mình, tiếp tục chuyển dịch để trở thành công ty công nghệ đa ngành và đẩy mạnh mở rộng thêm các dịch vụ ngoài viễn thông như thương mại điện tử và logistic, giao thông thông minh, y tế, giáo dục thông minh,… hay lớn hơn là ngân hàng số, đầu tư bất động sản,…
Đây tiếp tục là những thách thức lớn cần phải chinh phục, nếu Metfone vẫn duy trì được khát vọng như những ngày đầu thì thách thức lại luôn là động lực để con người Metfone phấn đấu, quyết tâm đưa Metfone trở thành một tổ chức lớn không chỉ ở Campuchia mà còn có thể vươn mình ra tầm khu vực.